Sửa luật để thu hút đầu tư NN: Tôi rất nóng ruột...
00:21' 16/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy với báo giới về việc chậm sửa đổi các quy định pháp luật để giữ ưu đãi thuế cho nhà đầu tư. Phó Thủ tướng cho biết: khả năng đầu tư nước ngoài thời gian tới có triển vọng tốt. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo chí.

- Tại Hội nghị Diễn đàn DN 2004, nhiều nhà đầu tư cho rằng Chính phủ ban hành các nghị định 164, 158/2003 giảm các ưu đãi về thuế, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã đồng ý sửa đổi nhưng tại sao đến bây giờ vẫn chưa xong?

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc:

- Bộ trưởng đánh giá như thế nào khi nhiều nhà đầu tư đang đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam đang kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực?

- Điều đó hoàn toàn không phải! Trong hội nghị Diễn đàn Doanh nghiệp 2004 người ta đánh giá rất tốt. So sánh từng chỉ tiêu một thì đúng là có một số mặt nào đó chúng ta thua kém các nước trong khu vực nhưng nhiều mặt chúng ta có lợi thế. Hiện nay, các điều tra của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) xếp chúng ta là một trong những nước có môi trường đầu tư hấp dẫn thứ 4 trên thế giới.

Có một số lĩnh vực chúng ta cần phải xem xét. Đó là giá cả một số sản phẩm dịch vụ. Chẳng hạn, giá điện của chúng ta còn cao hơn 6% so với bình quân chung của giá điện trong khu vực là không hợp lý! Cái này trong lộ trình Chính phủ sẽ điều chỉnh. Hay giá cước viễn thông, riêng điện thoại đường dài từ Việt Nam đến một số nước; chi phí về thuê văn phòng, về đất đai còn cao hơn. Chính phủ đang xem xét những vấn đề này để có điều chỉnh đảm bảo môi trường đầu tư cạnh tranh.

- Hiện nay chúng ta vẫn thu hút đầu tư theo quy hoạch của các ngành. Mà các ngành thường lựa chọn ra những dự án kém tính hấp dẫn để thu hút đầu tư...?

- Chúng tôi đang có những biện pháp để sửa đổi. Chúng tôi bảo đảm môi trường đầu tư bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước. Tất cả những ngành, lĩnh vực nào cần thu hút đầu tư thì cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước lựa chọn như nhau. Trước đây có tình trạng chúng ta dùng quy hoạch để hạn chế đầu tư. Nhưng có một số dự án đầu tư có khả năng mở rộng đầu tư, sản xuất như xi măng Nghi Sơn, xi măng Chinfon thì ta dùng quy hoạch để xếp lại những dự án đó ở thứ hạng ưu tiên sau để đưa các dự án khác thu hút đầu tư trong nước của các DN nhà nước. Nhưng vừa rồi Chính phủ đã có điều chỉnh. Hiện nay một số dự án như xi măng Hải Phòng, xi măng Nghi Sơn... đã được bổ sung và có sự điều chỉnh để đầu tư.

- Các dự án gần đây về nước sạch cũng nằm trong diện quy hoạch hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài?

- Dự án về nước chúng tôi hoàn toàn kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng có thực tế là giá nước của chúng ta quá thấp, cho nên khi các nhà đầu tư vào không cạnh tranh nổi, họ đã không đầu tư!

- Nghị định 158/2003 hướng dẫn thực hiện luật thuế VAT, Nghị định 164/2003 hướng dẫn thuế thu nhập DN có những điểm không phù hợp. Chính phủ đã yêu cầu sửa ngay. Nhưng theo Luật ban hành văn bản pháp quy của mình, muốn sửa nghị định không phải Thủ tướng ký ''rẹt'' là xong! Phải lập ban soạn thảo để sửa đổi, soạn thảo xong thì Bộ Tư pháp thẩm định. Thẩm định xong phải lấy biểu quyết của các thành viên Chính phủ. Hiện các văn bản này đang ở giai đoạn thẩm định. Các văn bản này chậm tôi rất nóng ruột!

- 5 tháng đầu năm 2004, số dự án đầu tư nước ngoài giảm 34%, số vốn giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây có phải là thêm một bước thụt lùi...?

- Thực trạng này là tích tụ nhiều nguyên nhân, trong đó có phần như đã nói trên. Nguyên nhân nhân khách quan là vốn đầu tư vào các nước đang phát triển đang có sự cạnh tranh rất lớn. Đây là một cuộc cạnh tranh khốc liệt cả trong khu vực. Mình cải thiện đầu tư thì các nước cũng cải thiện!

- Nhưng cải thiện môi trường đầu tư của ta vẫn chưa đủ hấp dẫn để nâng quy mô đầu tư?

- Chúng ta đang rất tích cực cải thiện môi trường đầu tư. Môi trường đầu tư phải hiểu là bắt đầu từ thể chế, chính sách, luật pháp rồi mới đến thủ tục và các điều kiện cơ bản về hạ tầng. Có người nói thủ tục mình làm chậm thì đang cải tiến, cố gắng làm nhanh. Có người nói môi trường đầu tư không hấp dẫn vì giá cước viễn thông cao, thì chúng ta đang phấn đấu giảm bằng khu vực. Có người nói giá cước vận tải đắt quá! Vận tải từ khu công nghiệp Singapore đến cảng Sài Gòn đắt hơn từ cảng Sài Gòn đi Singapore. Vì hạ tầng của chúng ta như thế! Từ khu công nghiệp Singapore vào cảng Sài Gòn không được chở bằng tàu lớn mà tàu nhỏ chở thì cước phí cao. Chính phủ đang tính toán làm cảng nước sâu cho cả khu vực Vân Phong (Khánh Hoà).

Chúng ta mới hội nhập, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Việt Nam đã gia nhập AFTA, APEC, ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ và 72 nước. Quyết tâm gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì trước hết chúng ta phải đàm phán và chấp nhận nguyên tắc chung, thể chế chung về đầu tư, thương mại, dịch vụ... Khi đó mới hình thành những chính sách cơ bản gắn liền với những nguyên tắc và thể chế của tổ chức này.

- Hiện nay có phải chúng ta đang hạn chế đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực như nước sạch, xi măng...?

- Tôi khẳng định không có chuyện đó. Hiện nay chúng ta vẫn khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xi măng. Tập đoàn Holcim đang tiếp tục trình dự án khai thác ở Thạch Mỹ (Quảng Nam), sản xuất xi măng 2,5 triệu tấn/năm. Cái tin lấy quy hoạch ngăn đầu tư nước ngoài, hạn chế một số lĩnh vực là không có, hiểu không đúng! Vừa qua nhược điểm của ta là thiếu quy hoạch, tính hiệu lực và hiệu quả của quy hoạch không cao. Trong lĩnh vực sản xuất xi măng chưa làm rõ được chỗ nào cho làm, chỗ nào chưa cho làm. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng thảo luận lại.

Còn đầu tư vào nước sạch đầu tư không có gì cao siêu cả! Những dự án ở TP.HCM nếu thực hiện thuận lợi, mỗi năm chúng ta phải trả tiền sử dụng nước chuyển ra ngoài không dưới 200 triệu USD. Trong lúc cán cân thanh toán của ta rất khó khăn, xuất khẩu kiếm từng đồng. Lĩnh vực này chúng ta không cấm nước ngoài nhưng khuyến khích đầu tư trong nước. Chính phủ nói rõ cho vay ưu đãi làm cái này.

Chúng ta phải tính lợi ích quốc gia nên không thể chấp nhận ''nhập khẩu'' nước để tiêu dùng, trong khi hoàn toàn có thể tự làm lấy và làm rẻ hơn nhiều. Nếu Chính phủ chưa làm được là có khuyết điểm với dân!

- Có nhà đầu tư nước ngoài nói " không 'thích'' thị trường Việt Nam vì cái gì cũng thiếu nhưng đầu tư thêm một chút vào thì thừa. Phó Thủ tướng nhận xét như thế nào?

- Thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng với 80 triệu dân. Nhưng đang trong quá trình ''tiềm năng'' vì sức mua thấp, bình quân đầu người là 500 USD, nằm trong số 40 nước nghèo nhất thế giới. Chẳng hạn, 80 triệu dân tiêu dùng 1 triệu tấn đường là vừa. Nhưng làm lên 1,2 triệu tấn đường là thừa vì sức mua thấp chứ không phải vì nhu cầu. Sức ''ăn đường'' của người Việt Nam còn lớn lắm! Cho nên chiến lược của Việt Nam vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa thay thế nhập khẩu có hiệu quả. Mình mới mở khu công nghiệp, khu chế xuất để nhập khẩu nguyên vật liệu, sử dụng lao động của mình vào tạo ra giá trị gia tăng để xuất khẩu.

- Dự đoán của Phó Thủ tướng về thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới?

- Theo tôi, khả năng thời gian tới có triển vọng tốt. Bởi vì chúng ta đang cải tiến đồng bộ các lĩnh vực về thể chế, luật pháp, về thủ tục hành chính, về các điều kiện dịch vụ, kể cả nguồn nhân lực... Tôi cũng rất mừng khi nghe các tổ chức quốc tế ở Việt Nam như IMF, WB, ADB... đánh giá chúng ta có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư.

  • Văn Tiến
    ghi
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM 2 năm với "cây gậy thần" (14/06/2004)
"Trách nhiệm Bộ trưởng vô hạn nhưng quyền thì hữu hạn" (10/06/2004)
Ba lực cản tiến trình "tiến bộ" của phụ nữ... (10/06/2004)
VN đứng thứ 109/175 về chỉ số phát triển con người (09/06/2004)
Ra văn bản sai có thể bị truy cứu trách nhiệm HS (08/06/2004)
Phải công khai quỹ nhà chung cư! (05/06/2004)
Luật bình đẳng nhưng chính sách lại bất bình đẳng? (03/06/2004)
Đảng viên có thể làm kinh tế, nhưng lãnh đạo không nên! (03/06/2004)
Khó xử khi ''anh em mình cùng một bộ''? (02/06/2004)
Sản xuất công nghiệp đang chững lại, giá cả tăng cao (02/06/2004)
"Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc" (01/06/2004)
30 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh! (01/06/2004)
Diện tích đất ở sẽ được tăng thêm hơn 40.000ha (31/05/2004)
Lạm dụng ''vị trí thống lĩnh'' mới là vi phạm! (30/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang