Sẽ tập trung giải quyết 4 việc lớn trong nhiệm kỳ mới
17:36' 17/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đây là khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phùng Hữu Phú khi ông trả lời phỏng vấn VietNamNet về kế hoạch, chương trình hành động của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2004 - 2009.

- Thưa ông, ông có bất ngờ khi mình tái đắc cử chức Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội?

Ông Phùng Hữu Phú.

- Thực lòng mà nói, khi tái đắc cử, tôi không bất ngờ lắm. Bởi trong nhiệm kỳ trước, tôi cũng đã được giao làm Chủ tịch HĐND nửa khoá. Trong thời gian đó, cùng tập thể Đảng, Đoàn, Ban Hội đồng, đại biểu... tôi cũng đã cố gắng làm một số việc được dư luận đánh giá tốt. Khi được bầu giữ chức danh Chủ tịch HĐND, sự tín nhiệm rất cao của đại biểu khiến cho tôi cảm thấy hạnh phúc, xúc động trước tình cảm, niềm tin tưởng mà các vị đại biểu dành cho mình.

- Nhiệm kỳ trước, ông tâm đắc nhất điều gì mình đã làm được trong vai trò người đứng đầu HĐND?

- Điều tôi tâm đắc nhất là mình đã từng bước suy nghĩ, phấn đấu và động viên, tập hợp được các vị đại biểu trong HĐND để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của HĐND TP, trước tiên là thực hiện cải tiến từng bước nội dung và chất lượng các kỳ họp, công tác tiếp xúc cử tri, đặc biệt là các cuộc tiếp xúc cử tri theo "chuyên đề" (chọn những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm và thông qua việc tiếp xúc đó, cùng với HĐND ban hành các Nghị quyết phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân). Còn trong công tác giám sát, sự đổi mới thể hiện ở việc kết hợp giám sát với giải quyết một số việc quan trọng. Chính nhờ có đổi mới như vậy, vị trí vai trò của HĐND ngày càng được khẳng định, đề cao. Cách làm này đã thay đổi suy nghĩ, nhận thức cho rằng, hoạt động của HĐND thường mang tính hình thức.

- Thế còn những điều khiến ông vẫn còn phải “trăn trở”?

- Sự thật là chúng tôi đã làm được một số việc nhưng còn nhiều việc làm chưa tốt. Cá nhân tôi luôn trăn trở làm thế nào hiệu lực và hiệu quả công tác giám sát phải cao và rõ hơn? Trong thực tế, có những việc HĐND, trên cơ sở tiếp xúc cử tri, giám sát đã phát hiện ra và đã có những ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết. Nhưng đáng tiếc là việc giải quyết theo yêu cầu của HĐND chậm và chưa tốt, làm hạn chế niềm tin của nhân dân. Chẳng hạn, có nơi dân kêu thiếu nước sạch, tôi xuống tận nơi, yêu cầu các cơ quan chức năng có phương án giải quyết. Tuy các cơ quan chức năng này có phương án nhưng lại triển khai chậm do sự phối hợp thiếu chặt chẽ hoặc do một cơ quan chức năng trong số đó chưa chịu "vào cuộc", khiến dự án bị đình trệ...

- Ngay sau khi tái đắc cử, ông có nói sẽ quán triệt tinh thần đổi mới trong tất cả các khâu hoạt động của HĐND cũng như các tổ chức liên quan trong nhiệm kỳ mới này, từ các cuộc họp cho đến công tác tiếp xúc cử tri, việc giám sát thực hiện Nghị quyết của Hội đồng... Vậy, việc đổi mới đó sẽ bắt đầu từ đâu và cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng để tạo cơ sở cho các khâu đổi mới hoạt động của HĐND cần phải xây dựng các quy chế hoạt động của HĐND, các Ban Hội đồng, của các tổ đại biểu. Rồi căn cứ trên các quy chế, quy định ấy mà xây dựng các chương trình công tác thiết thực. Điều quan trọng hơn là phải quyết tâm thực hiện cho được chương trình công tác đó.

Vấn đề quan trọng nữa là không chỉ đổi mới bản thân hoạt động của HĐND mà phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa HĐND với UBND, MTTQ, các ngành, các cấp, với đồng bào, chiến sỹ thủ đô để tạo sự đồng bộ trong hoạt động của hệ thống chính trị. Tôi nghĩ, nếu làm được như vậy, tinh thần đổi mới sẽ có kết quả tốt...

- Ông cũng có nói là từ nay đến năm 2010, nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội là thực hiện được Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, trong đó có quyết tâm thực hiện việc phân bổ ngân sách hợp lý. Chẳng lẽ, từ trước nay việc phân bổ ngân sách ở Hà Nội chưa phù hợp, thoả đáng?

- Để thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, có rất nhiều việc phải làm, trong đó phải nói việc phân bổ ngân sách hợp lý của địa phương là rất quan trọng, mà đây lại là chức năng, nhiệm vụ của HĐND mới được Luật quy định. Tôi cho rằng, việc phân bổ ngân sách hợp lý chính là tiền đề quan trọng đảm bảo tính hiệu quả trong phát triển kinh tế. Đầu tư đúng và trúng thì hiệu quả sẽ rất cao và ngược lại, sẽ gây nên tình trạng lãng phí, kém hiệu quả.

Nói như vậy không có nghĩa trước đây, việc phân bổ ngân sách Hà Nội không thoả đáng. Trong những năm qua, cũng nhờ biết phân bổ ngân sách khá hợp lý mà kinh tế Hà Nội đã tăng trưởng với tốc độ cao. Tuy nhiên, trước đây nhiệm vụ phân bổ ngân sách thuộc trách nhiệm của UBND TP, cũng còn có những lúc, những nơi việc phân bổ ngân sách còn dàn trải, chưa phù hợp nên chưa thật hiệu quả. Lần này, Luật quy định việc phân bổ ngân sách thuộc trách nhiệm của HĐND. Tôi tin với sự chuẩn bị chu đáo và trên cơ sở ý kiến của HĐND, kiến nghị của cử tri, việc phân bổ ngân sách sẽ được điều chỉnh, và sẽ được phân chia hợp lý hơn.

- Một trong những vấn đề nóng của các đô thị lớn nói riêng, TP Hà Nội nói chung là sự tác động tiêu cực của quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ (dân mất đất không có việc làm, quá tuổi để có thể đào tạo nghề mới dẫn đến phát sinh tệ nạn xã hội...). Ông nghĩ sao về vấn đề này?

9 mục tiêu kế hoạch hành động "cần và có thể làm ngay" của UBNDTP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2004 - 2009

Ngay sau khi trúng cử chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Triệu đã công bố 9 mục tiêu của chương trình hành động, đó là: 1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và quản lý theo quy hoạch, ban hành các cơ chế, chính sách của Thành phố để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủ đô, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thủ đô với thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; 2. Đổi mới và sắp xếp lại Doanh nghiệp Nhà nước; 3. Chuyển mạnh sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy nhanh phát triển đồng bộ các loại thị trường; 4. Thu hút, quản lý vốn đầu tư; 5. Đẩy mạnh xã hội hoá trong giáo dục, y tế; 6. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; 7. Giảm nghèo; 8. Cải cách hành chính; 9. Quản lý đô thị.

- Hà Nội là một trong những TP lớn, đang trong quá trình đô thị hoá rất nhanh, mạnh. Quá trình đô thị hoá ấy đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, trong đó có việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân thuộc diện phải di dời. Đây cũng là vấn đề lớn và là mối quan tâm thường xuyên của Thành uỷ, HĐND và UBND TP. Hà Nội.

Nhiệm kỳ trước, HĐND và UBND đã bàn nhiều giải pháp giải quyết những vấn đề liên quan đến GPMB, tái định cư... Tôi cho rằng, chương trình hành động nhiệm kỳ tới đây sẽ đặt ra rất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ. Trong đó, vấn đề giải quyết các hệ quả của quá trình đô thị hoá sẽ được HĐND và UBND tập trung giải quyết. 

- Những năm qua, đặc biệt là trong thời gian vài ba năm trở lại đây, Hà Nội cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông, chấn chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông đô thị nhưng kết quả đạt được vẫn chưa mấy khả quan. Nhiệm kỳ này, TP sẽ có những biện pháp cụ thể gì để giải quyết tình trạng trên?

- Giải toả ùn tắc giao thông, chấn chỉnh mạng lưới giao thông là công việc rất lớn, rất khó, rất phức tạp. Những năm qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhưng như tôi đã nói, đây là đại vấn đề của Hà Nội vì kết cấu hạ tầng hiện chưa hoàn chỉnh, đang phải mở mang theo hướng hiện đại hoá. Trong khi đó, áp lực dân cư cũng như sự bùng nổ các phương tiện giao thông quá lớn nên xảy ra nạn ùn tắc là điều không tránh khỏi.

Để giải quyết tình trạng giao thông, phải triển khai đồng bộ hàng loạt biện pháp. Nhiệm kỳ này, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh giải quyết vấn đề giao thông, cụ thể là mở đường, tổ chức lại các tuyến, luồng giao thông... một cách khoa học, hợp lý hơn. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ đầu tư nâng công suất vận tải công cộng; tận dụng và khai thác tốt các loại hình giao thông như hàng không, đường thuỷ, đường bộ... Và đặc biệt, sẽ có lộ trình hợp lý nhằm hạn chế, tiến tới xoá bỏ các phương tiện giao thông cá nhân. Chỉ có như vậy, Hà Nội mới thực sự là TP văn minh, hiện đại.

Hà Nội sẽ phải mất nhiều năm trong nhiệm kỳ tới để chuẩn bị cho 1.000 năm Thăng Long. Vì vậy, việc giải quyết giao thông cũng là vấn đề lớn của thành phố.

- Nếu thấy có vấn đề "nổi cộm" mà UBND TP chưa kịp nghĩ ra hoặc đề xuất thực thi, HĐND có quyền yêu cầu thực hiện và giám sát thực hiện hay chỉ giám sát những gì có trong kế hoạch của UBNDTP?

- Phải nói điểm nổi bật của Hà Nội trong thời gian qua là ranh giới giữa HĐND và UBND chỉ là tương đối. Trong công việc của UBND TP, bao giờ cũng có sự định hướng kịp thời của Thành uỷ. Trên cơ sở định hướng ấy, UBND xây dựng kế hoạch hành động. Kế hoạch đó xây dựng xong, UBND sẽ trình lên HĐND và HĐND lại cùng UBND giám sát, đôn đốc, kiểm tra thực hiện. Như vậy, giữa HĐND và UBND tuy có chức năng, nhiệm vụ, vai trò khác nhau nhưng luôn có sự phối hợp nhịp nhàng, chủ động.

Tôi đã bàn với UBND, tới đây, hàng tháng sẽ có cuộc làm việc giữa thường trực HĐND và UBND để rà soát công việc của TP. Lúc đó, tin rằng công việc sẽ càng trôi chảy, hiệu quả hơn.

- HĐND TP sẽ chú trọng đến vấn đề gì trong nhiệm kỳ mới và thực hiện những kế hoạch đó theo phương châm hành động nào, thưa ông?

- Nhiệm kỳ mới có rất nhiều việc, nhưng trọng tâm hoạt động của HĐND TP sẽ tập trung chủ yếu vào 4 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, cùng UBND xúc tiến, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, quyết tâm thực hiện một bước quan trọng rà soát, đổi mới chức năng chương trình cải cách hành chính từ nay đến năm 2010, trong đó có việc đổi mới tư duy hành chính; tiếp tục củng cố cơ cấu và phương thức hoạt động của bộ máy hành chính các cấp, phấn đấu xây dựng ở Thủ đô Hà Nội một nền hành chính hiện đại.

Thứ hai, tập trung nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thủ đô trên cơ sở sự phát triển bền vững của kinh tế; tiếp tục đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng quản lý đô thị, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ ba, tập trung xây dựng môi trường văn hoá, giải quyết những vấn đề tệ nạn xã hội, lành mạnh hoá các mối quan hệ xã hội, môi trường văn hoá giáo dục; xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại. Đồng thời, triển khai các chương trình văn hoá lớn, cả vật thể và phi vật thể.

Thứ tư, sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao tiềm lực An ninh quốc phòng để giữ vững an ninh chính trị, ổn định xã hội để Hà Nội mãi là thành phố hoà bình, thủ đô anh hùng của dân tộc anh hùng. Đấy là mục đích hết sức to lớn, nặng nề. Muốn thực hiện được đòi hỏi phải có một sự phấn đấu quyết liệt, sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị các ngành, các cấp. Trong đó, HĐND với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ có nhiều đóng góp thiết thực.

- Xin cám ơn ông!

  • Nguyệt Minh
    thực hiện
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sửa luật để thu hút đầu tư NN: Tôi rất nóng ruột... (16/06/2004)
TP.HCM 2 năm với "cây gậy thần" (14/06/2004)
"Trách nhiệm Bộ trưởng vô hạn nhưng quyền thì hữu hạn" (10/06/2004)
Ba lực cản tiến trình "tiến bộ" của phụ nữ... (10/06/2004)
VN đứng thứ 109/175 về chỉ số phát triển con người (09/06/2004)
Ra văn bản sai có thể bị truy cứu trách nhiệm HS (08/06/2004)
Phải công khai quỹ nhà chung cư! (05/06/2004)
Luật bình đẳng nhưng chính sách lại bất bình đẳng? (03/06/2004)
Đảng viên có thể làm kinh tế, nhưng lãnh đạo không nên! (03/06/2004)
Khó xử khi ''anh em mình cùng một bộ''? (02/06/2004)
Sản xuất công nghiệp đang chững lại, giá cả tăng cao (02/06/2004)
"Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc" (01/06/2004)
30 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh! (01/06/2004)
Diện tích đất ở sẽ được tăng thêm hơn 40.000ha (31/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang