Đấu thầu công khai các công trình thuộc Chương trình 135
17:12' 08/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình 135, diễn ra sáng nay, một trong những giải pháp đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước đưa ra để nâng cao hiệu quả chương trình là sẽ thực hiện đấu thầu công khai. Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo: Nếu tỉnh nào làm thất thoát, chủ tịch UBND tỉnh đó hoàn toàn chịu trách nhiệm!

Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể sau 5 năm thực hiện Chương trình 135.

Theo Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội, sau 5 năm (1999-2003) thực hiện Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa), đã xây dựng được 17.235 công trình; trong đó có 5.750 công trình giao thông, 2.948 công trình thuỷ lợi, 4.510 trường học...

Cùng với việc lồng ghép các chương trình, dự án khác, trên địa bàn Chương trình 135 có 70% số xã đã xây dựng 5 hạng mục công trình chủ yếu: đường, điện, trường học, thủy lợi nhỏ, trạm xá và 56% số xã đã dựng đủ 8 hạng mục theo quy định. Điều đặc biệt là chỉ riêng các công trình thuỷ lợi đã tăng năng lực tưới cho hơn 40.000ha đất canh tác và gần 1.000ha đất được khai hoang. Nhờ đó, giúp các xã đặc biệt khó khăn ổn định lương thực và nâng mức bình quân lương thực từ 290kg lên 384kg/người/năm; thậm chí có nhiều xã đã lên đến 500 kg/người/năm.

Những công trình này đã góp phần làm thay đổi nhanh và cơ bản bộ mặt nông thôn, miền núi của 2.374 xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Bộ trưởng Ksor Phước đánh giá, đây thực sự là lực lượng vật chất to lớn, góp phần thúc đẩy nhanh công tác xoá đói giảm nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đặc biệt khó khăn chỉ còn khoảng 25,9% so với trước năm 1998 (50-60%); về cơ bản không có hộ đói kinh niên, mỗi năm giảm được 4-5% hộ nghèo.

Kết quả chưa toàn diện

Chương trình 135 đã không tránh khỏi những hạn chế. Đó là việc thực hiện chưa tốt nguyên tắc dân chủ, công khai, xã có công trình, dân có việc làm, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Tại một số địa phương, công tác quy hoạch chưa tốt; việc lập báo cáo đầu tư, thiết kế, dự toán, giải ngân và thanh toán công trình còn chậm, và đặc biệt chậm ở Lai Châu, Bắc Kạn, Kon Tum. Theo Bộ trưởng Ksor Phước, việc phân cấp quản lý đầu tư cũng chưa mạnh, nhất là giao xã làm chủ đầu tư (sau 5 năm mới có 20 tỉnh thực hiện giao 385 xã làm chủ đầu tư).

Đến nay, một số tỉnh còn tùy tiện trong bố trí ngân sách Trung ương cho một số xã với mức quá thấp. Trong 5 năm mới chỉ đạt 500-800 triệu đồng như một số xã của tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn... Quá trình thực hiện, công tác quản lý tài chính, chất lượng công trình có nơi chưa tốt, một số công trình không phát huy hiệu quả, hư hỏng phải sửa chữa tốn kém, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Bộ trưởng Ksor Phước cho rằng, khâu yếu kém nhất vẫn là việc quản lý các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn Chương trình 135. Điều này làm cho việc đánh giá hiệu quả tổng hợp, chất lượng công trình và mức độ thất thoát vốn rất khó, không tránh được tiêu cực. Vì thế, trong 2 năm còn lại, Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo, tỉnh nào còn để xảy ra thất thoát thì Chủ tịch UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng nhắc nhở, chương trình mới chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó, chưa thể đưa đồng bào vượt qua được đói nghèo. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ đói nghèo còn cao (phần lớn các xã thuộc Chương trình 135 còn tỷ lệ đói nghèo 30%, con số này ở nhiều xã lên tới 50-60%!). Vì thế, kết quả đạt được chưa toàn diện, chưa vững chắc, dễ bị tái nghèo. 

Chương trình 135 sẽ được đấu thầu công khai

“Để tránh thất thoát tại các công trình xây dựng thuộc Chương trình 135, tới đây chúng tôi sẽ tập trung vào việc cho đấu thầu chứ không chỉ định như trước. Việc đấu thấu sẽ được triển khai theo nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch và theo nguyên tắc xã có công trình, dân có việc làm", Bộ trưởng Ksor Phước đã cho biết như vậy trước tình trạng đầu tư nhiều hạng mục chưa đúng đối tượng; khâu khảo sát, thiết kế và đầu tư còn bất cập dẫn tới một số công trình không phát huy được hiệu quả, gây hư hỏng phải sửa chữa hết sức tốn kém.

"Nhiều công trình khác mức thất thoát dù thấp, khoảng 0,6%, nhưng diễn ra hết sức phổ biến" - Bộ trưởng Ksor Phước cho biết. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư của Chương trình 135 vẫn chưa tập trung theo hướng ưu tiên cho sản xuất. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Ksor Phước, là đầu tư trên một xã còn có sự lẫn lộn giữa các dự án và người thực hiện dự án (chủ yếu là UBND xã) năng lực còn hạn chế, nên vẫn còn xảy ra nhiều sai sót.

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Ksor Phước, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng tới đây sẽ theo hướng phục vụ phát triển sản xuất, ưu tiên cho các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ; tạo mặt bằng để lập quỹ đất cấp cho những hộ thiếu đất ở, đất sản xuất và phục vụ quy hoạch dân cư. Đầu tư xây dựng trường học, trạm xá phải kiên cố, đồng bộ cả trang thiết bị, nhà ở công vụ cho giáo viên và cán bộ y tế. Ngoài ra, sẽ tập trung khôi phục, phát triển tiểu thủ công nghiệp, chủ động xây dựng các mô hình liên kết 5 nhà (Nhà nước - nhà nông - nhà DN - nhà tín dụng - nhà khoa học) để phấn đấu cho mục tiêu: thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng lưu ý, phương hướng đầu tư phát triển các xã 135 sau khi đã hoàn thành chương trình là làm sao để đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có điều kiện làm giàu; phấn đấu đến 2005, tỷ lệ đói nghèo chỉ còn dưới 10%. Trước mắt, các tỉnh phải quy haọch sử dụng đất đến 2010-2015, kiên quyết thu hồi diện tích đất, rừng bị chiếm dụng trái phép để giao cho dân; khuyến khích phát triển các DN vừa và nhỏ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho bà con.

Đến quý II/2005, Chính phủ sẽ cử đoàn của Ủy ban Dân tộc, Bộ LĐ-TBXH trực tiếp đi kiểm tra, đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương trình 135 để tránh các địa phương báo cáo thành tích.

  • Hà Yên

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Sai phạm Chương trình 135: Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm!
CÁC TIN KHÁC:
Sai phạm Chương trình 135: Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm! (07/04/2004)
Tháng 8/2004, ban hành xong các văn bản thực hiện chế độ tiền lương mới (29/03/2004)
"Mong IDG có thêm dự án quảng bá hình ảnh Việt Nam" (25/03/2004)
Tăng cường thanh tra đầu tư xây dựng và sử dụng đất đai (23/03/2004)
Đà Nẵng tăng cường hợp tác với thành phố Kawasaki (23/03/2004)
UBTVQH xem xét cơ chế tài chính riêng cho Hà Nội, TP.HCM (19/03/2004)
Đã có luật kiểm soát độc quyền (18/03/2004)