Sản xuất công nghiệp đang chững lại, giá cả tăng cao
20:45' 02/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đến tháng 5, sản xuất công nghiệp chững lại với mức tăng giá trị sản xuất chỉ đạt 14,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất so với nhịp độ tăng trưởng của các tháng đầu năm nay. Đây là một trong những vấn đề được nêu ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, khai mạc sáng 2/6.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 của khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ tăng 9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,1%, trong khi khu vực ngoài quốc doanh tăng khá hơn, 23,5%.

Sản xuất công nghiệp đang chững lại.

Bên cạnh các sản phẩm vẫn giữ được mức tăng cao so với tháng 5/2003 như than sạch khai thác, quần áo dệt kim, quần áo may sẵn, phân hoá học, máy công cụ, giấy bìa, tivi, gạch... thì nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu của nền kinh tế tăng chậm, mức sản xuất đạt thấp như dầu thô chỉ tăng 0,7%, thép cán tăng 4%, xi măng tăng 5,9%, riêng sản xuất đường mật giảm tới 58,8%. Điều đáng lưu ý là mặc dù giá sắt thép đã liên tục giảm nhưng việc tiêu thụ thép nguội lạnh, nhiều nhà máy sản xuất, cán thép  lớn phải ngưng hoạt động hoặc giảm quy mô sản xuất.

Tính chung 5 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính đạt gần 145 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2003, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 12,4%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 21,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14%. Một số địa phương có quy mô lớn về sản xuất công nghiệp đã đạt được tốc độ tăng cao như Bình Dương, Đồng Nai tăng 18,5%, Vĩnh Phúc, Hải Phòng 16%, Đà Nẵng tăng18%, Khánh Hoà tăng 22%. Riêng Hà Nội tăng 14,2%, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tăng 0,5%, thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 14,6% (thấp so với mức chung cả nước nhưng cao hơn các tháng trước trong năm).

Trái với nhiều dự đoán, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 đã đột nhiên tăng cao với mức tăng 0,9% so với tháng trước, chủ yếu là do tăng giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm, trong đó lương thực tăng 2,3%, thực phẩm tăng 1,8%. So với tháng 12/2003, giá tiêu dùng tháng 5 tăng 6,3%, vượt mức Quốc hội đề ra cho cả năm 2004 là không quá 5%. Giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,5%; nhóm dược phẩm, y tế tăng 6,7%.

Bên cạnh những "mảng màu" không mấy sáng sủa, bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm cũng có những "điểm sáng" rõ: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước chứng tỏ mức tiêu dùng dân cư tăng khá; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 17,4%, bình quân mỗi tháng đạt 1,9 tỷ USD; du lịch tăng đáng kể với lượng khách quốc tế đến nước ta ước đạt 1,2 lượt triệu người, tăng 19,4%; vận chuyển bằng hàng không tăng 21,7% về lượt khách; số hộ và số nhân khẩu thiếu đói giảm 20%.

Chủ trì phiên họp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: "Tình hình chung là tốt, các chỉ tiêu kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, dù tốc độ công nghiệp giảm so với mấy tháng trước nhưng vẫn nằm trong chỉ số phát triển. Ví dụ: xuất khẩu đạt 17,2% (trong khi kế hoạch là 12%). Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề gặp khó khăn cần các biện pháp nhằm tăng trưởng GDP cao hơn".

Phó Thủ tướng yêu cầu thêm: Công nghiệp tăng chậm, cần tập trung phát triển các ngành có lợi thế; ngành nông nghiệp cũng cần tập trung khắc phục nhanh đàn gia cầm không để dịch bệnh tái phát; đầu tư ngân sách tuy cao nhưng vẫn cần đẩy tăng lên, giải ngân ngay các nguồn vốn ngân sách như trái phiếu chính phủ, công trái kiên cố hoá trường học; về an toàn giao thông, tuy số tai nạn giảm nhưng số người chết vẫn tăng, cần tiếp tục cử các đoàn thanh tra góp phần chấn chỉnh ý thức chấp hành giao thông, giảm tai nạn và số người tử vong do tai nạn giao thông gây ra.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ ngành có trách nhiệm mở rộng tìm kiếm thị trường trong xuất khẩu, hỗ trợ vốn doanh nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu, đổi mới công nghệ; chú ý đến giá trị gia tăng trong xuất khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Cũng trong phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về Luật đường sắt Việt Nam, Bộ Luật hàng hải (sửa đổi) để báo cáo xin ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.

  • Kiều Minh

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc" (01/06/2004)
30 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh! (01/06/2004)
Diện tích đất ở sẽ được tăng thêm hơn 40.000ha (31/05/2004)
Lạm dụng ''vị trí thống lĩnh'' mới là vi phạm! (30/05/2004)
Khuyến khích tư nhân tham gia xuất bản (30/05/2004)
Giảm độc quyền nhưng phải có tập đoàn kinh tế mạnh! (29/05/2004)
Tòa sẽ không còn "muốn xử thế nào cũng được"! (28/05/2004)
QH thông qua Luật Phá sản DN, Luật Thanh tra (26/05/2004)
Cán bộ dùng ôtô vượt tiêu chuẩn thì tự bỏ tiền đền! (26/05/2004)
Thêm nhiều DN bị coi là lâm vào tình trạng phá sản? (19/05/2004)
"Luật phá sản ưu tiên cho chủ nợ và người lao động" (18/05/2004)
"Nhà nước không thể bù lỗ xăng dầu mãi được!" (17/05/2004)
Cổ phần hoá chậm, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm! (15/05/2004)
QH phân vân trước khi bấm nút thông qua quyết toán NS (14/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang