"Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc"
13:55' 01/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hai lần là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính trong những giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Ba Lan. Một trong những tác giả của chiến lược kinh tế mang lại thành công lớn, ông Grzegorz Kolodko đã chia sẻ với VietNamNet những kinh nghiệm chuyển đổi kinh tế của đất nước ông.

Tư nhân hoá: phải bán được công ty với giá cao nhất

- Ông nhận xét gì về những cải cách kinh tế gần đây của Việt Nam? 

- Tôi rất thú vị với kinh nghiệm của Việt Nam. Quá trình chuyển đổi của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công và năng lực hội nhập như hiện nay cho phép duy trì mức tăng trưởng 6,7% trong nhiều năm nữa. Vì thế, nếu Việt Nam có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để tiếp tục tự do hoá nhanh hơn, hội nhập kinh tế thế giới một cách đầy đủ (trước mắt là gia nhập WTO), tôi có thể chắc chắn là 25 năm sau, Việt Nam sẽ được coi là một trong những câu chuyện thành công nhất. Tôi đã từng đến Việt nam từ năm 1992 và 1995 (với cương vị Phó Thủ tướng, ông Kokodko đến Việt Nam ký hiệp định chuyển đổi nợ thành đầu tư vào cải cách hành chính, xây dựng thể chế). Và năm 2004, tôi lại có mặt ở đây. Có thể bạn khó nhận ra sự thay đổi chỉ trong một vài năm nhưng thực sự Việt Nam đã thay đổi đầy “ấn tượng” trong gần 20 năm cải cách kinh tế. Theo tôi, việc đẩy mạnh cải tổ kinh tế kết hợp với dân chủ hoá từ từ sẽ đem lại sức sống mới cho nền kinh tế Việt Nam.

- Có người cho rằng, những năm dài thực hiện mô hình kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp đã hình thành tâm lý bình quân chủ nghĩa, kỳ thị với người giàu. Theo ông, chúng ta nên giải quyết trở ngại tâm lý này như thế nào?

- Tôi nghĩ đó là câu hỏi đặt ra với hầu hết các nền kinh tế chuyển đổi chứ không riêng gì Việt Nam. Nếu người giàu trở nên giàu hơn trên sự thiệt thòi của những người nghèo, cần phải có sự đối thoại trong công luận và điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, điều này không đúng. Thực tế là mặc dù có khoảng cách về thu nhập giữa người giàu và người nghèo song thu nhập của tất cả mọi người đều tăng lên. Nếu những người giàu lên một cách chính đáng nhờ khả năng quản lý, giáo dục cao... thì không có vấn đề gì. Chính người nghèo lại được hưởng lợi từ đó. Nhưng nếu khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn, nhiều người nghèo hơn thì Chính phủ phải có phản ứng, có thể bằng chính sách thu nhập hay chính sách xã hội để tái phân phối của cải.

 
Ông Kolodko

- Trong bài phát biểu của mình, ông có nhắc đến bài học mà các nước Trung Đông Âu đã phải trả do liệu pháp “sốc” gây ra (thất nghiệp ồ ạt, thất thoát tài sản công, lạm phát phi mã...), Ba Lan đã làm thế nào để vượt qua những khó khăn đó và trở thành nước có nền kinh tế lớn nhất Trung Đông Âu?

- Thật không dễ dàng khi giải quyết gánh nặng mà các biện pháp thiếu tính toán được gọi là "sốc" đã gây ra. Hậu quả rõ nét nhất là GDP của Ba Lan đã sụt giảm 20%. Khi nhậm chức Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng (giai đoạn 1994-1997), tôi đã áp dụng phương thức khác, cụ thể là cam kết mạnh mẽ hơn đối với việc tiến hành cải cách thể chế.

Chuyển đổi nền kinh tế không chỉ giản đơn là tự do hoá hay tư nhân hoá, quan trọng hơn đó là xây dựng các thể chế, tổ chức cơ cấu pháp lý cho nền kinh tế thị trường như: thị trường vốn, ngân hàng đầu tư, luật và các tổ chức, chính sách cạnh tranh, bảo hộ quyền sở hữu tài sản...

Kết quả của những thay đổi thể chế này là nền kinh tế Ba Lan đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tháng 7 năm 1996, Ba Lan gia nhập OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế). Điều này đồng nghĩa với việc Ba Lan chính thức được công nhận là nền kinh tế thị trường non trẻ...

Quá trình chuyển đổi kinh tế của Ba Lan đã trải qua không ít lần sóng gió. Nếu những năm 90-93 là đổ vỡ do liệu pháp “sốc”, 94-97 phát triển rực rỡ, 98-2001, tăng trưởng suy giảm (từ 6,2% năm còn 0.2%) và đến 2002 là quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu các thể chế, chuyển đổi để hoà nhập với EU. Con đường đó của Ba Lan cũng như nhiều nước khác minh chứng một thực tế: phát triển phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của chiến lược phát triển kinh tế cũng như chính sách cải tổ cách quản lý của chính phủ!

- Trong quá trình chuyển đổi kinh tế ở các nước, việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Như ông đã nói, Ba Lan đã tiến hành tư nhân hoá mạnh mẽ trong suốt thời kỳ chuyển đổi. Theo ông, những bài học nào có thể rút ra từ quá trình đó?

- Tôi cho rằng nếu các bạn thực sự muốn một nền kinh tế thị trường đầy đủ, có khả năng cạnh tranh hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân về lâu dài, các bạn phải tư nhân hoá. Có nhiều con đường tư nhân hoá khác nhau, có thể nhanh hay chậm. Nhưng bước đầu tiên là chuyển đổi các công ty nhà nước thành những thực thể thuộc quyền sở hữu của tư nhân, làm tăng sức cạnh tranh của chúng, buộc những công ty này phải quan tâm tới chất lượng, giá thành sản phẩm, cơ chế quản lý.

Qua kinh nghiệm của mình, lời khuyên của tôi là nên tư nhân hoá dần dần. Bởi lẽ khi tư nhân hoá phát huy tác dụng nó thoả mãn hai điều kiện: đóng góp cho sự phát triển của kinh tế vĩ mô và nâng cao sức cạnh tranh của các DN này. Nếu không tư nhân hoá sẽ trở nên vô nghĩa. Nó chỉ làm cho một số người tự nhiên giàu lên nhanh chóng, trong khi khiến nhiều người phải trả giá, rơi vào tình cảnh nghèo hơn, dẫn tới một số vấn đề xã hội không tốt như thất nghiệp.

- Những kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho Việt Nam, thưa ông?

Tiêu chí đầu tiên để đánh giá tư nhân hoá có thành công hay không là tính hiệu quả của kinh tế vi mô có được nâng cao. Thứ hai là tư nhân hoá có đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia hay không? Khi thương mại hoá một công ty, các bạn phải bán được ở mức đắt nhất có thể. Điều này đã không xảy ra ở các nước Trung và Đông Âu, họ đã bán các công ty nhà nước thấp hơn giá trị thực bởi nhiều cách khác nhau (Ở Ba Lan, giai đoạn đầu, giá trị một công ty chỉ bằng 10% giá trị thực). Một mặt, chúng ta làm giảm bớt tài sản của nhà nước, mặt khác chúng ta không xoá bỏ nợ công.

Nếu Việt Nam muốn có một nền kinh tế thị trường thực sự, rộng mở, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần phải tư nhân hoá DN nhà nước. Tuy nhiên trên hết cần tư nhân hoá với các ưu tiên chính trị riêng, tư nhân hoá nhưng trong đó vốn trong nước phải chiếm phần quyết định, không phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn của nước ngoài. Vốn nước ngoài rất quan trọng, kèm theo nó là trình độ chuyên môn cao, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản lý mới, các yếu tố thị trường... nhưng bí quyết, chiến lược đem lại thành công cho Việt Nam cũng như Ba Lan là dành ưu tiên cho nguồn vốn trong nước. Vốn nước ngoài rất quan trọng nhưng nó chỉ được chiếm ở vị trí số hai.

Chính sách chuyển đổi phải chú trọng tăng trưởng công bằng

- Có một thực tế mà tất cả các nền kinh tế chuyển đổi đều phải đối mặt, đó là bài toán phát triển, hay nói cách khác là làm sao phân phối thu nhập một cách hợp lý. Nhiều khi, người ta mải chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà ít chú ý đến tính công bằng, dẫn tới khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn. Ba Lan đã giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Đây là khía cạnh thứ 3 mà tôi muốn nói đến trong chính sách "Chiến lược cho Ba Lan". Chính sách của tôi có chú trọng rất nhiều đến “tăng trưởng kinh tế công bằng”. Trong những năm 90-93, Chính phủ không có những biện pháp phân phối thu nhập đúng đắn, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo gia tăng nhanh chóng trong xã hội Ba Lan. Tuy nhiên, đến giai đoạn 94-97, thu nhập của hầu hết các nhóm người đều tăng lên cùng một tốc độ.

Chính sách phát triển không giản đơn là đầu tư vào sản xuất và dịch vụ. Đúng hơn, đó là khu vực dịch vụ công và đầu tư con người (human capital) như giáo dục, văn hoá, nghiên cứu phát triển,...

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến yêu cầu “thoả hiệp” của chính sách. Nói cách khác, chính sách phải có khả năng dung hoà được các nhóm lợi ích khác nhau của các tầng lớp dân cư trong xã hội (người giàu, người nghèo, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài). Hơn nữa, sự “thoả hiệp” đó phải tích cực, nghĩa là khiến cho hầu hết mọi người hài lòng với mức độ mà giải pháp đạt được.

Do những chính sách sai lầm (1990-1993, Ba Lan áp dụng liệu pháp "sốc"; 1998-2001, kinh tế bị "làm nguội" quá mức) nên cái giá mà Ba Lan phải trả là tỷ lệ thất nghiệp cao, chiếm tới 20% dân số, một con số khủng khiếp. Điều này đặt dấu hỏi rằng liệu chúng tôi có thực sự chuyển đổi kinh tế thành công.

Thực tế đó một lần nữa chỉ rõ cho những người điều hành đất nước phải đặc biệt chú ý đến tăng trưởng công bằng. Năm 2002, chính sách kinh tế của Chính phủ mới (trong đó, ông Kolodko giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính) đã nhấn mạnh hơn vào vấn đề mở cửa và hội nhập quốc tế (đặc biệt là hội nhập EU) của cả nền kinh tế và xã hội Ba Lan. Nói cách khác, đó là quá trình song song giữa việc mở cửa, hội nhập kinh tế với đẩy mạnh dân chủ hoá theo các tiêu chí của Châu Âu. Cho đến nay, chúng tôi đã hoàn thành được khá nhiều việc (tỷ lệ GDP tăng 135% sau 15 năm chuyển đổi, gia nhập EU). Tất nhiên, những thách thức gay gắt vẫn còn đang ở phía trước.

VN gia nhập WTO: 2005 hay 2007 không phải là vấn đề

- Trong bài phát biểu của mình, ông có nói Việt Nam sẽ gia nhập WTO vào năm 2007 chứ không phải 2005. Tại sao lại như vậy, thưa ông?

- Do các bạn phải học tập, rút kinh nghiệm từ những sai lầm của các nước khác, từ những nước có nền kinh tế tương tự như mình từ đó tránh được những vấn đề tương tự. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những nhà hoạch định chính sách. Tôi cho rằng Việt Nam đang học tập, đang có nhiều bài học giá trị từ quá trình gia nhập WTO của các nước khác, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa khác đang trong quá trình chuyển đổi, trong đó có Trung Quốc.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, trở thành thành viên WTO sẽ đem lại cho Việt Nam cơ hội nhiều hơn thách thức. Tuy nhiên bạn không thể chỉ nhận mà không phải cho. Khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, các bạn sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn từ các công ty nước ngoài. Một số DN tư nhân chắc chắn sẽ bị loại ra khỏi thị trường tương tự như tình trạng xảy ra một số nước Đông Âu khi chúng tôi mở cửa cho kỹ thuật mới, các dòng vốn, kỹ năng quản lý mới chảy vào trong nước. Nhiều ngành, trong đó có lĩnh vực kinh tế tư nhân sẽ không có đủ khả năng cạnh tranh dẫn tới phá sản. Theo đó nhiều vấn đề xã hội nảy sinh như thất nghiệp...

Theo quan điểm của tôi, Việt Nam có thể dựa vào xu thế quốc tế hoá cao độ hiện nay để thu hút càng nhiều FDI càng tốt trong khu vực công nghiệp, từ đó tiếp cận với những thị trường khác nhau trên thế giới.

Nhưng các bạn cũng phải rất thận trọng. Tôi cho rằng gia nhập WTO vào 2005 hay 2007 không quan trọng. Năm 1996 tôi đi dự hội nghị thuộc khuôn khổ diễn đàn kinh tế thế giới và phát biểu rằng Ba Lan sẽ trở thành thành viên EU vào năm 2002. Khi tôi về nước thì thấy báo chí đưa tin về vấn đề này rất rầm rộ. Thực tế, đến 2004 chúng tôi mới gia nhập EU.

Như vậy, vấn đề không phải là gia nhập khi nào mà là liệu chúng ta có thể giảm thiểu thách thức và tối đa hoá thuận lợi hay không? Bạn nên gia nhập vào thời điểm có lợi cho chính mình chứ không phải vì lợi ích của Mỹ hay Trung Quốc, EU, UNDP hay WB. Chính các nhà hoạch định chính sách, DN và nền kinh tế của các bạn quyết định khi nào thì các bạn nên trở thành thành viên của WTO.

- Xin cảm ơn ông!

  • Việt Lâm - Cẩm Tú
    thực hiện
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
30 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh! (01/06/2004)
Diện tích đất ở sẽ được tăng thêm hơn 40.000ha (31/05/2004)
Lạm dụng ''vị trí thống lĩnh'' mới là vi phạm! (30/05/2004)
Khuyến khích tư nhân tham gia xuất bản (30/05/2004)
Giảm độc quyền nhưng phải có tập đoàn kinh tế mạnh! (29/05/2004)
Tòa sẽ không còn "muốn xử thế nào cũng được"! (28/05/2004)
QH thông qua Luật Phá sản DN, Luật Thanh tra (26/05/2004)
Cán bộ dùng ôtô vượt tiêu chuẩn thì tự bỏ tiền đền! (26/05/2004)
Thêm nhiều DN bị coi là lâm vào tình trạng phá sản? (19/05/2004)
"Luật phá sản ưu tiên cho chủ nợ và người lao động" (18/05/2004)
"Nhà nước không thể bù lỗ xăng dầu mãi được!" (17/05/2004)
Cổ phần hoá chậm, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm! (15/05/2004)
QH phân vân trước khi bấm nút thông qua quyết toán NS (14/05/2004)
Hội nhập WTO: Chúng ta chuẩn bị gì cho cuộc chơi? (13/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang