Cán bộ dùng ôtô vượt tiêu chuẩn thì tự bỏ tiền đền!
12:02' 26/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Vì những khoản chi lớn đã được QH phê chuẩn nên "tôi" (ý ông muốn nói Bộ Tài chính) chỉ còn cân nhắc ở những khoản chi nhỏ, khoản chi đột xuất. Như thế, "tôi" cũng khó mà "cho" nếu bị "xin". Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng đã nói thế với VietNamNet trong câu chuyện về tiết kiệm và lãng phí.

Câu chuyện của chúng tôi diễn ra sau buổi họp có nội dung "Quyết toán ngân sách 2002" của QH.

Nếu tính "sít sịt" thì những khoản chi bất thường lấy tiền đâu?

 - Các ĐB ngần ngại khi "bấm nút" thông qua quyết toán ngân sách vì thấy có nhiều khoản chi vượt nghị quyết. Ông lý giải thế nào về việc chi vượt thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng.

- Làm dự toán bao giờ cũng có chuyện du di và khi thực hiện thường là có vượt lên hoặc thấp hơn so với dự toán. Đó cũng là chuyện bình thường. Làm dự toán là để khống chế mức chi nhưng không phải bao giờ chi cũng y nguyên như dự toán. Nếu chúng ta làm dự toán sít sịt thì có những nhu cầu phát sinh không có tiền mà chi. Tháng 10 đã dự chi ngân sách cả năm nhưng tháng 11 bão lụt, hoặc là luân chuyển cán bộ, cử người về địa phương - tức là lại nảy ra những khoản chi mới. Nếu dự toán mà "hoà" thì lấy tiền đâu mà chi? Dự toán phải có dự phòng nhất định cho những trường hợp bất thường như thiên tai, hoả hoạn rồi chuyện này chuyện kia, không ai mà lường hết được Chuyện chi tiêu thì làm sao chính xác trăm phần trăm so với dự toán được...

- Nhưng việc chi vượt như thế khiến các ĐB lo ngại về tình trạng lãng phí?

- Đó lại là một câu chuyện khác. Muốn xem xét việc chi tiêu có lãng phí hay không thì QH phải xem xét ở tính hiệu quả so với mức đầu tư. Đầu tư một con đường, một nhà máy đường không phát huy tác dụng hoặc đầu tư nhiều mà bỏ dở dang không sử dụng... Đó là những biểu hiện của lãng phí.

Ai mua ô tô con vượt tiêu chuẩn mà không "xin phép" thì bỏ tiền ra mà đền!

- Thế còn câu chuyện về những ô tô con mà dư luận vẫn nói trong thời gian gần đây?

- Ô tô là để phục vụ công việc, tuỳ theo nhiệm vụ công tác, tuỳ theo từng cấp mà  bố trí tiêu chuẩn. Hiện nay vẫn còn tình hình xe chưa sử dụng hết công suất hoặc làm hư hỏng để mua xe mới. Hai là bố trí xe vượt tiêu chuẩn, về số lượng, về tiền. Về vấn đề này, ai là người quyết định mua, ai là người sử dụng xe - người đó phải biết. Người cán bộ ở chức vụ nào đó, đi ô tô nào đó thì phải biết kiềm chế. Còn nếu không, khi thanh tra, kiểm tra ra thấy " anh" đang dùng xe vượt tiêu chuẩn thì sẽ phải xử lý.

- Thưa ông, cụ thể là xử lý thế nào?

- Thì "anh" mua nhiều thì điều bớt đi. "Anh" để xe hỏng thì phải thanh lý để thu hồi lại tiền bạc. "Anh" mua vượt tiêu chuẩn thì trừ kinh phí của cơ quan anh. Nếu "anh" thủ trưởng nào đó mà tự mình quyết định chuyện chi tiêu mà mua quá lên thì phải bỏ tiền ra mà đền. Hiện đã tiến hành làm chuyện đó rồi: việc kiến nghị về thanh tra tài chính, kiểm tra tài chính đã thực hiện được một nửa.

- Còn những lời kêu ca về việc chi tiêu cho lễ hội, họp hành và  phong bì, phong bao?

- Việc lễ là rất khó cho nên phải có thước đo. Ví dụ, một đám tang, đám cưới thì phải thế nào, hoặc lễ trao huân chương thì phải thế nào. Rất tiếc ở mình chưa có quy định về những việc này. Ngày xưa những việc tang, việc lễ như thế này được quy định rất rõ: việc tang thì cúng bao nhiêu, việc lễ thì đi bao nhiêu. Ngày nay đời sống mới nên việc lễ chưa có quy định đầy đủ mà còn đang phải tuỳ cơ ứng biến. Bởi thế mới có chuyện nhiều khi người ta bớt cái đáng chi mà lại chi vào cái không đáng chi. (Một số chi tiết trong việc tang lễ Nhà nước đã quy định, ví dụ: việc mua vòng hoa... Nhưng còn một số điều chưa quy định được như việc đón huân chương, huy chương, kỷ niệm...) Chi tiêu ngân sách thì từ những việc ấy cũng phải chặt chẽ. Lẽ ra là quy định chưa sát thì phải sửa chứ không phải lợi dụng việc chưa sát đó để chi tiêu bừa bãi...

Khi nào Bộ trưởng Tài chính bị mất lòng?

- Với tư cách là Bộ trưởng Bộ tài chính, ông có thấy có lúc nào khó xử vì những việc phải chi bất thường nhiều quá, và quá nhiều người kêu: "anh Hùng ơi...". Có lúc nào có những khoản ông không muốn chi mà vẫn phải chi vì mối quan hệ xã hội, vì nể nang?

- Việc lớn nói chung là nhẹ rồi vì tôi đã trình ra QH sửa được Luật ngân sách. Cuối năm trình dự toán ra tức là án binh bất động rồi. Nhờ thế mà cơ chế "xin cho" bớt đi. Vì là tỉnh có về TƯ xin thì cũng chịu vì Bộ trưởng tài chính cũng không lấy tiền đâu thêm để cho.Còn khoản nhỏ,  khoản đột xuất, khoản chưa tính toán, thì xem yêu cầu của "họ" xem đáng cần bao nhiêu. Ví dụ như Bộ A, Bộ A, khi trình dự toán họ chưa tính đến  sẽ có Hội nghị Quốc tế, đến nửa năm mới có chủ trương... thì "tôi" phải nhờ anh em tham mưu để chi cho người ta cho hợp lý. Người ta trình xin 5 tỷ chẳng hạn, mình rà đi rà lại chỉ đáng có 2 -3 tỷ thì mình quyết chừng đó thôi. Nói chung, đôi khi cũng mất lòng nhau nhưng đành chịu và rồi anh em cũng phải thông cảm thôi. Quan trọng là thái độ ứng xử thế nào đó cho nó hợp lý.

- Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế đã than phiền rằng, chi cho đoàn thể là một khoản đáng kể...

- Cũng không lớn lắm so với tổng chi ngân sách. Chúng ta có 6 đoàn thể: Mặt trận, Liên đoàn lao động, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân, Cựu chiến binh. Sáu tổ chức ấy được chi như cơ quan quản lý nhà nước: có đủ biên chế, tiêu chuẩn... Các Hội nghề nghiệp đông đảo nhưng hiện đã có quy định rồi chứ không như hồi anh Hồ Tế nữa. Hội tự lo kinh phí hoạt động bằng tiền thu Hội phí nhưng khi phục vụ nhiệm vụ chính trị thì Nhà nước chi. Nói thế nhưng cũng có những Hội rất khó khăn Nhà nước phải bao như Hội nạn nhân chất độc màu da cam...

- Vừa rồi các ĐB lại nói đi nói lại về khoản nợ 11 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản. Việc trả nợ sẽ được phân giải như thế nào thưa Bộ trưởng?

- Chủ trương trả nợ xây dựng cơ bản quá hạn đã được QH phê chuẩn rồi, bây giờ các ĐBQH cứ nói khác đi thì vẫn phải làm theo nghị quyết của QH thôi. Bắt đầu là phải phân loại ra để mà tính toán. Sau khi phân loại rồi thì xem nghĩa vụ trả nợ thuộc về chủ nợ nào. Ví dụ như Chủ tịch tỉnh thì ngân sách tỉnh phải lo, Bộ chủ quản nợ thì ngân sách Bộ lo, nếu Thủ tướng nợ thì "ông Hùng" (Bộ Tài chính) phải trả.

Ví dụ như thế này: Thủ tướng quyết định xây dựng cầu Rạch Miễu chẳng hạn, đã ứng khoản này khoản kia ra thì bây giờ Bộ trưởng Bộ Tài chính phải lo thôi. Ông Đào Đình Bình (Bộ GTVT), ông Lê Huy Ngọ (Bộ NN&PTNT) làm ở tỉnh nọ tỉnh kia, nợ của người ta tiền xem trong dự toán ngân sách năm nay, số chi cho đầu tư cơ bản của ngành này bao nhiêu thì phải trích ra để trả khoản nợ đó trước. Trả nợ là trả thế chứ không thể trả nợ tuỳ tiện được. "Ông" cứ vay bừa đi rồi bắt "tôi" phải trả là không được. Không có chuyện đó đâu!

Việc tính lại giá cho những công trình xây dựng do giá thép lên không thể gọi là "trợ giá"!

- Còn việc có ĐB lo ngại trong việc trợ giá cho những công trình xây dựng  do giá thép lên cao "nếu không cẩn thận sẽ sinh ra việc "trợ giá khống"? Thực chất của việc "trợ giá" là thế nào thưa Bộ trưởng?

- Tôi xin nói lại là Nhà nước không dại gì mà trợ giá. Nó là như thế này: người ta làm dự toán lúc thép chỉ 6 - 7 triệu/tấn, nhưng khi thực hiện công trình thì giá thép lên 8 triệu/tấn. Nếu công trình có 3 tấn thép, giá xây dựng thực tế sẽ bị đội lên 3 triệu. Khoản 3 triệu đó sẽ được ký lại hợp đồng. Việc tính lại giá đó chỉ được thực hiện với những công trình có vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư. Nếu công trình T.Ư bố trí 100 tỷ, trong đó có thép 20 tỷ, bây giờ giá thép lên khiến trội giá lên 10 tỷ thì bên B cứ làm trong khoảng 100 tỷ; 10 tỷ thiếu sang năm sẽ được ghi vào kế hoạch chứ không bù gì cả. Ngân sách T.Ư có ghi bù cho "anh" nào đâu. Có nghĩa là do giá lên mà được xét lại giá đấu thầu chứ không phải là bù giá.

Tóm lại, không phải là hỗ trợ, bù giá mà lại tính đúng giá. Do giá lên mà người đấu thầu không tính đến những biến động giá - bị "oan" quá. Nếu để bên B lỗ thì ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đến công ăn việc làm của công nhân.

"Tính" thế nào cho đúng giá thưa Bộ trưởng?

- Bên A, bên B tự tính với nhau trên giá trị thực tế và thời điểm ký hợp đồng.

___________________

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH: 

QH nên xem xét hiệu quả đầu tư hơn là "soi" từng khoản chi....

QH là một thiết chế có uỷ quyền, phân quyền, là một công cụ chính trị chứ không phải là một công cụ chuyên môn, công cụ pháp lý. Vì thế khi "nhìn" vào những con số chi tiêu, QH phải tin vào cơ quan chuyên môn là kiểm toán. Nếu không tin thì cũng không thể làm thay được.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng.

Nếu QH giám sát việc chi như thế nào thì vấn đề chính, quan trọng nhất mà QH phải làm đó là xem "anh" chi tiêu đồng tiền như vậy nhưng có đạt được mục đích đề ra hay không? Ví dụ như thế này: tiền "anh" tiêu cho xoá đói giảm nghèo, nghèo có giảm được hay không? Giảm tai nạn giao thông giảm như thế nào...Thế nhưng xác định được điều này là một việc rất khó bởi ai nói cũng hay, ai chê cũng đúng.

QH có "vào" những vấn đề kinh tế của ngân sách thì cũng chỉ vào thông vào hai cơ quan: kiểm toán và Uỷ ban tài khoản công.  Hiện chúng ta chưa có Uỷ ban tài khoản công mà  không thể bắt buộc một ĐB nào cũng là nhà kinh tế nên QH chỉ nên xem xét việc chi tiêu ngân sách qua kiểm toán.Nếu QH có "vào" phê chuẩn quyết toán ngân sách  và xem xét quyết toán thì vẫn "vào" với tư cách chính trị. (Dùng một công cụ chính trị để giải quyết những vấn đề kinh tế là không giải quyết được -NV).

Còn chuyện các ĐB kêu rất nhiều về sự lãng phí? Tôi cho rằng lãng phí là một khái niệm rộng, được thể hiện ở nhiều bình diện. Chẳng hạn như những cái đáng nói một phút mà nói ba phút cũng là lãng phí. Đầu tư vào cái mình không cần là lãng phí lớn nhất. Cái đáng đầu tư cho phát triển thì lại để bị thui chột mất là một sự lãng phí không nên có.

  • Lương Thị Bích Ngọc
    thực hiện

 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
"Không đáng làm mà vẫn làm là lãng phí"
QH phân vân trước khi bấm nút thông qua quyết toán NS
Lãng phí ngân sách vì tiến độ "rùa bò"
"Lãng phí đang diễn ra dưới nhiều hình thức"
Công khai ngân sách sẽ giảm được nạn tham nhũng và xin cho!
CÁC TIN KHÁC:
Thêm nhiều DN bị coi là lâm vào tình trạng phá sản? (19/05/2004)
"Luật phá sản ưu tiên cho chủ nợ và người lao động" (18/05/2004)
"Nhà nước không thể bù lỗ xăng dầu mãi được!" (17/05/2004)
Cổ phần hoá chậm, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm! (15/05/2004)
QH phân vân trước khi bấm nút thông qua quyết toán NS (14/05/2004)
Hội nhập WTO: Chúng ta chuẩn bị gì cho cuộc chơi? (13/05/2004)
Giá thuốc mới chỉ nằm im trên mặt bằng... đang lên cao (12/05/2004)
"Nên tránh tư tưởng cứ thấy độc quyền là phê phán" (11/05/2004)
Tăng trưởng kinh tế 8 tháng cuối năm phải đạt 7,8-8,3% (11/05/2004)
Luật Đất đai mới: Chuyên gia luật còn chưa "thông"... (09/05/2004)
"Tư nhân chưa nên tham gia xuất bản" (08/05/2004)
Sẽ có một thị trường điện lực? (06/05/2004)
Thu nhập ''giàu" - "nghèo'' ở VN chênh nhau gần 14 lần (06/05/2004)
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường: Giá đất sẽ giảm! (01/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang