Báo cáo Phát triển Con người 2004 của LHQ:
Chất lượng tăng, thứ hạng giảm
19:10' 26/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tình hình phát triển con người của VN được cải thiện dù thứ hạng trên bảng "tổng sắp" các quốc gia trên thế giới có đi xuống. Chuyên gia UNDP nhận định.

Chính phủ VN nhận thức cần có biện pháp hỗ trợ đặc biệt cho những nhóm bị thiệt thòi, trong đó có người dân tộc  thiểu số.

Theo báo cáo này, giá trị HDI (Chỉ số phát triển con người) của VN tiếp tục tăng từ 0,686 năm ngoái lên 0,691 cho phép VN duy trì xếp hạng về phát triển con người ở mức trung bình là 112 trong tổng số 177 nước được xếp hạng. Giá trị HDI của VN tăng, phản ánh mức tăng về tuổi thọ từ 68,6 lên 69 năm và GDP theo đầu người từ 2.210 lên 2.300 USD.

Về thứ hạng, VN xếp hạng 112/177 nước (kết quả này năm 2003 là 109/175 nước).

Ghi nhận nỗ lực chuyển hoá thu nhập thành kết quả phát triển con người của VN

Báo cáo đặc biệt ghi nhận nỗ lực của VN trong việc chuyển hoá thu nhập thành kết quả phát triển con người: "Các nước có mức thu nhập như nhau lại chênh nhau rất lớn về HDI - VN có mức thu nhập tương tự như Pakistan nhưng lại có HDI cao hơn nhiều vì tuổi thọ và tỷ lệ biết chữ ở VN cao hơn".

"Giá trị phát triển con người của VN có sự tăng đáng kể". Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế của UNDP khẳng định. Lý giải về nguyên nhân vì sao thứ hạng của VN tụt xuống 3 mức trong bảng xếp hạng so với năm ngoái, ông Pincus cho rằng do sự điều chỉnh về số liệu với việc thêm vào 2 quốc gia.

Vả lại, "thứ hạng không quan trọng lắm bởi các chỉ số của VN đều tăng hơn so với trước, tuy nhiên tốc độ tăng của các bạn có thể chậm hơn một số nước khác. Ngay trong báo cáo năm nay, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều tụt hạng so với năm ngoái". Ông Pincus nói thêm.

Nói cách khác, vị trí xếp hạng HDI năm 2004 của VN không có gì thay đổi vì có những sự thay đổi tương ứng về giá trị HDI của các nước khác.

Quan ngại về bất bình đẳng gia tăng

Điều đáng lưu ý là chỉ số giáo dục của VN có sự sụt giảm đáng kể. Tỉ lệ biết chữ của người lớn đạt 90,3%, giảm so với tỉ lệ 92,7% của năm 2003. Tỉ lệ này kéo theo chỉ số giáo dục giảm, chỉ đạt 0,82 so với  0,83 của năm 2003. Các chỉ số này đã phản ánh xu hướng đang gia tăng tại VN: mức tăng về thu nhập không đi đôi với cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế.

Nghèo đói là nguyên nhân chính được các chuyên gia UNDP đưa ra để giải thích cho tình trạng trên. Ông Jordan Ryan, Trưởng đại diện UNDP tại VN cho biết:

"UNDP đã thực hiện một số khảo sát về nghèo đói với sự tham gia của người dân. Kết quả cho thấy, tỷ lệ người lớn mù chữ có nguyên nhân chính do nghèo đói. Mức độ biết chữ của người lớn thấp là điều hết sức lo ngại. Chúng ta cần tìm ra giải pháp tổng thể, mà trước hết là giảm nghèo để hạn chế tình trạng trên gia tăng".

Ông Ryan và một số chuyên gia UNDP cũng bày tỏ mối quan ngại trước sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng đang ngày càng gia tăng ở VN.

"Nguyên nhân của tình trạng này là các địa phương tham gia không đồng đều vào các chương trình phát triển kinh tế của đất nước. Hiện một số tỉnh phía Bắc phát triển kém hơn so với phía Nam ở một số lĩnh vực. Vì thế, VN cần có chính sách ở cấp trung ương để hạn chế bớt chênh lệch như vậy.

Một nguyên nhân khác gây ra sự chênh lệch là bất cập ở các chính sách công vì người nghèo phụ thuộc nhiều hơn vào các dịch vụ như giáo dục, y tế... so với người khá giả. Chính phủ giao cho nhiều cơ quan phát triển dịch vụ để tăng khả năng tiếp cận của người dân nhưng nó có mặt trái là càng phát triển người nghèo càng không đủ tiền để mua dịch vụ. Theo tôi, cần có biện pháp để đánh giá chính xác hiệu quả để điều chỉnh những chính sách như vậy một cách thích hợp". ông Ryan nói.

Trao đổi bên lề với VietNamNet, Trưởng đại diện UNDP cho rằng, điều quan trọng là làm sao VN phải ưu tiên giải quyết một cách hợp lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, "nếu không, cái giá phải trả trong tương lai sẽ vô cùng lớn".

Tôn trọng sự đa dạng văn hoá: chú trọng hơn đến nhóm dân tộc thiểu số

Tiêu đề của Báo cáo năm nay là "Tự do văn hoá trong thế giới đa dạng ngày nay". "Thông điệp của Báo cáo rất rõ ràng: để tăng cường sự nghiệp phát triển con người, các quốc gia cần công nhận và xây dựng sự đa dạng về văn hoá". Ông Ryan nói.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về chính sách đa dạng văn hoá của VN, Trưởng đại diện UNDP cho rằng: "Việt Nam thể hiện sự tôn trọng sự đa dạng về dân tộc và văn hóa trong các quy định. Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ xoá bỏ khoảng cách giữa các nhóm dân tộc, công nhận sự cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ dành riêng cho những nhóm bị thiệt thòi, trong đó có người dân các dân tộc ít người. Trong các chương trình xoá đói giảm nghèo chính của quốc gia, chương trình "Hỗ trợ các xã nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở miền núi và vùng sâu vùng xa" (Chương trình 135) do Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chỉ đạo thực hiện, đã trực tiếp hỗ trợ cho 1.000 xã nghèo nhất ở miền núi và vùng sâu vùng xa".

Tuy nhiên, ông Ryan cũng lưu ý thực trạng một số dân tộc thiểu số VN có kết quả HDI rất thấp về giáo dục và thu nhập. "Mặc dù VN đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và Chính phủ đã rất cố gắng, song tỷ lệ nghèo vẫn còn rất cao và dai dẳng trong các nhóm dân tộc ít người. Các nhóm này chỉ chiếm 14% dân số nhưng lại chiếm tới 30% số người nghèo ở VN".

Vì thế, "Chính phủ cần tiến hành nhiều bước về mặt chính sách để giải quyết những bất bình đẳng về thu nhập, giáo dục, y tế, đặc biệt là chú ý đầu tư xã hội một cách công bằng hơn". Ông Ryan nhấn mạnh.

Theo ông Ryan, để bảo tồn sự đa dạng văn hoá, Việt Nam cần mở rộng các chương trình giáo dục song ngữ cho các trường mẫu giáo, tiểu học và các cấp học cao hơn nhằm tăng cường khả năng biết đọc, biết viết các ngôn ngữ thiếu số chính.

  • Việt Lâm

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hàng hoá nào không phải chịu thuế giá trị gia tăng? (26/07/2004)
Dịch vụ mới chỉ được "chú ý" ở Hà Nội, TP.HCM (22/07/2004)
TP.HCM có kịp cổ phần hóa 45 DN trong năm 2004? (21/07/2004)
Nhà nước phải quản lý chặt mặt hàng thuốc chữa bệnh (21/07/2004)
Hàng hoá nhập khẩu nào bị áp thuế chống trợ cấp? (20/07/2004)
Việt Nam: Thu nhập tăng, chỉ số giáo dục giảm (20/07/2004)
Phá thế độc quyền trong kinh doanh vận tải đường sắt (20/07/2004)
TP.HCM: GDP tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua (15/07/2004)
Vì sao đầu tư của Mỹ vào VN còn khiêm tốn? (14/07/2004)
"Tăng lương công chức để hạn chế tham nhũng" (11/07/2004)
"Một cửa" - bao giờ "thông"? (09/07/2004)
Chưa có NĐ đất đai: Chính phủ mong dân thông cảm! (03/07/2004)
TP.HCM quyết tâm đi “một cửa” để thu hút đầu tư (02/07/2004)
WTO: Điểm đến đã gần hơn? (23/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang