(VietNamNet) - Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp của QH ngày 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tới đây, DN nhà nước thuộc bộ nào nếu cố tình trì hoãn cổ phần hoá thì Bộ trưởng bộ đó đương nhiên phải chịu trách nhiệm.
|
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng: ''Đã định giá thị trường phải có thương hiệu''. |
- Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định 64/2002 về cổ phần hoá DN nhà nước. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm mới đáng lưu ý trong sửa đổi lần này?
- Cổ phần hoá sẽ khác trước ở chỗ định giá, bán cổ phần ra và bán công khai, đấu giá cho mọi người cùng tham gia. Trước mình cổ phần mình bán trong nhà máy, bán đắt thì không ai mua, không mua thì không cổ phần được, bán rẻ thì như cho. Bây giờ ta đưa đất vào giá trị DN cổ phần hoá và bán đấu thầu, đấu giá công khai. Một là đấu thầu đấu giá, hai là đưa ra thị trường chứng khoán đối với những công ty niêm yết được. Thứ ba, những DN đã cổ phần không thuộc diện Nhà nước nắm cổ phần chi phối cũng có thể bán tiếp để bớt phần chi phối đi.
- Chính phủ có biện pháp mạnh gì để đẩy mạnh tốc độ cổ phần hoá vốn đang rất chậm?
- Chính phủ phải kiên quyết! Bộ trưởng nào có DN, xí nghiệp của bộ không làm thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Nghĩa là phân loại lại rồi, chủ trương thông thoáng hơn rồi mà vẫn không làm thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm.
- Thưa Bộ trưởng, liệu năm nay ta có kịp cổ phần hoá ngân hàng quốc doanh, tổng công ty để đưa lên sàn giao dịch chứng khoán?
- Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến đưa Ngân hàng Ngoại thương lên trước đã. Bộ Tài chính cũng xúc tiến cổ phần hoá DN lớn của mình là Tổng công ty Bảo hiểm TP.HCM. Hai loại này phải từ từ, làm cho chắc chắn. Vì ta làm đây là cho mọi người tham gia mua cổ phiếu nên phải đưa kiểm toán vào và đánh giá nó. Đánh giá ngân hàng và dịch vụ tài chính không phải đánh giá miếng đất, mà đánh giá ở đây là đánh giá hiệu quả làm ăn kinh doanh. Chúng ta lại bán cả cho nước ngoài, không cẩn thận là hớ. Nhưng hai anh đó có thể đưa ra thị trường chứng khoán được.
Một số phân phối đầu nguồn thì chúng ta phải giữ, không gọi là độc quyền mà phải giữ để chi phối hoạt động, như viễn thông, còn lại là cho cổ phần. Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng đang nghiên cứu hình thức cổ phần cả tổng công ty. Cổ phần cả tổng công ty là rất khó, ví dụ như Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Điện lực...
- Sắp tới đây, Bộ Tài chính có định giá thương hiệu để đưa vào giá trị DN khi cổ phần hoá?
- Đã định giá thị trường phải có thương hiệu. Một công ty mới toanh bán cổ phần thì có ai biết nó là đâu, thì người ta mua thấp, bán thấp. Không nhiều cũng do thị trường xác định chứ đâu phải mình định. Khi mình định ra một cái giá sàn thì mình phải suy nghĩ. Cũng là đất nhưng đất ở vị thế nào khi anh làm giá sàn đấu giá thì anh phải biết đất đó lợi thế thế nào! Tôi lấy ví dụ trước đây ta bán Khách sạn Phú Gia. Cổ phần là chỉ bán phần nhà thôi chứ không bán đất. Bây giờ đang thuê đất, còn nếu mình bán hẳn đi thì nó phải lên đến 50 - 60 tỷ đồng.
Lê Đức Thuý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: |
''Hiện nay chưa có ngân hàng nào phát hành cổ phiếu, nhưng đã có một hai ngân hàng cổ phần có tờ trình xin được sớm niêm yết cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán, ví như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. Còn đối với ngân hàng thương mại nhà nước thì chúng tôi dự kiến là trong tháng 6 này sẽ làm xong đề án để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Ngân hàng Ngoại thương phát hành cổ phiếu ưu đãi nhằm huy động thêm vốn. Cổ phiếu này sẽ được giao dịch mua bán trên thị trường chứng khoán''. |
|