"Kiềm chế tăng giá không để trở lại cơ chế bao cấp"
22:54' 06/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - "Phải xác định việc kiềm chế tốc độ tăng giá trong thời gian tới là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai công tác của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, nhưng các biện pháp phải linh hoạt, phù hợp cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, không máy móc, duy ý chí, không trở lại cơ chế quản lý bao cấp về giá". 

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, DN phải coi kiềm chế tăng giá là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Đó là một trong 4 nguyên tắc mà Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường trong thời gian trước mắt.

Chỉ thị trên vừa được ban hành trong bối cảnh từ cuối năm 2003 đến nay giá nhập khẩu đối với nhiều loại hàng hóa, vật tư, nguyên liệu tăng đột biến và đang ở mức cao và theo dự báo thời gian tới giá các mặt hàng chủ yếu trên thị trường thế giới mà nước ta phải nhập khẩu nhiều tiếp tục có biến động khó lường. “Nhiệm vụ thực hiện mục tiêu về giá cả thị trường như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra là hết sức khó khăn”, chỉ thị nêu rõ.

Ba nguyên tắc còn lại mà các biện pháp kiềm chế tăng giá phải tuân thủ, theo chỉ đạo của Thủ tướng là: phải thiết thực, phù hợp, nhằm mục tiêu giữ vững ổn các cân đối vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư và giảm bớt khó khăn cho đời sống người dân; phải gắn với thực hiện tiết kiệm triệt để trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là trong chi tiêu của Nhà nước; đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng có tác động lớn đến sản xuất và đời sống xã hội và hàng hóa thuộc danh mục nhà nước định giá, trường hợp giá thế giới biến động cao thì việc điều chỉnh giá phải thực hiện theo nguyên tắc kết hợp hài hòa các lợi ích.

Hàng loạt biện pháp rất cụ thể đã được Thủ tướng giao cho từng bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nhằm kiềm chế tốc độ trong thời gian tới.

Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ, ngành quản lý, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; rà soát lại các dự án lớn để đảm bảo đầu tư có hiệu quả. Trong tháng 8/2004, Bộ này phải trình Thủ tướng danh mục công trình sử dụng vốn nhà nước cần hoãn khởi công, giãn tiến độ thực hiện và đình chỉ những công trình đầu tư không hiệu quả, chưa cần thiết.

Bộ Tài chính có biện pháp quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách nhà nước theo chế độ quy định, kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiêu thường xuyên không hợp lý, thực hiện việc cắt 10% kinh phí chi tiêu thường xuyên hằng năm của ngân sách nhà nước; có biện pháp cụ thể thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hơn nữa hiệu quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, tiêu dùng xăng dầu, năng lượng, trước hết là ở các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; theo sát tình hình giá cả thị trường và tổ chức dự báo kịp thời, đặc biệt chú trọng đến những mặt hàng là nguyên liệu chủ yếu đề dự báo tình hình, đề xuất các  công cụu tài chính như thuế, phí, lệ phí, dự trữ nhằm cân đối cung cầu các hàng hóa, vật tư thiết yếu.

Thủ tướng còn yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát tiền tệ chặt chẽ, điều tiết linh hoạt theo cung cầu ngoại tệ trên thị trường; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng.

Bên cạnh đó, các Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng chỉ đạo các Tổng Công ty: Than, Điện lực, Xi măng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về quản lý giá đối với những mặt hàng điện, than, xi măng; chỉ đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam trong tháng 8 hoàn thiện hệ thống cung ứng thép, chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết độc quyền về giá thép, kiểm tra và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp không chấp hành quy định trong lưu thông thép.

Song song, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải nhà nước giữ ổn định giá cước vận tải, ô tô, đường sắt, đường sông, hàng không nội địa. Bộ Bưu chính- Viễn thông từ nay đến cuối năm 2004 thực hiện điều chỉnh giảm cước thuê kênh, cước kết nối để đảm bảo giá cước viễn thông và internet Việt Nam đạt mức thấp hơn hoặc tương đương bình quân khu vực.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương có biện pháp quyết liệt để sớm khôi phục đàn gia cầm ngay trong năm 2004; phòng chống dịch cúm gà không để bùng phát trên diện rộng.

Bộ Thương mại có trách nhiệm theo dõi, điều hòa cung cầu hàng hóa, không để xảy ra những mất cân đối cục bộ làm tăng giá, nhất là các mặt hàng nhạy cảm trên thị trường như: gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón, xi măng, đường, giấy...; bám sát tình hình giá cả lương thực trên thị trường để điều hành. Tránh tình trạng mua lúa, gạo dồn dập, tập trung đẩy giá lúa gạo trong nước lên cao, trước mắt chỉ cho phép xuất khẩu không quá 3,5 triệu tấn gạo cho cả năm 2004 và chỉ cho phép điều chỉnh trong quý 4 năm nay.

Bộ Y tế cũng cần có các biện pháp kiên quyết bình ổn giá thuốc, đảm bảo các loại thuốc thiết yếu không tăng giá đột biến; chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết độc quyền về giá thuốc, kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp không chấp hành các quy định trong khâu lưu thông thuốc.

Thủ tướng còn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật nhà nước về giá, không để các doanh nghiệp tăng giá tùy tiện làm thiệt hại lợi ích của người tiêu dùng; Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chịu trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện chỉ thị này và định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện. 

Từ nay, trong báo cáo tình hình kinh tế- xã hội hàng tháng, hàng quý do Bộ KH-ĐT trình Chính phủ phải có phần nói về kết quả thực hiện chỉ thị này.

  • Khôi Nguyên

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Người lao động tại KCN sẽ bớt khó khăn về nhà ở (06/08/2004)
Luật Cạnh tranh chưa được "Việt Nam hoá''? (06/08/2004)
Tạo điều kiện để báo chí điều tra tham nhũng độc lập (05/08/2004)
Khâu truyền tải điện sẽ không có cạnh tranh? (04/08/2004)
Không miễn giảm tiền sử dụng đất dự án tái định cư (03/08/2004)
Trong 8 năm, 4.529 DN phải xử lý vấn đề môi trường (30/07/2004)
Lãnh đạo Hà Nội thừa nhận chưa chỉ đạo sát sao (30/07/2004)
"Một cửa" - người dân giám sát tham nhũng tốt hơn (28/07/2004)
Miễn thuế thu nhập cá nhân nếu ảnh hưởng lợi ích QG (26/07/2004)
Chất lượng tăng, thứ hạng giảm (26/07/2004)
Hàng hoá nào không phải chịu thuế giá trị gia tăng? (26/07/2004)
Dịch vụ mới chỉ được "chú ý" ở Hà Nội, TP.HCM (22/07/2004)
TP.HCM có kịp cổ phần hóa 45 DN trong năm 2004? (21/07/2004)
Nhà nước phải quản lý chặt mặt hàng thuốc chữa bệnh (21/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang