(VietNamNet) - Loại bỏ hoàn toàn bất bình đẳng giới; chống nguy cơ tái mù chữ; tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia chính quyền các cấp... để phụ nữ ngày càng tiến dần đến mục tiêu bình đằng, tiến bộ là mong muốn chung của đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch hành động (KHHĐ) vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2005, do Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ tổ chức sáng nay, 9/6, tại Hà Nội.
Vẫn còn tư tưởng "khinh" nữ "trọng" nam!
|
Nhiều phụ nữ không có điều kiện có việc làm ổn định. |
Báo cáo về những phát hiện từ đánh giá nghèo đói có sự tham gia của người dân (PPA) năm 2003 được tiến hành đồng bộ từ 12 tỉnh thuộc 8 vùng trong cả nước, đại diện của Ngân hàng Thế giới, TS Phạm Ngọc Hoa cho biết: vẫn còn sự bất bình đẳng về lao động giữa nữ giới và nam giới. Có thể thấy rõ thực trạng này qua mức tiền công các chủ lao động trả cho các nữ công nhân ít hơn 1/3 so với nam giới, tuy cùng một công việc như nhau. Ngoài sự thiệt thòi trên, nữ công nhân ở thành phố còn phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao khi tìm việc do thiếu các dịch vụ giới thiệu việc làm có chất lượng và đáng tin cậy; điều kiện sống thiếu thốn, thời gian làm việc quá tải, không có cơ hội giao tiếp, không được ký hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, không được pháp luật bảo vệ hoặc bảo vệ không đầy đủ, đặc biệt là đối với lao động nữ di cư.
Ngoài ra, so với nam giới, phụ nữ ở nông thôn cũng ít có điều kiện tham gia tập huấn, dự họp và nắm bắt thông tin nói chung, khuyến nông nói riêng do tập quán và gánh nặng công việc. Phụ nữ cũng rất khó khăn khi tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng chính sách, ngân hàng xã hội do những trở ngại về thời gian, sự ít hiểu biết về thủ tục hành chính và thiếu kinh nghiệm giao tiếp với cơ quan Nhà nước.
Theo kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002 thì có 25% nữ chủ hộ nghèo được vay vốn, chủ yếu vay từ các Quỹ tín dụng và nguồn vốn của các tổ chức xã hội, trong khi tỷ lệ này ở nam là 35,4%. Trong khi đó, báo cáo của đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư dựa trên số liệu thống kê của 43 tỉnh, thành trong cả nước cho thấy, trong năm 2002, cả nước có 2,61 triệu phụ nữ được tiếp cận vay vốn.
Cùng với thiệt thòi về thu nhập lao động, tiếp cận vốn vay, phụ nữ cũng ít được kiểm soát đất đai vốn là tài sản chung của hai vợ chồng. Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê năm 2002 cho thấy, phụ nữ đứng tên chiếm tỷ lệ thấp trong số các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Đặc biệt, với nhóm phụ nữ nghèo, tỷ lệ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ khoảng 5 - 7% so với tổng số các giấy chứng nhận đã cấp đối với loại đất. Điều này gây bất lợi cho phụ nữ trong việc thế chấp vay vốn làm ăn hay bị thiệt hại quyền lợi trong trường hợp ly hôn, chia tài sản.
Nguy cơ mù chữ và "tái mù" còn cao
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Phan Quang Trung, gần 3 năm qua, tỷ lệ lao động nữ được đào tạo tăng 30%, vượt chỉ tiêu KHHĐ; đến hết năm 2003, có 19 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục THCS; bình đẳng giới hầu như đã đạt được trong giáo dục phổ thông... Trong khi đó, số liệu thống kê mà Ngân hàng Thế giới đưa ra lại cho thấy một thực trạng đáng lo ngại có thể cản trở việc thực hiện các quyền bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, điển hình là tỷ lệ mù chữ và tái mù với nữ giới trong độ tuổi 15 - 40 còn cao; công tác xoá mù còn gặp nhiều khó khăn, và đặc biệt, vẫn còn tới 20% cán bộ Hội LHPN chưa xoá hết mù chữ.
Theo đó, một bộ phận đáng kể người lớn 35 tuổi trở lên, đặc biệt là phụ nữ, mù chữ còn khá cao, có vùng như Bến Tre, Đồng Tháp, tỷ lệ phụ nữ mù chữ chiếm tới 24%; Ở Hà Giang, Quảng Trị, tỷ lệ này thậm chí lên tới hơn 50%. Trong số đó, phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm có tỷ lệ mù chữ cao hơn so với tỷ lệ trung bình của địa phương, chẳng hạn, ở Bến Tre và Đồng Tháp, một số phụ nữ sau lớp xoá mù chỉ biết đọc nhưng không biết viết; chỉ viết được tên mình để ký khi cần thiết hoặc đánh vần được nhưng không hiểu nghĩa; nguy cơ tái mù phổ biến do người dân vùng cao ít sử dụng tiếng phổ thông trong cuộc sống hàng ngày cộng với việc sách báo hiếm, không có gì để đọc hoặc có đọc nhưng không hiểu.
Nguyên nhân quan trọng khác cản trở tiến trình thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục là việc xoá mù chữ cho phụ nữ đang gặp nhiều khó khăn do các điểm không còn lớp xoá mù sau khi được công nhận là đã "hết mù". Thêm vào đó, công tác xoá mù cũng chưa thực sự chú ý đến đối tượng nữ, chưa tạo điều kiện để phụ nữ được đến lớp. Ở Hà Giang, thường phụ nữ chỉ được đi xoá mù khi người chồng đã ... "xoá" xong.
Đặc biệt, theo TS Phạm Ngọc Hoa, đến nay vẫn còn tới 20% cán bộ Hội LHPN chưa hêt mù chữ mà một trong những lý do chủ yếu là "học ở tại nông thôn thì không mấy kết quả mà ra huyện học thì các đức ông chồng không cho đi".
Thực trạng trên góp phần lý giải vì sao vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn giữa nam và nữ về trình độ học vấn.
Tỷ lệ nữ đại biểu QH khoá XI chưa đạt "chỉ tiêu"
Tuy chưa có số liệu chung song qua báo cáo của 43 tỉnh, thành, trong gần 3 năm qua, có khoảng 35% đơn vị thực hiện tốt chỉ tiêu về phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng (trong đó dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh); 42,2% đơn vị thực hiện đạt dưới 75% chỉ tiêu đặt ra như Gia Lai, TP. Đà Nẵng...
Cũng theo thống kê, tỷ lệ nữ đại biểu QH khoá XI là 27,3%, mặc dù có tăng so với khoá X nhưng vẫn chưa đạt kết hoạch đề ra. Số liệu tổng hợp sơ bộ của Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 cho thấy: ở cấp tỉnh, thành phố là 23,8% (trong khi KHHĐ đề ra 28%); cấp quận, huyện là 23,22% (KHHĐ đề ra 23%) và cấp xã, phường là 20,3% (KHHĐ đề ra 18%).
Con số trên cho thấy, kết quả bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh trong phạm vi cả nước ở giới nữ không đạt chỉ tiêu KHHĐ đề ra, trong khi ở cấp quận, huyện và phường, xã lại vượt chỉ tiêu. Trong đó, tỉnh đạt tỷ lệ cao nhất cả ba cấp là Tuyên Quang với 38,59% cấp tỉnh, 34,62% cấp huyện và 26,82% cấp phường, xã; còn tỉnh đạt tỷ lệ thấp nhất cả ba cấp là Vĩnh Long với 12% cấp tỉnh, 14,9% cấp huyện và 14,5% cấp xã, phường.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên bất ngờ là ba thành phố lớn gồm Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng đều không đạt chỉ tiêu đại biểu trúng cử HĐND cấp tỉnh. Cụ thể, TP.HCM chỉ đạt 21,1%; Đà Nẵng 22,0% và Hải Phòng chỉ có 10,77%. Tổng cộng toàn quốc có 1 nữ Chủ tịch (CT) HĐND, 17 PCT HĐND, 3 CT UBND và 32 PCT UBND.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Phan Quang Trung cho rằng: nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng trên là do công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ thời gian qua làm chưa tốt, chưa đi vào nền nếp; nhiều đơn vị không có nguồn cán bộ kế cận thay thế, cộng thêm nhận thức của cấp ủy, chính quyền một số đơn vị (cả Trung ương và địa phương) chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ công chức nữ chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức nên đã hạn chế việc đưa cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo của các cấp, ngành.
Thực trạng này còn thể hiện rõ qua khảo sát của Ngân hàng thế giới về việc phụ nữ tham gia vào công việc địa phương nhiều hay ít tại một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Lào Cai, Quảng Trị.. Kết quả cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo ở cơ sở rất thấp. Tại các điểm khảo sát (Hà Giang), không có xã nào có cán bộ nữ tham gia lãnh đạo cấp xã, thôn; ở Lào Cai, Quảng Trị, phụ nữ nghèo và phụ nữ vùng cao ít đi họp hoặc nếu có đi thì chỉ ngồi nghe, ít tham gia ý kiến vào các công việc của địa phương trong khi đó, họp thôn gần như là cơ hội duy nhất để phụ nữ tiếp cận thông tin và bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình.
|