"Trách nhiệm Bộ trưởng vô hạn nhưng quyền thì hữu hạn"
10:03' 10/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trước những chất vấn dồn dập của các đại biểu QH sáng 10/6, Bộ trưởng TN&MT đã trả lời như vậy. Ông cho rằng: "Nếu quyền vô hạn thì Bộ trưởng không phải trả lời đi trả lời lại...".

Bộ trưởng Mai Ái Trực đang đọc bản giải trình của Bộ TN-MT.

Đền bù giá đất chênh lệch: Do văn bản chưa phù hợp!

- ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh): Vấn đề đền bù đất nông nghiệp cho nông dân khi giải phóng mặt bằng hiện nay đang thực hiện theo giá cả đền bù mỗi tỉnh một khác. Có nơi đền bù mức 100.000đ/m2, có nơi 50.000đ/m2, có nơi chỉ 12.000đ/m2. Trong khi cũng mảnh đất ấy lại được các chủ dự án bán ra với giá cao gấp hàng trăm lần giá đền bù cho nông dân. Đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp mà Bộ trưởng sẽ tham mưu với Chính phủ chỉ đạo trong thời gian tới để khắc phục tình trạng bất hợp lý nêu trên?

"Cơn sốt đất đô thị trong một năm gần đây đã lắng xuống"

- Trước ý kiến này, Bộ trưởng Mai Ái Trực thừa nhận sự chênh lệch bất hợp lý mà đại biểu nêu ra. Nghị định số 87/1994 ban hành khung giá các loại đất, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung bằng hệ số k nhưng vẫn không phù hợp tới tình hình giá đất trên thị trường. Giá đất nông nghiệp giữa một số tỉnh có mức tương đương nhau nhưng vận dụng hệ số khác nhau dẫn đến chênh lệch...

"Thực tế hơn một năm qua, cơn sốt giá đất đã lắng xuống, giá đất đô thị nhìn chung không tăng, một số nơi có giảm".

Bộ trưởng Mai Ái Trực

Bộ trưởng Trực còn nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của Bộ Tài chính! Ông cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất cũng như Nghị định về thu tiền sử dụng đất theo hướng điều tiết phần chênh lệch khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Về phần trách nhiệm của mình, ông Trực hứa sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện của các địa phương để kịp thời phát hiện, điều chỉnh đối với những trường hợp quy định giá không đúng nguyên tắc. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất Chính phủ bãi bỏ việc đổi đất lấy công trình, giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với dự án các khu chung cư có mục đích kinh doanh.

Giá đất đô thị cao: Do quản lý yếu kém!

Bộ trưởng Mai Ái Trực.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thiện: Giá đất ở đô thị hiện rất cao, có người nói đó là giá thật của thị trường, có người lại nói đó là giá ảo do tình trạng đầu cơ đất đai và công tác quản lý yếu kém. Ý kiến Bộ trưởng thế nào về giá đất đô thị? Bộ TN&MT liệu có đẩy lùi được tình trạng đầu cơ đất đai và liệu có hạ giá đất chuyển nhượng ở các đô thị xuống được không?

Theo Bộ trưởng Mai Ái Trực: ''Giá đất đô thị hiện nay vừa có giá thật, vừa có giá ảo". Bộ trưởng Trực một lần nữa thừa nhận: "Giá thật có liên quan đến quản lý yếu kém, trong đó đặc biệt chưa coi trọng quản lý đất đai theo quy luật cung - cầu và buông lỏng việc quản lý thị trường bất động sản để cho nạn đầu cơ về đất đai khá phổ biến và nghiêm trọng".

Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế: "Có thể nói là giá thật phản ánh cái thật của sự yếu kém trong công tác quản lý đất đai nói riêng và quản lý thị trường bất động sản nói chung, cho nên tuy là giá thật nhưng là giá không thể chấp nhận được trong điều kiện thu nhập của người dân hiện nay cũng như thực tế sinh lời từ sử dụng đất. Giá ảo thường xuất hiện ở vùng ven các đô thị lớn đang có quy hoạch. Ở những nơi này, bọn đầu cơ hoạt động nhộn nhịp và liên tục đưa ra những mức giá ngày càng cao"...

Để khắc phục giá đất ở đô thị quá cao, Bộ trưởng Mai Ái Trực khẳng định: ngoài những quy định về giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng..., Bộ TN&MT đã giải quyết bằng cách đề xuất những giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai; soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; phối hợp với Bộ xây dựng chỉ đạo, giải quyết đất đai cho các dự án xây dựng nhà ở, nhất là nhà chung cư.

Cho rằng việc "nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đất đai", cộng với những quy định mới về đất đai sắp ban hành sẽ "giải quyết tốt hơn quan hệ cung cầu", Bộ trưởng TN&MT hứa hẹn: "giá đất ở đô thị sẽ dần dần trở nên hợp lý hơn".

Trước đó, Bộ trưởng TN&MT đã đề cập đến kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể đã cấp 11.685.000 giấy với tổng diện tích 9.328.000ha đất nông nghiệp, đạt 92,7% số hộ gia đình; cấp 628.900 giấy với tổng diện tích 3.546.500ha đất lâm nghiệp, đạt 35%; 6.690.000 giấy với diện tích 183.000ha đất thuộc khu dân cư nông thôn, đạt 55%.

Bộ này cũng đã cấp 2 loại giấy là "sổ đỏ" (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và "giấy hồng" (chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị) với tổng số 1.360.147 giấy, tương đương tổng diện tích 24.376ha đất ở thuộc khu vực đô thị cho 1.347.885 hộ, đạt 33,4%.

Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất bị chậm trễ tập trung chủ yếu đối với 2 loại đất: đất ở và của hộ gia đình, cá nhân và đất lâm nghiệp của tổ chức. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có tình trạng chính sách, pháp luật còn thiếu cụ thể và ít mang tính khả thi, về thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, tuỳ tiện...

Sự bất cập trong tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý đất đai, tình trạng thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực của bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý đất đai và cán bộ có liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, sự chỉ đạo tổ chức chưa chặt chẽ của các cấp chính quyền cũng được Bộ trưởng Trực coi là nguyên nhân làm chậm và gây ra tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

"Bộ trưởng có đủ lực lượng và khả năng để tuyên chiến"

Đó là sự tin tưởng mà ĐB Đỗ Trọng Ngoạn bày tỏ đối với Bộ trưởng TN&MT trong việc xử lý những đối tượng làm giàu bất chính từ việc đầu cơ nhà đất để nâng giá.

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) xin trao đổi với Bộ trưởng hai việc: Thứ nhất, tôi được biết một năm nông dân cả nước mất 1,5-2 triệu việc làm do mất đất sản xuất. Vậy Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có chính sách gì hạn chế lấy đất sản xuất lúa nước sang dùng vào việc khác?  Không ít người làm giàu bất chính nhờ đất đai, bằng hàng trăm thủ đoạn chiếm đất, phân cho nhau sai thẩm quyền sai đối tượng. Liệu khi triển khai Luật Đất đai năm 2003 Bộ trưởng có giải pháp nào thu hồi đất được giao không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng? Tôi nghĩ Bộ TN&MT có đầy đủ khả năng và trách nhiệm để tuyên chiến với tệ nạn này!

Bộ trưởng Mai Ái Trực đã giải trình: Chuyển đổi bao nhiêu đất là đã có quy hoạch, còn sự tuỳ tiện diễn ra ở địa phương là sai phạm. Chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích khác nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Như tỉnh Hưng Yên lấy đất nông nghiệp vẫn giải quyết được việc làm cho nông dân. Nhiều nơi người nông dân cũng chưa ý thức tìm việc làm mới, lấy tiến đền bù mua xe máy, làm nhà... Về câu hỏi hạn mức đất nông nghiệp, ông Mai Ái Trực trả lời vấn đề này Bộ đang soạn thảo để trình UBTVQH quyết định. Tích tự đất đai là cần thiết nhưng người làm nông nghiệp còn nhiều nên phải xem xét mức tích tự hợp lý.

Trước những câu hỏi dồn dập của các đại biểu, Bộ trưởng Mai Ái Trực lớn tiếng bày tỏ sự kiên quyết ''không chấp nhận tiêu cực đất đai''. Tuy nhiên, theo ông, cái khó là: ''Bộ trưởng trước Quốc hội, trước nhân dân trách nhiệm vô hạn nhưng quyền thì hữu hạn. Nếu quyền vô hạn thì Bộ trưởng không phải trả lời đi trả lời lại!''.

Với phản ánh của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Nông) về việc thực hiện Chương trình 327 còn nhiều bấp cập, giao đất không đúng đối tượng, Bộ trưởng thừa nhận trong công việc này Bộ "có việc làm tốt, có việc chưa tốt". Bộ trưởng cho biết: ''Đợt này đang sắp xếp lại nông lâm trường, mới biết đất sử dụng như thế nào. Đồng thời, cũng sẽ kiểm tra thực hiện chương trình này ở Tây Nguyên''.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ (ĐB Quảng Trị) vặn lại: ''Trong báo cáo, Bộ trưởng nói huyện, xã quản lý đất đai yếu nhưng tôi nghĩ tất cả các cấp đều yếu".

Bộ trưởng Trực ngay sau đó đã "phản hồi": "Tôi đồng ý là trên dưới đều có yếu kém nhưng tôi nói lúc này là riêng về lĩnh vực cấp quyền sử dụng đất''.

Tiếp đến, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Bắc Ninh) đặt câu hỏi: "Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp gì để cải thiện ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp?". Bộ trưởng trả lời: ''Các khu công nghiệp khi nhà máy đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý chất thải, có đánh giá tác động môi trường nhưng các DN thực hiện không đúng. Do đó phải theo sát kiểm tra DN''.

Bộ trưởng tỏ ý khó xử khi các khu công nghiệp đã tạo việc làm cho dân, đã có sản xuất nên ''không thể đình chỉ vì vấn đề môi trường''. Cơ chế xử lý những khu công nghiệp đang chờ cơ chế khi Luật Bảo về môi trường được ban hành.

Muốn Bộ trưởng làm rõ hơn trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với tiến độ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa (ĐB Nghệ An) chất vấn: "Việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất chậm có nguyên nhân từ cán bộ địa chính? Mục tiêu Chính phủ để ra đến năm 2005 cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liệu có thực hiện được không?".

Trả lời bà Hoa, Bộ trưởng Mai Ái Trực đưa ra lý do: ''Nghị định 12 quy định số lượng phòng thuộc các uỷ ban thì một số huyện không còn phòng địa chính nữa. Mà Luật Đất đai 2003 phân cấp cho cấp huyện giao, thu hồi đất cho hộ gia đình cá nhân. Quy định của Nghị định rõ ràng bất cập. Bộ thì rất lo...".

Ông Mai Ái Trực không trả lời trực tiếp về việc năm 2005 có hoàn thành hay không mà nói rằng: "Hà Nội và TP.HCM là địa bàn khó nhưng sẽ cố gắng. Tới đây sẽ có Văn phòng đăng ký nhà đất thúc đẩy việc cấp quyền sử dụng đất. Vướng chưa giải quyết được thì sẽ tiếp tục gỡ".

Bà Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) thắc mắc về vòng luẩn quẩn theo kiểu ''con gà hay quả trứng có trước'' trong vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu. ''Cấp giấy chứng nhận vướng về hộ tịch, hộ khẩu đang rơi nhiều vào vùng sâu, vùng xa. Bên cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đòi hộ khẩu, bên cấp hộ khẩu đòi giấy sử dụng đất. Vậy đòi hỏi của ai có lý. Nếu ai cũng có lý thì dân thiệt. Bộ trưởng nói tháo gỡ, vậy gỡ bằng cách nào, gỡ được hay không đại biểu để về báo cáo lại với cử tri'', bà Xinh cao giọng.

''Tôi bảo đảm Bộ không có văn bản nào quy định việc này cả, cũng không đề xuất Chính phủ làm như vậy mà do địa phương. Địa phương có biện pháp đó, nhất là địa phương đất chật người đông'', Bộ trưởng Mai Ái Trực trả lời một cách tự tin.

Trong thời gian gần 1 tiếng, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã trả lời trực tiếp thêm 10 câu hỏi của đại biểu. Vì thời gian có hạn, 7 vị đại biểu có câu hỏi thì gửi Bộ trưởng sẽ được trả lời bằng văn bản sau.

  • Nhóm PV thời sự

Với tư cách là một cử tri, mời quý vị hãy gửi đánh giá của mình về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực về địa chỉ: hotnews@vasc.com.vn. Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến của quý vị để đăng tải lên VietNamNet.

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ba lực cản tiến trình "tiến bộ" của phụ nữ... (10/06/2004)
VN đứng thứ 109/175 về chỉ số phát triển con người (09/06/2004)
Ra văn bản sai có thể bị truy cứu trách nhiệm HS (08/06/2004)
Phải công khai quỹ nhà chung cư! (05/06/2004)
Luật bình đẳng nhưng chính sách lại bất bình đẳng? (03/06/2004)
Đảng viên có thể làm kinh tế, nhưng lãnh đạo không nên! (03/06/2004)
Khó xử khi ''anh em mình cùng một bộ''? (02/06/2004)
Sản xuất công nghiệp đang chững lại, giá cả tăng cao (02/06/2004)
"Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc" (01/06/2004)
30 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh! (01/06/2004)
Diện tích đất ở sẽ được tăng thêm hơn 40.000ha (31/05/2004)
Lạm dụng ''vị trí thống lĩnh'' mới là vi phạm! (30/05/2004)
Khuyến khích tư nhân tham gia xuất bản (30/05/2004)
Giảm độc quyền nhưng phải có tập đoàn kinh tế mạnh! (29/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang