(VietNamNet) - Khác với phương án của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của QH tại buổi thảo luận về dự án Luật KTNN của UBTVQH chiều 16/8 có quan điểm: ''Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ do Quốc hội thành lập. Tổng KTNN do Quốc hội bầu''...
|
Cần có một cơ quan kiểm toán theo dõi chính xác thất thoát trong xây dựng cơ bản. |
Chính phủ giữ KTNN thuộc Chính phủ!
Trong khi đó, ông Đỗ Bình Dương, Tổng KTNN, khi đọc tờ trình dự án Luật KTNN trước UBTVQH đã cho biết quan điểm của Chính phủ là giữ cơ quan này thuộc Chính phủ. Theo dự thảo luật, địa vị pháp lý của KTNN được nâng lên thành cơ quan ngang bộ: ''Tổng KTNN do Thủ tướng đề nghị, Quốc hội phê chuẩn''.
Nhưng ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, đại diện cho Uỷ ban này, không đồng tình: ''KTNN phải là cơ quan chuyên môn, có nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận và đánh giá thông tin về tài chính - ngân sách do Chính phủ trình. Hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật thì KTNN không thể thuộc Chính phủ và càng không thể là cơ quan của Chính phủ''. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói ví von KTNN thuộc Chính phủ là ''xôi chấm xôi''.
Phương án do Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách đưa ra là: ''KTNN do Quốc hội thành lập. Tổng KTNN do Quốc hội bầu, các phó Tổng KTNN do Tổng KTNN đề nghị, Quốc hội phê chuẩn hoặc UBTVQH bổ nhiệm. Tổng KTNN phải báo cáo kế hoạch kiểm toán hàng năm trước Quốc hội và báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, UBTVQH''.
KTNN sẽ phục vụ chung cho cả Quốc hội, Chính phủ?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu ủng hộ phương án này: ''Trong điều kiện hiện nay nên tách KTNN ra khỏi cơ quan điều hành. Chính phủ quyết định đầu tư thì KTNN thuộc Chính phủ kiểm toán sẽ khó bảo đảm độc lập, khách quan. Tương tự như kiểm toán của Chính phủ lại kiểm toán quyết toán ngân sách do Chính phủ trình ra Quốc hội''.
Theo ý kiến của ông Yểu, KTNN sẽ ''không thuộc ai'' mà phục vụ chung cả Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ.
Tán thành phương án của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết: ''Thế giới có 3 mô hình địa vị pháp lý của cơ quan KTNN. Một số nước cơ quan này thuộc Chính phủ như Trung Quốc, Cuba, Nhật Bản. Chiếm 80% các nước như Anh, Đan Mạch, Nga... nói thẳng trong luật KTNN thuộc Quốc hội. Còn lại như Úc, Séc, Ấn Độ, cơ quan này thuộc tổng thống hoặc toàn quyền''.
''Không thuộc ai cả là không ổn''?
Bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng băn khoăn nếu ''KTNN không thuộc ai cả''. ''Về nguyên tắc, cơ quan chuyên môn không thể né tránh việc tổ chức, chỉ đạo. Tôi thấy KTNN không thuộc ai cả rất chung chiêng, nếu không có anh chỉ huy là không ổn''.
Bà Đan tán thành để cơ quan này thuộc Quốc hội. ''Để KTNN thuộc Quốc hội thì tính độc lập, khách qua cao hơn. Quốc hội và UBTVQH không nắm tiền, chỉ đạo kiểm toán sẽ vô tư hơn. Về đối ngoại, nước ngoài nhìn vào cũng thấy kiểm toán khách quan, minh bạch hơn''.
''Quốc hội cần có kiểm toán riêng nhưng Chính phủ cũng cần. Nếu tách kiểm toán ra khỏi Chính phủ thì Chính phủ làm thế nào?'', ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại thắc mắc.
Ngoài việc KTNN phục vụ cả Quốc hội, Chính phủ, ông Kiên giải thích thêm: ''Chính phủ có thanh tra tài chính, thanh tra chuyên ngành và Thanh tra Chính phủ Thông qua các tổ chức này, đủ bảo đảm cho Chính phủ thực hiện quyền năng quản lý Nhà nước của mình''.
Chi tiêu của Quốc hội cũng được kiểm toán!
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cho rằng, tất cả những người tiêu tiền ngân sách cũng cần phải kiểm toán, kể cả Chính phủ, Toà án, Viện kiểm sát, thậm chí ngay chính Quốc hội. ''Quốc hội hiện nay chỉ tiêu mỗi năm khoảng hơn một trăm tỷ đồng. KTNN đã đến Văn phòng Quốc hội về việc đó, tôi vui mừng khi chi tiêu của Quốc hội được kiểm toán xác nhận vào'', ông Thanh nói.
Kết luận buổi thảo luận về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ tịch Trương Quang Được cho biết, 2 phương án về vị trí pháp lý của KTNN do Chính phủ trình và Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách đề xuất sẽ tiếp tục đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI vào trung tuần tháng 10 tới.
Ngày 17/8, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991. Đồng thời, UBTVQH sẽ xem xét, thông qua Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi).
|