Thanh niên đóng vai trò gì trong phát triển kinh tế?
04:02' 12/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Thanh niên cần phải trang bị kỹ năng, kiến thức gì để có thể (Hội nhập kinh tế quốc tế) HNKTQT, tiến quân vào KHCN là vấn đề lớn được đặt ra tại buổi tọa đàm "Thanh niên khối khoa giáo với việc phát triển kinh tế và tiến quân vào KHCN" do Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức ngày 11/8, tại Hà Nội.

Thiếu năng lực cạnh tranh: Thách thức số 1 khi hội nhập KTQT

Thanh niên - những người lãnh đạo tương lai đất nước.

"Chúng ta đang có lợi thế hay đứng trước những thách thức gì khi hội nhập kinh tế quốc tế và thanh niên chúng ta đóng vai trò như thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế?" - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương Trần Nguyễn Tuyên "khai cuộc" buổi tọa đàm bằng một câu hỏi.

Và ông phân tích luôn: Tuy chúng ta bước vào HNKTQT với một vài thuận lợi cơ bản như kim ngạch xuất khẩu được mở rộng, tranh thủ thu hút được các nguồn vốn bền vững; tiếp thu được công nghệ tiên tiến của nước ngoài; học tập được kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước... song lại phải đối mặt với quá nhiều thách thức, mà điển hình nhất là sức cạnh tranh thấp, trong khi đây là yếu tố sống còn quyết định sự thành bại khi hội nhập.

Năng lực cạnh tranh yếu, theo nhiều ý kiến, thể hiện rõ nhất ở việc tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ nhiều, cộng thêm tình trạng nợ xấu và các dự án phát triển kinh tế không hiệu quả (đánh bắt xa bờ..); hàng hóa xuất khẩu nhiều nhưng chất lượng thấp, chưa xác định được mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mới chỉ dừng lại ở xuất hàng thô mà chưa chế biến được hàng tinh...

Ngoài ra, lâu nay chúng ta vẫn thường tự hào có nguồn nhân lực trẻ, rẻ nhưng qua khảo sát, lợi thế đó đang mất dần trước sự cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc và các nước trong khu vực về chi phí cũng như chất lượng lao động; sự phát triển của nền kinh tế chưa tương xứng với mức đầu tư; cơ cấu lao động Việt Nam trong Nông nghiệp chuyển dịch quá chậm, không tương xứng với chuyển dịch kinh tế.

Đặc biệt, từ 1998 đến nay, đầu tư FDI của nước ngoài vào Việt Nam giảm sút hẳn mà nguyên nhân, theo ông Tuyên, là do thủ tục hành chính rườm rà, luật lệ, chính sách không nhất quán và chưa thống nhất được Luật đầu tư trong nước và nước ngoài cũng như Luật doanh nghiệp nhà nước và Luật doanh nghiệp; chi phí đầu tư quá cao so với khu vực, đặc biệt là chi phí đền bù, GPMB và ngay cả chi phí nhân lực lao động cũng cao hơn một số nước trong khu vực như Philippines, Trung Quốc; nhiều lĩnh vực nước ngoài muốn đầu tư ở ta như dịch vụ viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng... thì ta chưa mở. Có thể thấy, năng lực cạnh tranh thấp đang là thách thức rất lớn của chúng ta trong HNKTQT.

Vậy thì, trong bối cảnh đó, thanh niên đóng vai trò quan trọng gì? Ông Tuyên lý giải: thanh niên được xác định là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong HNKTQT, đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ. Thế nhưng, thách thức hiện nay đối với thanh niên trong HNKTQT là kiến thức hiểu biết pháp luật quốc tế còn rất hạn chế.

"Sự thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế cộng với khả năng ngoại ngữ yếu kém đã đẩy nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam đến hậu quả mất thị phần, bị đoạt thương hiệu trong quá trình mở rộng kinh doanh trên trường quốc tế. Để giành lại thương hiệu, doanh nghiệp phải tiêu tốn hàng núi tiền thuê LS (như ở TP.HCM, mỗi giờ thuê LS mất 500USD) mà chưa chắc đã đạt kết quả như mong đợi" - ông Tuyên dẫn chứng.

"Nói tóm lại, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập, bản thân thanh niên phải tự trang bị cho mình ngoại ngữ, tin học - những phương tiện quan trọng để giúp thanh niên có đủ năng lực và tự tin tiến quân vào KHCN, phát triển kinh tế" - ông Tuyên kết luận.

Thanh niên chỉ có thể "hội nhập" bằng "trục đường cao tốc"?

Theo gợi ý của GS Đỗ Nguyên Phương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương tại buổi tọa đàm, thanh niên khối khoa giáo không trực tiếp làm kinh tế nhưng lại công tác ở những lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp đến vấn đề hoạch định chính sách quốc gia hàng đầu nên phải nghiên cứu xem, công tác khoa giáo có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế và giúp thanh niên hội nhập, tiến quân vào KHCN như thế nào.

