TP.HCM có kịp cổ phần hóa 45 DN trong năm 2004?
15:28' 21/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mặc dù đến giờ, TP.HCM chỉ CPH 4/43 DN, nhưng trả lời phỏng vấn VietNamNet, ông Trần Ngọc Phượng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ban Đổi mới quản lý DN TP.HCM quả quyết, thành phố sẽ hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 45 DN năm 2004.

Ông Trần Ngọc Phượng.

- Theo báo cáo của Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, 6 tháng đầu năm chỉ có 4/43 DN trong kế hoạch được cổ phần hóa. Vì sao kết quả đạt thấp như vậy?

- Đến giờ này, thành phố đã thông qua đề án cổ phần hóa 14 DN. Ngoài ra, thực hiện công tác sắp xếp và đổi mới các DN Nhà nước, thành phố còn sáp nhập 7/18 DN, chuyển sang Công ty TNHH 1 thành viên 3/5 DN, giải thể 1 DN.

Để chuyển đổi một DN Nhà nước sang cổ phần hóa, phải thực hiện rất nhiều phần việc, nhiều công đoạn, bao gồm: định giá DN, xác định cơ chế, giải quyết công nợ, giải quyết lao động dôi dư, vấn đề mặt bằng, sau đó là các thủ tục chuyển đổi…

Hầu như công đoạn nào cũng có những khó khăn. Chẳng hạn việc xác định giá trị DN. Cái khó là làm thế nào để để xác định phần vốn của Nhà nước vừa đúng giá trị, nhưng phải thuận mua vừa bán, người mua sẽ mua được, mà Nhà nước không bị thiệt. Để định được giá trị DN, còn liên quan đến các phần việc khác, chẳng hạn vấn đề xử lý công nợ. Ngoài công nợ phải thu phải trả, phần khó khăn là công nợ khó đòi. Công nợ tồn tại bao nhiêu năm trước, phải có thời gian xem xét để nếu không đòi được thì phải xóa nợ cho DN.

Ở một số DN, chứng từ gốc bị thất lạc, hoặc gặp khó khăn khi đối chiếu, do qua nhiều đời thủ trưởng, kế toán. Việc lập và kiểm tra báo cáo quyết toán tài chính của DN và các ngành có liên quan thực hiện còn chậm, nhất là đối với các DN sản xuất kinh doanh trong ngành xây dựng. Một trong những vấn đề khó khăn là việc giao mặt bằng nhà xưởng cho DN cổ phần hóa. Công tác xác định tài sản trên đất đã có hướng dẫn khá đầy đủ, nhưng việc xác định lợi thế vị trí đát đai thì chưa có hướng dẫn cụ thể, từ đó dẫn đến công việc định giá cho thuê cũng khó khăn không kém.

Tất cả những công việc này chiếm thời gian rất lâu. Có công đoạn gặp trở ngại, mất vài năm chưa giải quyết xong. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm sau khi chọn thời điểm xác định giá trị DN, bao giờ cũng mất thời gian quyết toán chuẩn bị, xây dựng đề án, nên việc thực hiện cổ phần hóa sẽ chậm lại, nhưng nhờ đó sẽ được thực hiện nhanh hơn vào những tháng cuối năm.

- Vì sao chúng ta không căn cứ vào khung giá đất để xác định giá trị mặt bằng?

- Hiện tại thành phố đang xây dựng khung giá đất mới theo Luật đất đai 2003. Trước đây và hiện nay, việc áp dụng khung giá đất theo nghị quyết 05 của Ủy ban nhân dân thành phố. Giá này đưa ra để thu thuế sử dụng đất chứ không phải giá thị trường. Trên thực tế, giá đất thị trường cao gấp nhiều lần.

Nếu căn cứ vào quy định khung giá 05, thì giá thuê đất hiện nay sẽ quá rẻ. Điều đó dẫn đến Nhà nước thất thu, trong khi đó sẽ xảy ra tình trạng DN cho người khác thuê lại lấy lãi. Hy vọng sắp tới khi Nhà nước ban hành khung giá mới, việc xác định giá trị mặt bằng sẽ thuận lợi hơn, và việc đưa ra giá cho thuê phù hợp với từng loại hình kinh doanh, từng vị trí khu vực.

Trên thực tế, việc xác định giá trị mặt bằng là việc làm hết sức khó khăn phức tạp. Việc giao tài sản cố định để cổ phần hóa DN có những ý kiến khác nhau, ví dụ như giao toàn bộ hay chỉ giao một phần, tính hoặc không tính giá trị đất vào giá trị DN, không giao tài sản cố định ở những vị trí đắc địa nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể…

- Như vậy, năm nay khó có thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 43 DN?

- Chỉ tiêu năm 2004 TP.HCM sẽ cổ phần hóa 43 DN, nhưng thành phố đã đưa lên 45 DN sẽ cổ phần hóa. Kế hoạch này sẽ hoàn thành, vì có một số cơ sở.

Những tháng đầu năm thông thường là thời gian quyết toán tài chính của cuối năm trước, và là thời gian làm công tác chuẩn bị, nên công việc cổ phần hóa bị chậm lại. Vì đã có thời gian chuẩn bị từ đầu năm, nên những tháng sau đó của nửa năm còn lại, việc cổ phần hóa sẽ được thực hiện nhanh hơn.

Trước đây, thành phố chỉ có 1 Hội đồng xác định giá trị DN, nay ở 7 Tổng công ty thành lập 7 Hội đồng xác định giá, nhờ đó sẽ thực hiện nhanh công tác xác định giá, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Thành phố có Ban đổi mới DN, là đầu mối tập hợp các Sở Ban ngành phối hợp hỗ trợ.

Cổ phần hóa với mục tiêu đa dạng hóa sở hữu, tạo ra cơ chế quản lý mới, huy động thêm nguồn vốn đầu tư của xã hội và gắn kết nguồn lao động. Quá trình cổ phần hóa DN sẽ được xử lý tài chính, xử lý lao động, giúp DN thực sự lành mạnh để bước vào sân chơi bình đẳng chung. Sắp xếp, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả là vấn đề sống còn của DN để đi vào nền kinh tế thị trường nhiều thành phần và hội nhập hiện nay. Đây là một trong 12 công trình, chương trình trọng điểm, thể hiện quyết tâm của TP.HCM.

- Vậy làm thế nào để thực hiện quyết tâm này?

- Công việc quan trọng nhất là xác định giá trị doanh nghiệp. Đến tháng 7, các DN được chọn để cổ phần hóa đã lập và nộp xong báo cáo quyết toán thuế và tài chính nhưng nếu chưa được Chi cục tài chính DN thành phố kiểm tra, UBND TP cho phép các Hội đồng xác định giá trị DN của thành phố và của của 7 Tổng công ty căn cứ vào báo cáo tài chính của DN để xác định giá trị DN.

Đối với các trường hợp nợ đã quá hạn thanh toán phải thu khó đòi nhưng không còn hồ sơ chứng từ gốc, Ban đề nghị cho phép khoanh nợ, không tính vào giá trị DN, giao lại cho Công ty mua bán nợ xử lý.

UBND TP đã giao trách nhiệm cho các Hội đồng xác định giá trị DN của thành phố và của các Tổng công ty phải hoàn thành việc xác định giá trị DN. Ít nhất sẽ xác định 60 DN trong số 101 DN được chọn. Việc này chậm nhất là cuối tháng 9/2004 phải hoàn thành.

Với cách làm như vậy thì tiến trình cổ phần hóa sẽ được rút ngắn thời gian.

- Cám ơn ông!

  • Đặng Vỹ
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhà nước phải quản lý chặt mặt hàng thuốc chữa bệnh (21/07/2004)
Hàng hoá nhập khẩu nào bị áp thuế chống trợ cấp? (20/07/2004)
Việt Nam: Thu nhập tăng, chỉ số giáo dục giảm (20/07/2004)
Phá thế độc quyền trong kinh doanh vận tải đường sắt (20/07/2004)
TP.HCM: GDP tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua (15/07/2004)
Vì sao đầu tư của Mỹ vào VN còn khiêm tốn? (14/07/2004)
"Tăng lương công chức để hạn chế tham nhũng" (11/07/2004)
"Một cửa" - bao giờ "thông"? (09/07/2004)
Chưa có NĐ đất đai: Chính phủ mong dân thông cảm! (03/07/2004)
TP.HCM quyết tâm đi “một cửa” để thu hút đầu tư (02/07/2004)
WTO: Điểm đến đã gần hơn? (23/06/2004)
Sẽ tập trung giải quyết 4 việc lớn trong nhiệm kỳ mới (17/06/2004)
"Cứ để DN nhảy xuống ao, họ sẽ tự biết bơi" (16/06/2004)
Sửa luật để thu hút đầu tư NN: Tôi rất nóng ruột... (16/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang