TP.HCM quyết tâm đi “một cửa” để thu hút đầu tư
08:23' 02/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) -  Xác định “một cửa - một dấu” ngoài mục đích nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác hành chính phục vụ nhân dân, còn có ý nghĩa cải thiện môi trường để thu hút đầu tư, phát biểu tại Hội nghị thành ủy TP.HCM ngày 1/7, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh quyết tâm thực hiện nội dung này trong tháng 7.

“Một cửa” để thu hút đầu tư

Cảng Sài Gòn.

“Một trong những giải pháp sống còn của thành phố là cải cách hành chính. Thành phố đã bắt mạch được điều này và xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để tháo gỡ môi trường đầu tư, công tác cải cách hành chính sẽ thực hiện chế độ “một cửa” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh đó là Ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất. Tất cả các dự án đầu tư trong nước, nước ngoài sẽ tập trung về một mối này. Thành phố sẽ chịu trách nhiệm công tác đền bù giải tỏa. Các khoản như chi phí hạ tầng, sẽ chi để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” trong lĩnh vực đầu tư, được UBND TP.HCM xác định rõ: “Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện đồng bộ, bao gồm từ giai đoạn cấp phép đầu tư đến triển khai dự án sau khi cấp phép. Trọng tâm trong lĩnh vực này là xác định trách nhiệm của thành phố trong việc tìm mặt bằng, giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng cho nhà đầu tư; bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp nằm trong chương trình di dời ô nhiễm và mọi doanh nghiệp có nhu cầu mặt bằng đầu tư vào những ngành nghề phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố”.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, mặc dù tập trung nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, nhưng hiện nay thành phố vẫn còn tồn tại lớn vấn đề gắn kết các nội dung cải cách hành chính với cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý chưa chặt chẽ, chưa mang tính hệ thống, đồng bộ. Cải cách hành chính thực sự chưa góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, chưa hỗ trợ đầy đủ về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân cho thấy khi phân tích từng nội dung cải cách hành chính thì có tiến bộ, nhưng trên thực tế trong hầu hết các lĩnh vực vẫn trì trệ.

Đồng tình với đề xuất này của UBND TP, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết cho rằng, thành phố phải biểu thị thái độ chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Kiểm điểm sự trì trệ của công tác này, ông Triết so sánh: “Trước đây các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương phải học ta. Nay ta phải học lại họ nghĩa là sao?”. Ông còn dẫn chứng thêm: “Các doanh nghiệp nước ngoài đã phát biểu rằng, ở nước họ, họ được Chính phủ rất trân trọng, nhưng đến nước ta bị xem thường quá”.

Theo chủ trương của UBND TP.HCM, trong tháng 7, thành phố sẽ phân công các cơ quan có liên quan nghiên cứu để ban hành “cơ chế một cửa” đối với nhà đầu tư trong Khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp, “một cửa” đối với tất cả các dịch vụ hành chính công mà Nhà nước phải cung cấp cho nhà đầu tư trong suốt quá trình chuẩn bị đầu tư cho đến giai đoạn triển khai thực hiện dự án.

Nông nghiệp giảm sút lớn

Báo cáo của UBND TP.HCM tại hội nghị thành ủy sáng 1/7 cho biết, 6 tháng đầu năm kinh tế thành phố có nhiều chỉ số tăng nhanh. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 9,9%, đạt mức tăng trưởng cao nhất từ 2001 đến nay. Khu vực dịch vụ - thương mại có nhiều khởi sắc, đạt tốc độ tăng trưởng 8,8%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước; xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 4,48 tỷ USD, tăng 22,2%. Nguồn vốn huy động tiếp tục tăng. Thu ngân sách đạt 23.702 tỷ đồng, tăng 27,9%, trong đó thu nội địa đạt 13.066 tỷ đồng. Riêng huy động qua kênh hệ thống ngân hàng đạt 131.500 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, tốc độ tăng trưởng thấp so với kế hoạch và cả nước. Theo đánh giá của UBND TP, cơ cấu các ngành công nghiệp chưa chuyển dịch đáng kể, tốc độ di dời các doanh nghiệp ô nhiễm gắn với việc đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị thực hiện chậm, những nỗ lực của thành phố trong việc giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp công nghiệp như chi phí thuê đất, các dịch vụ trong khu công nghiệp… chưa mang lại kết quả đáng kể.

Điều đáng quan tâm nhất là 6 tháng đầu năm lĩnh vực nông nghiệp ở TP.HCM đã có sự giảm sút rất lớn. Giá trị sản xuất toàn thành phố 6 tháng đầu năm đã giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị chăn nuôi giảm 31%, giá trị sản xuất thủy sản giảm 29,3%. Theo nhận định của UBND TP, tuy tỷ trọng góp vào GDP không lớn, nhưng sự giảm sút trong lĩnh vực nông nghiệp đã ảnh hưởng khá lớn đến đời sống của bộ phận dân cư.

Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngoài việc tập trung các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, Bí thư thành ủy Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh lĩnh vực dịch vụ, tính toán xây dựng lại cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực đầu tư. Theo ông Triết, mặc dù tăng 8,8%, nhưng tỷ trọng dịch vụ trong GDP của thành phố qua các năm đã giảm dần, từ 50% xuống còn trên 49%. Trong lĩnh vực công nghiệp, phương pháp đầu tư sẽ dần dần giảm bớt lĩnh vực ứng dụng công nghệ thấp, đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao.

  • Đặng Vỹ

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
WTO: Điểm đến đã gần hơn? (23/06/2004)
Sẽ tập trung giải quyết 4 việc lớn trong nhiệm kỳ mới (17/06/2004)
"Cứ để DN nhảy xuống ao, họ sẽ tự biết bơi" (16/06/2004)
Sửa luật để thu hút đầu tư NN: Tôi rất nóng ruột... (16/06/2004)
TP.HCM 2 năm với "cây gậy thần" (14/06/2004)
"Trách nhiệm Bộ trưởng vô hạn nhưng quyền thì hữu hạn" (10/06/2004)
Ba lực cản tiến trình "tiến bộ" của phụ nữ... (10/06/2004)
VN đứng thứ 109/175 về chỉ số phát triển con người (09/06/2004)
Ra văn bản sai có thể bị truy cứu trách nhiệm HS (08/06/2004)
Phải công khai quỹ nhà chung cư! (05/06/2004)
Luật bình đẳng nhưng chính sách lại bất bình đẳng? (03/06/2004)
Đảng viên có thể làm kinh tế, nhưng lãnh đạo không nên! (03/06/2004)
Khó xử khi ''anh em mình cùng một bộ''? (02/06/2004)
Sản xuất công nghiệp đang chững lại, giá cả tăng cao (02/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang