Tạo điều kiện để báo chí điều tra tham nhũng độc lập
19:20' 05/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bên lề hội thảo "Vai trò của báo chí trong việc chống tham nhũng và thúc đẩy phát triển lành mạnh khu vực kinh tế tư nhân: Kinh nghiệm Trung Quốc", G.S Hu Zhengrong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát thanh và Truyền hình quốc gia đã chia sẻ với VietNamNet những kinh nghiệm của Trung Quốc nhằm tăng hiệu quả chống tham nhũng của truyền thông.

Chống tham nhũng hiệu quả: báo chí phải độc lập về tài chính

G.S Hu Zhengrong

- Ông có nhấn mạnh xu hướng cải cách ngành truyền thông Trung Quốc theo hướng đa dạng hoá hình thức sở hữu, theo định hướng thị trường và vốn như một đột phá, giúp báo chí tăng cường vai trò chống tham nhũng của mình. Ông có thể nói rõ hơn về luận điểm này?

- Đúng vậy. Điều mà ai cũng nhận thấy là sự hỗ trợ tài chính của nhà nước dẫn đến việc đưa các tin tức thuận lợi về chính phủ đương nhiệm và giảm bớt vai trò giám sát của phương tiện truyền thông. Do đó, việc Trung Quốc bãi bỏ quy định của nền kinh tế, buộc các cơ quan truyền thông tự hạch toán kinh tế độc lập đã tạo ra các nguồn tài chính độc lập thông qua quảng cáo, các khoản tiền đặt báo dài hạn, giảm bớt phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước và nâng cao tính độc lập tương đối của người biên tập.

T.S Nguyễn Quang A
Chừng nào chưa có một nền pháp trị vững mạnh và nền kinh tế thị trường lành mạnh thì  khó tạo ra tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, khó đưa ra các ràng buộc đối với quyền lực, và khó đấu tranh chống tham nhũng, khó nâng cao nhận thức của người dân và các phương tiện truyền thông khó có thể làm tốt vai trò giám sát của mình trong chống tham nhũng.

Mới đây, "Đề án thí điểm cải cách thể chế ngành văn hoá" được Chính phủ Trung Quốc công bố đánh dấu việc cải cách ngành công nghiệp truyền thông Trung Quốc bước sang thời đại mới. Nội dung chính của kế hoạch này là ngành truyền thông được chia thành khu vực công ích phi lợi nhuận và khu vực kinh doanh vì lợi nhuận.

Theo tôi, để nâng cao tính độc lập của các phương tiện truyền thông, chính phủ cần phải đẩy mạnh cuộc cải cách về chính trị và kinh tế, đặc biệt là các thể chế truyền thông và thể chế chính trị. Và cũng với những việc ấy, các cơ chế phải được thiết lập để đảm bảo rằng các phương tiện truyền thông phải thuộc sở hữu của nhiều thành phần khác nhau.

- Ông vừa nói đến việc đa dạng hoá hình thức sở hữu. Ở Trung Quốc, sự tham gia của tư nhân đối với sở hữu báo chí diễn ra như thế nào?

- Tại Trung Quốc, Nhà nước vẫn giữ sở hữu chi phối đối với báo chí. Chúng tôi chưa có loại hình báo chí tư nhân. Tuy nhiên, do nhiều tờ báo được niêm yết trên thị trường chứng khoán, nên tư nhân cũng được khuyến khích mua cổ phần, tức là tham gia sở hữu một phần đối với tờ báo.

Thậm chí, đối với truyền hình, tư nhân được phép đầu tư vào một kênh, nắm giữ tối đa 49% cổ phiếu của kênh đó (chứ không phải là của toàn bộ đài truyền hình). Tư nhân cũng có thể cộng tác với một số tờ báo để xuất bản các bài báo của riêng mình.

Quyền tiếp cận thông tin của báo chí cần được luật pháp bảo vệ

- Rõ ràng, để phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng thì khả năng tiếp cận thông tin của báo chí là cực kỳ quan trọng. Quyền tiếp cận thông tin của báo chí Trung Quốc được thực hiện như thế nào, thưa ông?

"Báo chí còn gặp nhiều khó khăn để có thể tiến hành điều tra độc lập".

- Một số cấp chính quyền địa phương và TW (tuy không phải là tất cả) Trung Quốc đã ban hành chính sách và quy định liên quan đến quyền của báo chí. Những chính sách, quy định đó đảm bảo quyền của báo chí được tiếp cận với thông tin, đặc biệt là sau vụ SARS xảy ra ở Trung Quốc thì Chính phủ Trung Quốc ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc minh bạch, công khai hoá thông tin cũng như mở rộng quyền tiếp cận thông tin cho báo chí. (Do chính quyền Bắc Kinh bưng bít thông tin về dịch SARS nên hậu quả là SARS đã cướp đi sinh mạng hơn 1000 người Trung Quốc - NV).

Nói chung thì tình hình đang tiến triển tốt.

- Như trong bài trình bày của ông có nói, các phương tiện truyền thông Trung Quốc chủ yếu đưa tin về các vụ việc tham nhũng. Vậy có trường hợp nào mà các nhà báo chủ động điều tra, phát hiện tham nhũng và đưa ra công luận không?

- Đúng là trong hầu hết các trường hợp, chính phủ thường cung cấp các thông tin về tham nhũng cho báo chí để đăng tải. Nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp các tờ báo đi bằng quan điểm, tôn chỉ riêng của mình để điều tra các sự vụ tham nhũng.

Mặt khác, tính chủ động của truyền thông Trung Quốc trong việc điều tra, phát hiện các vụ việc tham nhũng thường được phát huy nhiều hơn trong các hoạt động kinh tế, doanh nghiệp. Chẳng hạn khi báo nhận được phản ánh của độc giả rằng công ty này hay công ty kia làm hàng giả, hay có hoạt động mờ ám, họ sẽ cử phóng viên đi xác minh, điều tra và đăng tải.

Riêng đối với các sự vụ liên quan đến các quan chức cao cấp thì báo chí có quyền tự điều tra. Vấn đề là những bài điều tra này sẽ mang tính tham khảo nội bộ, được chuyển lên các cấp chính quyền cao hơn, thậm chí là chính quyền TW để họ xem xét và xác minh chứ không công bố rộng rãi trước công luận. Theo tôi nghĩ thì đôi khi, báo chí còn gặp nhiều khó khăn để có thể tiến hành điều tra độc lập. Bởi lẽ, báo chí vẫn phải chịu một vài hạn chế về mặt hành chính cũng như về chính trị.

- Nhưng khi những bài phát hiện như thế chỉ được viết trong nội bộ và chuyển lên cho các cấp cao hơn thì làm sao tránh được hiện tượng các quan chức liên quan sẽ tìm cách tác động, khiến cho sự việc "chìm xuồng" thưa ông?

- Cũng có thể, nhưng các bài điều tra như thế sẽ được chuyển cho các tổ chức và cơ quan, tức là tập thể, chứ không thông qua các cá nhân.

- Cũng trong bài trình bày của mình, ông có đề cập tới đặc trưng Trung quốc của báo chí chống tham nhũng, có nghĩa là các bản tin truyền thông không được tiết lộ các vụ tham nhũng hoặc xì căng đan nếu không được phép của các tổ chức Đảng có thẩm quyền (chủ yếu là của các Sở Truyền thông) và các bản tin của họ thường bị hạn chế trước khi kết thúc việc điều tra và xử lý chính thức vụ việc. Theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả chống tham nhũng của báo chí?

- Đúng là những hạn chế này sẽ ảnh hưởng nhất định tới khả năng và vai trò chống tham nhũng của báo chí. Xét ở chừng mực nào đó, nếu truyền thông không được phép tiết lộ các vụ tham nhũng thì năng lực chống tham nhũng của báo chí thực sự bị hạn chế.

Trong bối cảnh hiện nay, báo chí Trung Quốc đã và đang hoạt động theo cơ chế thị trường, phải tự đứng trên đôi chân của mình nên họ thực sự muốn tự mình tiến hành điều tra và viết bài chứ không phải qua xin phép của các cấp cao hơn. Thỉnh thoảng, họ cố gắng đưa tin một cách độc lập hơn nhằm thu hút nhiều độc giả hơn nữa.

- Nhưng trong tham luận của mình, ông có nói các bản tin tiêu cực của một số tờ báo TQ như "Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh" và tờ tuần báo "Miền Nam cuối tuần" đang có xu hướng giảm dần. Thực tế này phản ánh điều gì thưa ông?

Ông Huỳnh Sơn Phước, Phó TBT Báo Tuổi trẻ
Báo chí chỉ thực hiện đúng mức lợi thế giám sát của công luận một khi các cơ quan dân cử (HĐND, Quốc hội...) có thực quyền, có đủ năng lực và bản lĩnh giám sát, các cơ quan tư pháp và tòa án thật sự độc lập và các đoàn thể xã hội, hiệp hội ngành nghề thật sự là tổ chức của những người tự nguyện... có vai trò đầy đủ trong xã hội.

- Theo tôi thì có hai nguyên nhân lý giải cho tình trạng này. Sau hơn hai mươi năm tiến hành cải cách, bức tranh về tham nhũng ở Trung Quốc đã trở nên sáng sủa hơn. Các vụ việc tham nhũng đã có chiều hướng giảm.

Mặt khác, các phương tiện truyền thông đã có sự thay đổi chiến lược và phương pháp đối phó với các vụ việc tham nhũng. Báo chí sẽ không tường thuật vụ việc khi toà án đang thụ lý, xét xử mà đưa sau khi vụ án đã kết thúc. Trong các vấn đề nhạy cảm, chính phủ muốn kiểm soát hoạt động báo chí do quan ngại rằng nếu các vụ án mới được phát hiện mà báo chí đã đưa rồi sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra vụ án.

- Tuy nhiên, ông có nói là nhiều bản tin công kích mạnh đã là hạt giống ban đầu buộc các cơ quan chức năng phải thực hiện các cuộc điều tra chính thức của mình. Nói cách khác, trong trường hợp này, báo chí tạo áp lực dư luận buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Vì thế, nếu hạn chế đưa tin trong quá trình điều tra thì áp lực dư luận sẽ không còn?

- Thực tế, những cơ quan và tổ chức chống tham nhũng thực sự mong muốn cộng tác với báo chí. Họ hiểu rằng báo chí rất hữu ích cho công việc của họ.

Mặc dù vậy, một số quan chức, nhất là các quan chức địa phương thì không thích điều đó vì họ sợ bị báo chí phê phán. Do đó, các tờ báo có thể vấp phải sự chống đối, gây khó dễ của các quan chức. Thế nên, vào thời điểm này, rất khó cho báo chí để thực hiện các bài điều tra, phát giác tham nhũng.

Bản thân các phương tiện truyền thông cũng muốn khéo léo, linh hoạt hơn, tránh đối đầu trực tiếp với các quan chức. Nếu tờ báo bị cuốn vào cuộc xung đột gay gắt như thế, báo chí sẽ không thể thực hiện công việc của mình một cách suôn sẻ, thậm chí là chưa kể có ai đó không muốn hậu thuẫn cho việc làm của truyền thông.

Phải có luật bảo vệ nhà báo!

- Nói về vai trò chống tham nhũng của báo chí thì chính các nhà báo năng nổ, dũng cảm là một trong những nhân tố quan trọng nhất để chống lại các hoạt động tham nhũng. Nhưng như báo cáo của ông đã chỉ ra, nhiều nhà báo chuyên nghiệp và có trách nhiệm đã bị khám xét, tấn công và bắt giam một cách bất hợp pháp. Vậy Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp gì để bảo vệ nhà báo, thưa ông?

- Thực tế thì Trung Quốc đã có một số biện pháp để bảo vệ nhà báo. Chẳng hạn như năm ngoái Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành quy định điều tra trong Đảng. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành một chính sách đề cập đến vai trò giám sát của truyền thông.

Ngoài ra, một số tỉnh của Trung Quốc cũng ban hành một số chính sách, quy định liên quan đến việc bảo vệ quyền của nhà báo và báo chí trong vấn đề tiếp cận thông tin.

Tuy nhiên, theo tôi điều quan trọng là phải đưa thành luật, đặc biệt là luật về tin tức và thông tin. Trong vòng hai ba năm tới, Trung Quốc sẽ có những thay đổi quan trọng liên quan đến hoạt động báo chí. Chúng tôi đã chuẩn bị để ban hành một số luật cũng như quy định, theo đó sẽ mở rộng hơn nữa cơ sở, phạm vi hoạt động cũng như quyền cho báo chí và nhà báo. Những điều luật đó sẽ tác động tích cực tới hoạt động báo chí trong công cuộc chống tham nhũng.

- Xin cảm ơn ông!

  • Việt Lâm
    thực hiện

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khâu truyền tải điện sẽ không có cạnh tranh? (04/08/2004)
Không miễn giảm tiền sử dụng đất dự án tái định cư (03/08/2004)
Trong 8 năm, 4.529 DN phải xử lý vấn đề môi trường (30/07/2004)
Lãnh đạo Hà Nội thừa nhận chưa chỉ đạo sát sao (30/07/2004)
"Một cửa" - người dân giám sát tham nhũng tốt hơn (28/07/2004)
Miễn thuế thu nhập cá nhân nếu ảnh hưởng lợi ích QG (26/07/2004)
Chất lượng tăng, thứ hạng giảm (26/07/2004)
Hàng hoá nào không phải chịu thuế giá trị gia tăng? (26/07/2004)
Dịch vụ mới chỉ được "chú ý" ở Hà Nội, TP.HCM (22/07/2004)
TP.HCM có kịp cổ phần hóa 45 DN trong năm 2004? (21/07/2004)
Nhà nước phải quản lý chặt mặt hàng thuốc chữa bệnh (21/07/2004)
Hàng hoá nhập khẩu nào bị áp thuế chống trợ cấp? (20/07/2004)
Việt Nam: Thu nhập tăng, chỉ số giáo dục giảm (20/07/2004)
Phá thế độc quyền trong kinh doanh vận tải đường sắt (20/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang