(VietNamNet) - Tại buổi lấy ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Dược chiều 20/7, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đã so sánh quản lý mặt hàng thuốc với quản lý... chất nổ TNT.
|
Vấn đề giá thuốc chữa bệnh đang làm đau đầu các nhà quản lý. |
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt, nhu cầu bức thiết ban hành Luật Dược hiện nay là nhằm khắc phục những yếu kém trong quản lý thuốc. ''Thực tế quản lý nhà nước về thuốc trong nền kinh tế thị trường thả lỏng và lúng túng, không chỉ về giá thuốc mà còn nhiều mặt khác như quảng cáo thuốc, bán thuốc không có đơn, thử thuốc trên lâm sàng...'', ông Việt thẳng thắn.
Thắt chặt quản lý dược phẩm?
Theo Điểm 2, Điều 4 trong dự thảo Luật Dược, Chính phủ quy định về quản lý giá thuốc, định giá một số loại thuốc thiết yếu trong từng giai đoạn cụ thể. Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, quy định như vậy ''bó cứng, chưa tôn trọng quan hệ thị trường, nhất là trong điều kiện hội nhập''. ''Tôn trọng để cho DN nhập khẩu tự định giá thuốc là khó! Cũng có lúc Nhà nước phải can thiệp vào giá thuốc'', Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu lên tiếng.
Bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: |
''Giá thuốc lên, tôi chưa thấy Bộ Y tế nói có điều chỉnh xuống được không?. Tuy Bộ Y tế chủ quản Tổng công ty Dược nhưng vai trò điều tiết giá thuốc của Tổng công ty này rất hạn chế. Tổng công ty Dược phải chiếm thị phấn lớn trong thị trường thuốc, kể cả thuốc nhập khẩu. Hơn thế, tổng công ty phải đứng ra cạnh tranh giá thuốc''. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh phản ánh: ''Một số mặt hàng thuốc muốn kinh doanh phải có điều kiện chứ không để tràn lan như hiện nay''. Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu là cần có giấy phép kinh doanh dược phẩm. ''Tôi ủng hộ kinh doanh thuốc có điều kiện nhưng không hạn chế bán lẻ cho dân. Cần quy định rõ người bán thuốc quyền hạn đến đâu, loại nào thì bán phải có đơn thuốc?'', ông Nguyễn Văn Yểu đề xuất.
Ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: ''Đổ hết cho Bộ Y tế không phải, quản lý thuốc phụ thuộc vào cơ chế''.
''Quản lý chất nổ TNT có quy định ai được mua, được bán, sử dụng thế nào. Trong khi đó, người ta dễ dàng mua thuốc sedusen về để... tự tử. Không phải quay lại cái thời bao cấp nhưng Nhà nước phải quản lý chặt mặt hàng thuốc'', ông Thanh nhấn mạnh.
Cấm quảng cáo thuốc chữa bệnh?
Ông Lê Văn Diêu, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện cho Uỷ ban này, đề nghị cấm khuyến mại, cấm phương thức bán hàng đa cấp trong hoạt động kinh doanh dược. Lý do là chi phí khuyến mại, bán hàng đa cấp đều làm tăng giá thuốc!
Nhiều ý kiến đã tỏ ra không đồng tình với đề nghị này. Bà Trần Thị Tâm Đan phản đối: ''Nếu cấm bán hàng đa cấp, dẹp bớt cửa hàng bán lẻ thì cũng giống như ngành văn hoá đề nghị địa điểm karaoke cách trường học 400m. Cấm bán hàng đa cấp không ổn, cấm chính là độc quyền''. Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh, không nên cấm bán hàng đa cấp, chỉ cấm bán hàng đa cấp bất chính. ''Thông tin quảng cáo giá thuốc là cần thiết, không nên cấm nhưng cần quản lý chặt hơn'', ông Nguyễn Đức Kiên góp ý kiến.
Về tờ trình dự án Luật Dược của Chính phủ, ông Lê Văn Diêu cho rằng, "chưa đưa ra những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau''. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đề nghị Ban soạn thảo khắc phục điều này và khẩn trương tiếp thu hoàn thiện dự án luật để đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI vào cuối năm nay.
Ông Lê Ngọc Trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế: |
''Thị trường thuốc của Việt Nam còn phụ thuộc vào nước ngoài, sản xuất thuốc trong nước mới chỉ dựa trên 400 hoạt chất trong khi nhu cầu điều trị cần tới hơn 1.000 hoạt chất. Trên 90% nguyên liệu cho sản xuất thuốc phải nhập khẩu. Trên 90% thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là thuốc điều trị các bệnh thông thường với các dạng bào chế đơn giản. Hiện tại, thuốc nhập khẩu chiếm tỷ lệ khoảng 60% nhu cầu sử dụng, tập trung ở những biệt dược, thuốc chuyên khoa đặc trị''. |
|