TP.HCM 2 năm với "cây gậy thần"
11:09' 14/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - NĐ 93 được ban hành vào cuối năm 2001 từng được ví như một "cây gậy thần" cho TP.HCM. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện, cùng với những kết quả đạt được, UBND TP.HCM đã đúc rút: “Nghị định 93 không phải là “cây gậy thần” có tác dụng vạn năng đối với sự phát triển của thành phố, mà là sự tháo gỡ những bất cập về phân cấp thẩm quyền trong quản lý đô thị, phân công hợp lý trong công tác hành chính”.

Nghị định 93 đã phân cấp cho TP.HCM 4 nội dung lớn:

Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế xã hộ

Quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị

Quản lý ngân sách nhà nước

Tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức.

Đối với các Bộ, cơ qua ngang Bộ: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của UBND thành phố, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có liên quan phải trả lời bằng văn bản về kiến nghị đó. Quá thời hạn nêu trên, nếu không có ý kiến trả lời, thì cói như đồng ý với kiến nghị của UBND thành phố và các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm về các nội dung thuộc thẩm quyền của mình. UBND thành phố được quyền quyết định và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Để thể chế hóa Nghị định 93, UBND thành phố đã ban hành:

13 Quyết định về quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế xã hội

14 Quyết định về quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị

7 Nghị quyết và Quyết định về quản lý ngân sách nhà nước

9 Quyết định về tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức.

Chủ động nguồn vốn

Cảng Sài Gòn.

Nhận định: “Nghị định 93 không phải là chính sách ưu đãi đặc biệt dành riêng cho TP.HCM, mà là sự phân cấp mạnh hơn về quản lý hành chính cho một đô thị lớn nhất nước, nhằm giải phóng nội lực, phát huy tính năng động sáng tạo của các cấp chính quyền thành phố", TP.HCM trong 2 năm qua đã làm chủ được nguồn vốn của mình.

UBND thành phố cho rằng: nếu không có NĐ 93, thành phố ít có điều kiện chủ động về thu chi ngân sách, đáp ứng nhu cầu phát triển. Cụ thể, trong  năm 2002 thành phố đã huy động nguồn vốn đạt 32.413 tỷ đồng (tăng 13,6% so với năm 2001); năm 2003 đạt 36.628 tỷ đồng (tăng 13% so với năm 2002).

NĐ 93 đã cho phép HĐND thành phố được chủ động phân bổ chi tiết các khoản chi, sắp sếp các nhiệm vụ chi, mức chi …phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội từ nguồn vốn huy động được. Có thể nói, trên cả hai khía cạnh nhu cầu vốn để phát triển và khả năng huy động vốn, TP.HCM đều có những ưu thế riêng. Do vậy, NĐ 93 ra đời, đã tạo một cơ chế thông thoáng để phát huy những ưu thế ấy.

Kết quả, thành phố đã hình thành được một số nguồn thu quan trọng như: Thứ nhất, tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất (năm 2003 thu được 1.147 tỷ đồng), dự kiến năm 2004 sẽ huy động 1.500 tỷ đồng từ nguồn thu này. Thứ hai, lần đầu tiên thành phố phát hành trái phiếu đô thị (thu được 2.000 tỷ), đã tạo được kênh huy động vốn quan trọng để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội. Thứ ba, thành phố đã áp dụng thành công mô hình nhượng quyền khai thác công trình giao thông và bán quyền thu phí giao thông hai tuyến đường Điện Biên Phủ, Hùng Vương để thu hồi vốn đầu tư (được 1.000 tỷ đồng).

Với cơ chế mở như vậy, vốn ngân sách của thành phố năm 2003 tăng nhanh, đạt 7.000 tỷ đồng. Điều này, đã giúp cho thành phố có khả năng tập trung bố trí vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm và bức bách. Bên cạnh đó, các chương trình xã hội hóa được đầy mạnh, vừa thu hút vốn đầu tư xã hội, giải quyết nhu cầu cơ bản của người dân mà Nhà nước không thể đáp ứng (y tế, giáo dục, giao thông, dịch vụ, đô thị …), vừa tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Tăng tốc cấp phép đầu tư và nhà ở

Hiện nay, Trung ương đã phân cấp thẩm quyền quyết định hầu hết các dự án cho thành phố. Thủ tướng chỉ còn quyết định những dự án nhóm A chưa có trong quy hoạch. Như vậy, tiến độ đầu tư các dự án hầu hết phụ thuộc vào việc giải quyết thủ tục tại cấp thành phố, không còn bị phụ thuộc vào thủ tục ở các cơ quan Trung ương như trước đây.

Ngay sau khi có NĐ 93, thành phố đã ban hành Quyết định số 155/2002 về quản lý các dự án đầu tư trong nước. Trong đó, phân cấp cho quận, huyện quyết định các dự án có mức vốn dưới 5 tỷ đồng và ủy quyền cho các Sở chuyên ngành quản lý. Qua đó, giảm đáng kể áp lực giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục đầu tư của UBND thành phố. Trong năm 2002, nếu không phân cấp thì thành phố phải giải quyết 2.050 hồ sơ, nhưng khi có sự phân cấp thành phố chỉ giải quyết 850, còn lại quận, huyện quyết định. Tương tự năm 2003, trong tổng số 1.856 dự án đầu tư, quận, huyện đã giải quyết 1.344, chỉ còn 512 dự án “lên” thành phố.

Về cấp giấy chủ quyền nhà ở, khi chưa có NĐ 93, thực hiện theo Quyết định 6280, trong 5 năm (8/1995-7/2000) UBND thành phố chỉ cấp được 41.675 trường hợp. Và cho đến khi Quyết định 38/2000 ra đời, được cho là “thoáng” hơn, trong thời gian 2,5 năm (7/2000-1/2003)  thành phố cũng chỉ cấp giấy chủ quyền nhà cho 82.723 trường hợp. Thế nhưng, từ khi có NĐ 93, thành phố ban hành Quyết định 04/2003, chỉ trong vòng hơn một năm (1/2003 đến 2/2004), đã có 153.328 trường hợp được cấp chủ quyền.

Quy hoạch vẫn còn khó khăn

Theo nhận định của UBND thành phố, NĐ 93 ít tác động đến công tác quy hoạch của thành phố. Bởi lẽ, trước đó thành phố đã phân cấp cho UBND các quận huyện, đề xuất nhiệm vụ, kế hoạch, điều tra, khảo sát, thiết kế để lập quy hoạch chi tiết và quản lý quy hoạch đã được duyệt. Tuy nhiên, cho đến nay, trên địa bàn thành phố công tác này vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2003 phải hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/2000 và công bố công khai diện tích 18.000ha, nhưng đến kỳ hạn mới thực hiện được khoảng 10.000ha. Ngay cả, quy hoạch quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm thành phố, cũng chưa thực hiện được. Do vậy, dẫn đến tình trạng thiếu căn cứ để cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép. Nhìn chung, cho đến nay UBND thành phố đánh giá: công tác quy hoạch chưa có có tác dụng đón đầu, hướng đô thị phát triển theo các mục tiêu đặt ra, mà chủ yếu chỉ nhằm đáp ứng các nhu cầu bức xúc trước mắt.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do: phương thức lập quy hoạch truyền thống không còn phù hợp, quy trình quy hoạch theo Quyết định 322/BXD-ĐT cách đây hơn 10 năm (1993) vẫn không thay đổi; quan niệm quy hoạch để đảm bảo giữ quỹ đất theo tỷ lệ cần được thay đổi vì quy hoạch phải gắn với kế hoạch để triển khai thực hiện; quy hoạch, xây dựng đô thị chưa thật sự gắn kết với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng; nhiều ngành chưa có quy hoạch cụ thể trên địa bàn, dẫn được chất lượng quy hoạch, không cao hiệu lực thấp. Đó chính là nguồn gốc của quy hoạch “treo” và xây dựng vi phạm quy hoạch.

  •  Đỗ Trần Toàn
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Trách nhiệm Bộ trưởng vô hạn nhưng quyền thì hữu hạn" (10/06/2004)
Ba lực cản tiến trình "tiến bộ" của phụ nữ... (10/06/2004)
VN đứng thứ 109/175 về chỉ số phát triển con người (09/06/2004)
Ra văn bản sai có thể bị truy cứu trách nhiệm HS (08/06/2004)
Phải công khai quỹ nhà chung cư! (05/06/2004)
Luật bình đẳng nhưng chính sách lại bất bình đẳng? (03/06/2004)
Đảng viên có thể làm kinh tế, nhưng lãnh đạo không nên! (03/06/2004)
Khó xử khi ''anh em mình cùng một bộ''? (02/06/2004)
Sản xuất công nghiệp đang chững lại, giá cả tăng cao (02/06/2004)
"Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc" (01/06/2004)
30 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh! (01/06/2004)
Diện tích đất ở sẽ được tăng thêm hơn 40.000ha (31/05/2004)
Lạm dụng ''vị trí thống lĩnh'' mới là vi phạm! (30/05/2004)
Khuyến khích tư nhân tham gia xuất bản (30/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang