(VietNamNet) - Ông Ksor Phước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ đề xuất: ''Ở đâu xẩy ra tiêu cực, tham ô, làm thất thoát vốn của Chương trình 135, chất lượng công trình kém, trước tiên Chủ tịch UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm''.
|
Chợ đầu tư từ vốn của Chương trình 135 bị bỏ hoang. |
Đây là biện pháp mạnh trước thực trạng hiện nay, đầu tư của Chương trình 135 có nhiều sai phạm về quản lý tài chính, công trình kém chất lượng, không hiệu quả. Cuối năm 2003, hơn 700 công trình thuộc chương trình này được thanh tra với tổng vốn hơn 221,6 tỷ đồng thì phát hiện sai phạm gần 8 tỷ đồng. Sai phạm cụ thể là thi công thiếu, khai thống số lượng, phát sinh không đúng nguyên tắc, sử dụng sai chủng loại vật tư...
Ngoài vấn đề sử dụng vốn, một số công trình đã không tính đến hiệu quả như ''chợ hoang - thuỷ lợi treo''. Bộ trưởng Ksor Phước cũng dẫn ra trường hợp đập Mương Vui, ở xã Thanh Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Ở công trình này, khâu khảo sát thiết kế ''vẽ rắn thêm chân'', đã xây đập tưới cho 67.000m2 và phục vụ 456 nhân khẩu nhưng thực tế cánh đồng rộng có 9.800m2 và không có hộ dân nào!
''Một số tỉnh chưa xuất phát từ mục tiêu của chương trình để xây dựng dự án nhằm đầu tư đúng mục đích mà chỉ phân bổ mang tính chất chia đều bình quân cho các xã, các huyện như một khoảng trợ cấp'', ông Ksor Phước nói.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện (từ năm 1999), tổng số vốn ngân sách Trung ương dành hỗ trợ đầu tư cho Chương trình 135 là 5.617,7 tỷ đồng. Trên địa bàn Chương trình 135 có 70% số xã đã xây dựng 5 hạng mục công trình chủ yếu: đường, điện, trường học, thuỷ lợi nhỏ, trạm xá; giúp cho 86% xã có trường tiểu học, 73% xã có có trường THCS kiên cố cấp 4 trở lên; 96% xã có trạm bưu điện văn hoá xã... Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đặc biệt khó khăn đã giảm mạnh xuống còn khoảng 25,9%, so với năm 1998 là 50-60%; về cơ bản không còn hộ đói kinh niên.
Ông Ksor Phước cho biết, Chương trình 135 đã ''đi được quá 2/3 chặng đường'', thời gian thực hiện chỉ còn 2 năm. Ban chỉ đạo Chương trình 135 đặt ra mục tiêu đến năm 2005, 100% số xã và trung tâm cụm xã cơ bản có đủ các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã xuống dưới 20%.
Dự kiến, vào ngày 8 - 9/4, sẽ có Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình 135 để thống nhất giải pháp nâng cao hiệu quả của chương trình này.
Chương trình 135 là gọi tắt của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa, được phê duyệt bởi Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
|