Nguyễn Thị Nga, Bí thư Đoàn cơ quan Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em nêu thực trạng: Nói đến HNKTQT không thể không nhắc đến việc NCKH để ứng dụng vào kinh doanh sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Thế nhưng hiện nay, đa số đoàn viên, thanh niên trong khối khoa giáo rất hiếm khi được giao chủ nhiệm các đề tài NCKH. Nếu có thì chỉ được làm thư ký đề tài hoặc tham gia vào một khía cạnh nhỏ nào đó của đề tài NCKH mà thôi.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, thanh niên cần phải trang bị thêm kiến thức tin học, ngoại ngữ mới có thể tiến quân vào KHCN, chủ động HNKTQT, Nguyễn Thị Nga bức xúc: Chúng ta luôn nói thanh niên phải học ngoại ngữ, tin học để hội nhập, phát triển kinh tế. Điều đó tôi không phủ nhận.

Thế nhưng thực tế, thanh niên hiện nay rất khó phát huy được những kỹ năng, kiến thức đó. Rất nhiều bạn học xong ĐHTC Ngoại ngữ nhưng 6 - 7 năm công tác không có điều kiện sử dụng, hàng chục năm làm việc vẫn chưa có cơ hội đi nước ngoài.. nên những kiến thức trang bị được cũng theo đó mà dần mai một. Đến khi cơ quan có tiêu chuẩn đi học nước ngoài, đưa ra các tiêu chí về ngoại ngữ, tin học, thanh niên có muốn tham gia cũng khó vì hầu như đã bị "rơi rụng" hết".

Cùng một bức xúc trên, Nguyễn Sinh Thành, Bí thư Đoàn cơ quan Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam bổ sung thêm: "Tôi dám chắc là nhiều bạn thanh niên ngồi đây khi sử dụng máy tính ở cơ quan cũng mới chỉ dừng lại ở mức gõ văn bản, thay thế máy đánh chữ ngày xưa. Còn ứng dụng những kiến thức vi tính, tin học cao hơn thì hầu như không có cơ hội".

Liên quan đến việc hình thành một thị trường KHCN cao để có thể ứng dụng, triển khai vào kinh doanh sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, Lê Quốc Hưng, Bí thư Đoàn Viện Nghiên cứu Khoa học Công nghệ Việt Nam tỏ ra lo ngại: Nhiều đề tài NCKH đang dần bị "chìm" đi một cách lãng phí vì năng lực tiếp cận thị trường của chúng ta rất hạn chế. Hy vọng thời gian tới, vấn đề trên sớm được khắc phục để đề tài NCKH của chúng tôi ứng dụng được vào sản xuất kinh doanh.

Để giúp thanh niên khắc phục những khó khăn nói trên, chủ động HNKTQT bằng cách tiến quân vào KHCN, TS Bạch Hùng Việt - Bí thư Đoàn Viện Khoa học Xã hội VN kiến nghị: Các cơ quan quản lý và các cấp có thẩm quyền phải tạo cho thanh niên nền tảng, hành lang pháp lý vững chắc cũng như đầu tư, xây dựng những "trục đường cao tốc" để thanh niên dễ dàng hội nhập KTQT thay vì bước vào hội nhập bằng "con đường mấp mô, gập ghềnh" như hiện nay.

  • Sông Lam

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Miễn giảm thuế thu nhập cho một số DN mới thành lập (11/08/2004)
Hà Nội: Hơn 300 đơn vị đã nhận các chứng chỉ ISO (10/08/2004)
Quá nhiều giấy phép trong lĩnh vực xuất bản! (09/08/2004)
"Kiềm chế tăng giá không để trở lại cơ chế bao cấp" (06/08/2004)
Người lao động tại KCN sẽ bớt khó khăn về nhà ở (06/08/2004)
Luật Cạnh tranh chưa được "Việt Nam hoá''? (06/08/2004)
Tạo điều kiện để báo chí điều tra tham nhũng độc lập (05/08/2004)
Khâu truyền tải điện sẽ không có cạnh tranh? (04/08/2004)
Không miễn giảm tiền sử dụng đất dự án tái định cư (03/08/2004)
Trong 8 năm, 4.529 DN phải xử lý vấn đề môi trường (30/07/2004)
Lãnh đạo Hà Nội thừa nhận chưa chỉ đạo sát sao (30/07/2004)
"Một cửa" - người dân giám sát tham nhũng tốt hơn (28/07/2004)
Miễn thuế thu nhập cá nhân nếu ảnh hưởng lợi ích QG (26/07/2004)
Chất lượng tăng, thứ hạng giảm (26/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang