Thêm nhiều DN bị coi là lâm vào tình trạng phá sản?
02:15' 19/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Luật Phá sản DN dự kiến sẽ được Quốc hội kỳ này biểu quyết thông qua vào ngày 26/5 tới. Nhưng trong buổi thảo luận ngày 18/5, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn chưa đồng ý quy định cốt tử của dự luật này về ''căn cứ xác định DN, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản''.

Nhiếu ý kiến đại biểu QH không đồng ý với căn cứ xác định DN lâm vào tình trạng phá snr ghi trong dự luật.

Căn cứ xác định DN phá sản đơn giản quá!

Báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 18/5, UBTVQH đề nghị và đã quy định trong dự thảo Luật Phá sản ''DN, hợp tác xã lâm vào trình trạng phá sản là không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu'', làm căn cứ yêu cầu Toà án xem xét mở thủ tục phá sản.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Anh (ĐB Hải Phòng) phản đối: ''Tôi chưa thấy thoả mãn với quy định này. Yêu cầu này là quá đơn giản!''. Bởi theo ông, ''khi một chủ nợ đến hạn có một điều gì không vừa lòng với DN có thể làm đơn xin yêu cầu mở thủ tục phá sản được''. Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh đề xuất bổ sung căn cứ xác định DN, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản là: ''không có khả năng thanh toán nợ đến hạn, sau khi không thoả thuận được với chủ nợ thời hạn thanh toán bằng văn bản''.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách của QH

Luật phá sản không phân biệt ưu tiên cho thành phần kinh tế nào, kể cả Nhà nước. Ở đây chỉ phân biệt ưu tiên lớn nhất cho 2 trường hợp, đó là các chủ nợ có bảo đảm, tức có tài sản thế chấp trong DN, và quyền lợi của người lao động, rồi mới đến các khoản nợ không có bảo đảm. Quyền lợi và sự phân chia trả nợ cho các chủ nợ tương đương nhau, kể cả chủ nợ đó là Nhà nước, ngân hàng hay doanh nghiệp.

Xem tiếp>>

Ông Trương Văn Hiền (ĐB Nghệ An) cũng có ý kiến: ''Quy định như thế không phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh, chuyện nợ quá hạn thường xảy ra. Cứ thấy nợ là tuyên bố phá sản, dẫu chưa chính thức nhưng sẽ ảnh hưởng uy tín, cơ hội kinh doanh của DN''. Do đó, theo ông Hiền, muốn đánh giá một DN lâm vào tình trạng phá sản phải có đầy đủ 3 yếu tố: một là nợ quá hạn mất khả năng thanh toán; hai là đơn vị thua lỗ 2 năm liên tiếp; thứ ba là đã có nhiều biện pháp khắc phục nhưng không khắc phục được. ''UBTVQH có giải trình nhưng tại sao lại không đưa vào'', ông Hiền thắc mắc.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Khanh (Đồng Nai) cũng không đồng với giải trình của UBTVQH. Bà phát biểu: ''Chúng ta thấy dự luật quy định căn cứ để xác định DN, hợp tác xã là lâm vào tình trạng phá sản chứ không phải dấu hiệu phá sản. Nếu như UBTVQH nói đó là căn cứ để xác định có dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản thì dấu hiệu này có vẻ mơ hồ, làm cho người ta mới có nghi ngờ thôi nhưng buộc lòng phải yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản''.

Thành viên HĐQT không quan trọng bằng kế toán trưởng?

Một vấn đề cũng nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau của các đại biểu Quốc hội là quy định trong dự luật về cấm đảm nhiệm chức vụ đối với một số chức danh quản lý của DN, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản. Đáng chú ý là người giữ chức vụ giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty, tổng công ty 100% vốn nhà nước bị phá sản sẽ không được cử đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ DN nhà nước nào.

ĐB Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) đề nghị thay chức danh ''thành viên HĐQT'' bằng chức danh ''kế toán trưởng''. ''Tôi cho rằng vai trò của thành viên HĐQT không quan trọng bằng kế toán trưởng'', ông nói.

Ông Trương Văn Hiền (ĐB Nghệ An) thì cho rằng, "điều cấm" đối với quản lý DN nhà nước bị phá sản là quá nhẹ mà nên thêm quy định ''không được lập DN tư nhân''. Ngoài ra, theo ông Hiền, thời gian cấm giám đốc DN dân doanh không được làm quản lý 1-3 năm sau khi phá sản ''dao động quá lớn''. ''Nên quy định 2-3  năm sẽ tránh được vấn đề tiêu cực trong xử lý, vì nếu 1 năm thì hậu quả của đơn vị sau khi phá sản chưa thể giải quyết xong'', ông Hiền kiến nghị.

Theo ĐB Phạm Hữu Chí (Đồng Nai), hiện ở ta quan niệm “phá sản” rất nặng nề. Vì vậy, việc quy định giám đốc, tổng giám đốc DN nhà nước phá sản không được giữ các chức vụ đó ở DNNN khác cần cân nhắc: Ai là người có lỗi gây ra phá sản? Bởi vì phá sản có khi là một quy trình, do người tiền nhiệm gây ra hậu quả, kéo dài và đến người kế nhiệm sau bị phá sản. Thứ hai, người trong HĐQT không phải ai cũng có quyền quyết định công việc của DN mà chịu trách nhiệm như thế có quá đáng không?

Giải quyết phá sản đối với cá nhân, hộ kinh doanh ra sao?

UBTVQH cho rằng, trong điều kiện và khả năng quản lý của nước ta hiện nay, phá sản đối với hộ gia đình và cá nhân kinh doanh ''sẽ được điều chỉnh và cụ thể hoá từ Bộ luật Dân sự hiện hành và các văn bản khác có liên quan'' mà không đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phá sản DN.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng (ĐB TP.HCM), nếu các đối tượng này lâm vào tình trạng phá sản thì quyền lợi của chủ nợ sẽ được bảo đảm như thế nào khi còn chờ ''cụ thể hoá từ Bộ Luật Dân sự''? ''Không thể vì khả năng quản lý của Nhà nước hạn chế mà bỏ một đối tượng ra khỏi sự điều chỉnh của pháp luật. Thực tế trên địa bàn TP.HCM có nhiều cá nhân, hộ kinh doanh mà doanh số lớn hơn nhiều so với một số DN'', ông Tùng lớn tiếng.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Khanh (Đồng Nai) lại băn khoăn với việc Nhà nước áp dụng biện pháp về tài sản để phục hồi kinh doanh cho DN nhà nước lâm vào tình trạng phá sản. Trong thực tế có DNNN lâm vào trình trạng cực kỳ khó khăn, khó vực dậy giống như ''bệnh nan y vô phương cứu chữa''. Nhưng bằng cách này, cách khác vẫn được Nhà nước rót vốn nhưng rốt cục vẫn không cứu chữa được mà còn mất luôn cả phần vốn rót thêm vào. ''Cần làm rõ nội dung áp dụng biện pháp đặc biệt về tài sản này'', bà Khanh nói.

Cuối giờ chiều ngày 18/5, sau phần thảo luận về Luật Phá sản DN, ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã đọc trước Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thanh tra. Quốc hội sẽ dành cả buổi sáng ngày 19/5 để thảo luận về dự luật này.

  • Văn Tiến - Đặng Vỹ
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Luật phá sản ưu tiên cho chủ nợ và người lao động" (18/05/2004)
"Nhà nước không thể bù lỗ xăng dầu mãi được!" (17/05/2004)
Cổ phần hoá chậm, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm! (15/05/2004)
QH phân vân trước khi bấm nút thông qua quyết toán NS (14/05/2004)
Hội nhập WTO: Chúng ta chuẩn bị gì cho cuộc chơi? (13/05/2004)
Giá thuốc mới chỉ nằm im trên mặt bằng... đang lên cao (12/05/2004)
"Nên tránh tư tưởng cứ thấy độc quyền là phê phán" (11/05/2004)
Tăng trưởng kinh tế 8 tháng cuối năm phải đạt 7,8-8,3% (11/05/2004)
Luật Đất đai mới: Chuyên gia luật còn chưa "thông"... (09/05/2004)
"Tư nhân chưa nên tham gia xuất bản" (08/05/2004)
Sẽ có một thị trường điện lực? (06/05/2004)
Thu nhập ''giàu" - "nghèo'' ở VN chênh nhau gần 14 lần (06/05/2004)
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường: Giá đất sẽ giảm! (01/05/2004)
Vì sao Anh tăng viện trợ cho Việt Nam? (22/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang