(VietNamNet) - Tuy mức tăng trưởng được đánh giá "chưa đạt mục tiêu", song chỉ số GDP tăng 9,9% cho thấy tín hiệu khả quan của kinh tế TP.HCM 6 tháng đầu năm qua. Con số này được đưa ra tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần 2 khóa VII, được khai mạc vào 15/7.
Tăng trưởng chưa đồng đều
|
Cảng Sài Gòn. |
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nguyễn Thiện Nhân cho biết: 6 tháng đầu năm 2004, tổng sản phẩm nội địa tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng liên tục theo xu hướng tích cực, năm sau cao hơn năm trước. GDP tăng 9,9% (cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây), trong đó khu vực dịch vụ có nhiều khởi sắc với mức tăng 8,8%; doanh thu du lịch tăng 32%. Ngành xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 4,48 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách đạt 23.702 tỷ, tăng 27,9%, là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm. Vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm đạt 16.650 tỷ đồng, tăng 8,6%.
Khu vực chế biến gồm công nghiệp và xây dựng tăng 12,5%. Chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của TP.HCM đã được triển khai tích cực, đến nay đã tuyển chọn được 43 sản phẩm thuộc các ngành cơ khí, điện tử, nhựa, cao su, thực phẩm chế biến, may, gỗ - giấy - mỹ phẩm. Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế canh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu”, chương trình “Hỗ trợ DN tăng năng suất, chất lượng và hội nhập 2005” đang triển khai và thu hiệu quả trong việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Theo đánh giá của UBND thành phố, mặc dù mức tăng trưởng cao, nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra là GDP của thành phố phải đạt 12% cả năm. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có dấu hiệu giảm sút, tốc độ tăng trưởng thấp so với kế hoạch và cả nước. Cơ cấu các ngành công nghiệp chưa chuyển dịch đáng kể, tốc độ di dời các doanh nghiệp ô nhiễm gắn với việc đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị thực hiện chậm, những nỗ lực của thành phố trong việc giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp công nghiệp như chi phí thuê đất, các dịch vụ trong khu công nghiệp… chưa mang lại kết quả đáng kể. Lĩnh vực nông nghiệp giảm sút mạnh, đã giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị chăn nuôi giảm 31% chủ yếu do dịch cúm gà. Giá trị sản xuất thủy sản giảm 29,3%. Tuy tỷ trọng góp vào GDP không lớn, nhưng sự giảm sút trong lĩnh vực nông nghiệp đã ảnh hưởng khá lớn đến đời sống của bộ phận dân cư.
|
Một góc TP.HCM. |
Công tác quản lý đô thị được thành phố tập trung tăng cường, trước tiên là tập trung vào công tác điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết 1/2000. Mục tiêu phấn đấu của thành phố đến cuối năm sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết 22.000ha, công khai cho nhân dân. Công tác cải cách hành chính được tiếp tục đẩy mạnh trên 3 nội dung: thể chế, tổ chức bộ máy và cán bị công chức… Một số quy trình, thủ tục hành chính đã được đơn giản và công khai. Nhờ đó, trong công tác quản lý nhà đất, đã có những bước tiến bộ lớn. Đón bắt Luật đất đai 2003, UBND thành phố đã ban hành các quyết định về thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thống nhất quy trình thủ tục, nhờ đó đã giảm bớt phiền hà thủ tục và rút ngắn thời gian làm thủ tục cho dân.
Thu phí nước thải sinh hoạt: Chưa thuyết phục
Theo phương án do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua trình bày sáng 15/7, phí nước thải sẽ thu với giá bằng 10% giá nước sạch, từ 250đ - 400đ/m3, tổng thu xấp xỉ 100 tỷ đồng/năm. Số tiền thu này sẽ sử dụng vào việc duy tu, vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước, hoàn trả một phần vốn và lãi ODA và đầu tư phát triển hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, tại buổi thảo luận ngày họp đầu tiên, hầu hết các đại biều còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất.
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng, trên một dịch vụ cung cấp mà có nhiều khoản phí, phụ thu là chồng chéo, bất hợp lý: "Trong hóa đơn tiền nước lâu nay đã có phụ thu, nếu thu phí nước thải nữa hóa ra hai lần thu". Ý kiến này của đại biểu Quang được nhiều đại biểu đồng tình. Đại biểu Tô Thị Kim Hồng nói: "Nếu thu phí nước thải, thì phải xem xét bỏ phụ thu".
Đại biểu Lê Văn Trung (Quận 11) nêu câu hỏi: "Căn cứ nào để đưa ra mức thu phí bằng 10% giá nước sạch?", Ông Trung đề nghị, mức thu phí phải có cơ sở, có tính toán, vì điều kiện thu nhập của người dân không tăng lên. Đại biểu Dương Văn Nhân (Cần Giờ) cũng đề nghị: "Khi thu phí hay thực hiện các khoản thu, thành phố nên xem xét điều kiện sống của người dân". Ông Nhân đề nghị, với những hộ dân dùng từ 3-4m3, nên miễn thu phí nước thải. Cùng với nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Minh cho biết, đã có một số ý kiến người dân nêu với HĐND, thành phố vừa tăng giá thu tiền cấp nước, vừa thu phí nước thải, khó gánh nổi.
Ông Phạm Văn Hải, Phó chủ tịch UBMTTQ thành phố đặt vấn đề: "Tỷ lệ thất thoát nước hiện tại đến 38%, trong khi đó người dân vẫn phải trả phí cho khản thất thoát này. Vậy tại sao ngành cấp nước không tìm biện pháp giảm thất thoát, mà tiếp tục thu phí?". Ông đề nghị, ngành Giao thông công chính cần trả lời sẽ sử dụng số phí này vào việc gì, công khai cho dân biết. Có ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hà Văn Minh cho rằng, "số tiền thu 100 tỷ chưa phải là vấn đề quan tâm, mà điều quan tâm là ngành cấp nước cần công khai cho dân biết số tiền này được sử dụng như thế nào, vào việc gì".
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc đưa đề nghị thu phí này quá gấp gáp, đại biểu chưa có điều kiện xem xét. Đại biểu Huỳnh Công Hùng và đại biểu Tô Thị Kim Hồng cùng có ý kiến: "Nếu chúng ta quyết định vội vàng, e rằng không hợp lòng dân".
Càng chống càng ngập!
Đây là vấn đề nhiều ý kiến đặt ra từ nhiều kỳ họp, nhưng lần nào cũng đầy bức xúc. Đại biểu Cao Văn Phần (Bình Tân) nói: "Ở Bình Tân, mưa xuống là ngập hết tất cả mọi phường". Ông kể một câu chuyện bức xúc, có lần người dân cắm tấm bảng xuống điểm ngập, ghi là "ao nuôi cá"! Đại biểu Lê Văn Trung dẫn chứng: từ khi xây dựng khu Bàu Cát, Tân Bình cao lên, mỗi khi mưa xuống là nước đổ hết các phường của quận 11, gây ngập tràn lan.
Đồng tình với ông Trung, một đại biểu ở quận Bình Thạnh nói, trước đây thành phố công bố 97 điểm ngập, nhưng nay đã 120 điểm, có khi còn hơn. Đại biểu này đặt câu hỏi: "Thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ xóa hết điểm ngập, liệu có khả thi không, trong khi trước đây có những nơi ngập 30 - 40cm, thì nay ngập lên đến 60 - 70cm. Thành phố đề ra mục tiêu, giải pháp thì nhiều, nhưng hiệu quả thì bằng không. Thậm chí càng chống lại càng ngập!". Đại biểu Nguyễn Văn Minh cũng đồng tình với ý kiến này khi cho rằng, việc phát sinh thêm các điểm ngập là kết quả của công tác... chống ngập: "Nâng đường lên để chống ngập, thì nước tràn vào khu dân cư. Mà khu dân cư bị ngập thì còn khốn khổ hơn nữa" - ông Minh nói.
Đại biểu Lê Văn Trung bức xúc: "Tại sao các ngành chuyên môn không quy hoạch cốt san nền? Dự án quy hoạch thoát nước đô thị của Sở giao thông công chính từ đầu năm, tại sao không triển khai?". Ông Trung cho biết, sẽ đưa câu hỏi này ra chất vấn vào hôm sau. Đại biểu Đặng văn Khoa (Bình Thạnh) thì cho rằng, về việc ngập nước, có lẽ không nên chất vấn ngành Giao thông công chính nữa, mà phải có một quy hoạch chung cho toàn thành phố".
Đền bù giải tỏa: không để dân thiệt thòi!
Đó là ý kiến của Ủy ban MTTQVN thành phố, do ông Trần Thành Long trình bày, và được rất nhiều đại biểu đồng tình. Theo ông Long, khi giải tỏa mặt bằng, việc xác định giá cả đền bù phải có cơ sở khoa học và đạo lý, trên nền tảng kinh tế xã hội, trên cơ sở phân tích, tính toán rõ ràng, minh bạch, mục đích là để khỏi bị thiệt thòi cho người dân.
Bày tỏ sự thông cảm với nỗi bức xúc của người dân ở nhứng khu vực đền bù giải tỏa, đại biểu Đặng Văn Khoa (Bình Thạnh) cho rằng, việc di dời giải tỏa, đền bù phải làm sao cho người dân có đời sống bằng hoặc tốt hơn trước, chứ không thể để cho người dân nghèo đi, khó khăn hơn. "Nhà đầu tư khi nắm được giấy phép là đã lợi tiền tỷ, sau đó lại cùng với địa phương đẩy dân ra khỏi địa bàn, là không phù hợp với luật chơi. Lúc này, địa phương không nên tham gia vào nữa, mà hãy để nhà đầu tư và người dân thỏa thuận, giải quyết với nhau. Như vậy, chính quyền vừa khách quan, mà người dân không bị thiệt thòi" - ông Khoa đề nghị.
Cũng trên quan điểm công bằng về quyền lợi và để khỏi thiệt thòi cho người dân, đại biểu Lê Văn Trung đặt vấn đề rất mới: "Từ trước đến nay, lợi ích của các dự án thuộc về tay ai? Con đường mở rộng, cái lợi của dự án thì thuộc về tay công ty tư nhân, người có nhà hai bên đường thì được lợi nhưng không đóng góp gì, trong khi những người trong diện giải tỏa thì bị khó khăn. Vì vậy, các dự án kinh doanh phải chia lợi cho người dân trong khu vực di dời. Như vậy mới công bằng" - ông Trung phát biểu.
Đại biểu này đề nghị, sau này khi xem xét các dự án, đề nghị HĐND, ban Kinh tế ngân sách, các cơ quan xét duyệt phải lưu ý điều này.
Trong 3 ngày làm việc, đại biểu HĐND sẽ nghe, thảo luận và cho ý kiến về các báo cáo về tình hình thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nghe UBND TP trình dự án quy hoạch khu đô thị Tây Bắc, tờ trình thu phí bảo vệ môi trường đối với nước sinh hoạt; Viện kiểm sát báo cáo tình hình kiểm sát công tác tư pháp và thực hiện quyền công tố; TAND báo cáo tình hình xét xử và thi hành án hình sự, báo cáo của Sở GD - ĐT; phát biểu của UBMTTQ về công tác xây dựng chính quyền, xem xét dự thảo chương trình giám sát của HĐND thành phố và các báo cáo thẩm tra của 3 ban HĐND. Kỳ họp dành nguyên một ngày 15/7 để xem xét báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và chất vấn tại hội trường. Nội dung chất vấn sẽ được tập trung vào các vấn đề: công tác quản lý đô thị (tình trạng quy hoạch treo, kẹt xe, ngập nước…), công tác cải cách hành chính, những vấn đề trong quản lý tài chính, xây dựng…
|