(VietNamNet) - Đây là kết quả của những nỗ lực về xoá đói giảm nghèo, tăng tuổi thọ, nâng cao dân trí... của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua, vừa được công bố tại Hội thảo khoa học "Kết quả bước đầu về nghiên cứu và đo đạc chỉ số HDI" (chỉ số phát triển con người) do Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức ngày 8/6.
40 tỉnh, thành trong nước đã tiến hành đo đạc chỉ số này.
Nâng 12 bậc về thứ hạng...
|
Còn nhiều trẻ em nông thôn chưa được đi học. |
GS.Viện sỹ Phạm Minh Hạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người cho biết: Trong vòng 14 năm qua (1988 - 2001), chỉ số HDI của Việt Nam đã gia tăng từ 0,608 lên 0,688, tức là gia tăng được 80 phần nghìn về mặt giá trị; tính từ năm 1997 - 2003, đã nâng được 12 bậc về thứ hạng (năm 1997 Việt Nam xếp thứ 121/175 nước, đến năm 2003 cũng tính trong số 175 nước, Việt Nam ở vào thứ hạng 109).
Đáng nói là mặc dù chỉ số kinh tế của nước ta còn ở mức trung bình (0,51%) song chỉ số phát triển giáo dục tính theo số người lao động biết chữ và số đi học trong độ tuổi 6 - 24 ở nước ta đạt giá trị cao (0,83%). Nếu như trước cách mạng tháng 8/1945, chỉ có 5% dân biết chữ thì nay, con số này đã lên tới gần 95%. Điều này đã làm cho giá trị và thứ hạng HDI của nước ta được cải thiện một cách đáng kể trong động thái và bối cảnh chung của đời sống kinh tế văn hoá toàn cầu.
Ngoài thành tựu đáng kể về chỉ số phát triển giáo dục, Việt Nam cũng có thành tựu gây ấn tượng về giảm nghèo khổ. Thống kê cho thấy, trong số 94 nước đang phát triển, Việt Nam xếp thứ 39 về chỉ số HPI, chỉ số biểu thị khả năng chống nghèo. Theo đó, chỉ số phát triển giới (GDI) đạt giá trị 0,687, xếp thứ 89/144 nước. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là nước có chỉ số GDI tốt nhất trong khu vực...
Với tiền đề khả quan đó, GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng, chúng ta có đủ niềm tin để dự đoán: năm 2010 HDI Việt Nam sẽ vượt được giá trị 0,7. Lúc đó, HDI của nước ta sẽ đứng vào loại trung bình tiên tiến của thế giới.
Đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đã đạt được về chỉ số phát triển con người thời gian qua cùng với những kết quả đo đạc chỉ số HDI bước đầu của 40 tỉnh, thành trong cả nước, điển hình là TP.HCM, Hà Giang, Hà Tĩnh, Tiền Giang..., từ năm 2001 - 2003, song GS.VS Phạm Minh Hạc cũng lưu ý: "Những chỉ số đo đạc được mới chỉ là bề nổi của công việc. Phải tiếp tục hoàn thiện, tư duy nhiều về các chỉ số này và điều quan trọng hơn cả là phải lập ra được các chiến lược, các kế hoạch biến các chỉ số đo đạc được thành các chỉ số thực hiện theo hướng cải thiện được chúng phù hợp động thái phát triển của khu vực, của thời đại".
... Vẫn còn bất bình đẳng giữa thành thị, nông thôn
Trong số các báo cáo về chỉ số HDI được trình bày tại Hội thảo, đáng chú ý hơn cả là công trình nghiên cứu đo đạc HDI năm 2002 của TP. Hồ Chí Minh do TS Hồ Thiệu Hùng làm chủ nhiệm đề tài. Theo cách tính của UNDP dựa trên 3 yếu tố cơ bản là kinh tế, giáo dục và tuổi thọ, chỉ số HDI của TP. Hồ Chí Minh năm 2002 là 0,78, trong đó chỉ số giáo dục cao nhất (0,84), sau đó mới đến chỉ số tuổi thọ (0,83) và cuối cùng là chỉ số thu nhập (0,68). Ở Hà Tĩnh, chỉ số HDI năm 2002 là 0,750; Lạng Sơn là 0,664; Hà Giang là 0,589...
Phân tích kỹ yếu tố giáo dục trong đánh giá chỉ tiêu HDI tại TP.HCM, ông Hùng tỏ ra phấn khởi vì sự bất bình đẳng trong giáo dục giữa thành thị và nông thôn đang được rút ngắn thông qua tỷ lệ biết đọc viết ở ngoại thành TP.HCM vẫn thấp hơn ở nội thành, nhưng có xu hướng tăng nhanh hơn nội thành. Cụ thể, so với năm 1999, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết ở nông thôn năm 2002 tiến bộ hơn 2,84 điểm phần trăm, trong khi ở thành thị, tỷ lệ này chỉ đạt mức 2,02 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chương trình phổ cập giáo dục tiểu học cũng đã thu lại thành công chắc chắn nhờ tỷ lệ huy động học tiểu học đúng tuổi cao (ngoại trừ Cần Giờ).
Tuy nhiên, ông Hùng lại đưa ra cảnh báo về "kết quả phổ cập THCS còn khá mong manh" của TP.HCM mà nguyên do là "tỷ lệ huy động đúng tuổi vào THCS chưa cao, số đông quận huyện chưa vượt qua được ngưỡng 80%"; đặc biệt, khoảng cách chênh lệch giữa tỷ lệ sinh viên nông thôn và sinh viên thành thị hiện ở mức khá cao.
Cụ thể, tỷ lệ sinh viên có mặt tại TP (cả tạm trú lẫn thường trú) trong dân cư 18 - 24 tuổi là 15,45% và có sự chênh lệch khá lớn giữa nam và nữ (100 sinh viên nam chỉ có 67,9 sinh viên nữ), giữa thành thị với nông thôn (100 sinh viên thành thị chỉ có 20,4 sinh viên ở tại nông thôn). Tính ra, trong 1 vạn thanh niên thành thị có 779 sinh viên, trong khi 1 vạn thanh niên nông thôn chỉ có 302 sinh viên. Tương tự, các quận 1,3,10 xếp hàng đầu trong các quận huyện có tỷ lệ sinh viên cao nhất, trong khi các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh (là những vùng nông thôn, ngoại thành) xếp cuối...
Mở rộng phạm vi nghiên cứu chỉ số HDI về tỷ lệ người thất nghiệp của thành phố, ông Hùng cũng tỏ ra lo lắng trước hiện tượng nông dân thất nghiệp sẽ nảy sinh tệ nạn xã hội do mất đất sản xuất, đất canh tác cho các KCN, KCX và cho rằng: "Nếu không sớm giải quyết việc làm hoặc đào tạo nghề mới cho nông dân mất đất, coi như chúng ta đang gài một kíp bom nổ chậm cho mình".
Phải đưa kết quả đo đạc vào cuộc sống
Nhiều đại biểu nhất trí với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đo đạc chỉ số HDI đối với việc xác định vị trí, thế đứng của địa phương mình trong cả nước cũng như giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách phát triển phù hợp, chuẩn xác. Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa khi kết quả và con số thống kê, đo đạc được tiến hành và báo cáo một cách trung thực, khách quan.
Nhấn mạnh đến tính trung thực và mục tiêu nghiên cứu, đo đạc chỉ số HDI của các địa phương trong cả nước, TS Trần Đình Thiện, Viện Kinh tế học cho rằng: Nghiên cứu chỉ số HDI phải vận dụng vào cuộc sống, vào tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Khi tiến hành đo đạc chỉ số HDI, các tỉnh cần phải xác định rõ mục tiêu xây dựng chỉ số cũng như đưa ra kết quả báo cáo trung thực để tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ ở từng địa phương, đặc biệt là tạo cơ sở vững chắc cho việc đánh giá tổng kết 20 năm phát triển kinh tế, xã hội... của Việt Nam tại Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới.
Cũng theo TS. Thiện, làm tốt việc đo đạc chỉ số HDI sẽ là cơ hội để chúng ta có một văn kiện về con người, về phát triển giáo dục - là những yếu tố vô cùng quan trọng cho việc tiến tới nền kinh tế tri thức.
Tuy nhiên, ông lại tỏ ra hoài nghi về tính chính xác, độ trung thực trong báo cáo thống kê về chỉ số GDP tại các địa phương, vì : "Chỉ số GDP cấp tỉnh theo báo cáo thống kê thường cao gấp 1,5 lần so với toàn quốc. Vậy tại sao toàn quốc chỉ hơn 7% trong khi các địa phương lại vọt lên tới 9 - 10%? Nếu là TP.HCM hay các thành phố lớn trực thuộc Trung ương - là những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, tỷ lệ đó còn khiến người ta tin, đằng này lại là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa... thì phải xem xét lại".
Ông còn đề nghị: công tác đo đạc, thống kê cần phải được tiến hành nghiêm chỉnh, trung thực, khách quan, tránh bệnh thành tích và nên đo trong động thái phát triển thay vì động thái tĩnh, vì điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến những quyết định chiến lược của từng địa phương cũng như cả nước.
|