Xem trường tư Nhật Bản đào tạo chính khách đẳng cấp
Khả năng đi bộ 100km trong vòng 24h, kiếm thuật hay trà đạo với sự thanh nhã đỉnh cao đều có thể là điều kiện cần có với một lãnh đạo hiện đại Nhật Bản.
Đây chính là cách thức giảng dạy tại Học viện Quản lý và Điều hành Matsushita. Học viện tư nhân này là cái nôi đào tạo hơn 30 thành viên Quốc hội Nhật Bản kể từ đầu những năm 1980, trong đó có Bộ trưởng Tài chính hiện nay, Yoshihiko Noda.
Nằm bên bờ biển tĩnh lặng ở phía nam Tokyo, Học viện đặt ra mục tiêu đào tạo nên những vị lãnh đạo quả cảm, “người sẽ đấu tranh để đưa Nhật Bản tiến lên một vị trí tốt hơn trong thế kỷ 21” và đưa những lý tưởng, niềm tin mạnh mẽ của họ vào thực tiễn.
Học viên Học viện Matsushita trong giờ tập luyện. Ảnh Reuters
Học viên ở đây phải tuân thủ những chương trình đào tạo và rèn luyện “khổ hạnh” như các tu viện thời cổ, nhằm củng cố sức bền, sức mạnh tinh thần và tâm lý để trở thành những nhà lãnh đạo hiện đại.
Hơn 100 trong tổng số 242 học sinh đã tốt nghiệp của Học viện giờ đây có mặt trong chính trường Nhật Bản, trong đó có Noda - Bộ trưởng Tài chính, người có sứ mệnh chèo lái con thuyền tài chính yếu ớt, mỏng manh của Nhật trong bối cảnh thế giới vừa thoát khỏi khủng hoảng, đồng thời giảm bớt gánh nặng nợ nần vào loại lớn nhất trong thế giới công nghiệp của nước này.
Những học viên nổi bật khác còn là Bộ trưởng Giao thông Seiji Maehara; một trong những tiếng nói chủ chốt của Đảng Dân chủ, vị lãnh đạo giờ đây đã từ nhiệm Yukio Hatoyama và nhân vật gây nhiều tranh cãi Ichiro Ozawa.
Một người mới tốt nghiệp gần đây, Yutaka Kumagai, 34 tuổi cho biết, những bài học tại Học viện đã tôi luyện anh theo đuổi chiến dịch tranh cử, giành một ghế trong bầu cử Thượng viện. "Những gì tôi đã học ở Matsushita ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động chính trị của tôi và định hình những khát vọng của tôi”, giọng anh khàn đặc sau một ngày diễn thuyết, phát biểu, hô hào cử tri. "Tọa thiền, kiếm thuật, trà đạo truyền thống của Nhật đã giúp ích trong việc hình thành tính kỷ luật, tự kiểm soát và đức hạnh con người”.
Kumagai bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị sau khi trải qua thực tế bong bóng kinh tế Nhật những năm 1990, giờ đây đang theo đuổi một vị trí trong quốc hội với cam kết sẽ hồi sinh thành phố quê hương Sendai của mình. “Những gì cần thiết trong hoạt động chính trị là khái niệm đức hạnh. Ngày nay, mọi người mất lòng tin vào chính trị vì những chính khách buông ra những tuyên bố cẩu thả”. Vị chính khách trẻ cho rằng, các bài rèn luyện như thức giấc từ 5h sáng, đi bộ 100km/ngày đã hun đúc nên sự thận trọng, lòng trắc ẩn và tính tương trợ.
Học viện đặt ra mục tiêu đào tạo nên những chính khách, những vị lãnh đạo có thể phát huy ảnh hưởng trên vũ đài thế giới theo cách như một số “người khổng lồ” đứng đầu nhiều tập đoàn Nhật Bản từng làm, trong đó có người sáng lập ra Học viện Konosuke Matsushita.
Người sáng lập ra tập đoàn điện tử lớn mạnh Matsushita Electric Industrial Co, với thương hiệu Panasonic nổi tiếng đã lập ra ngôi trường này năm 1979, và chỉ tiếp nhận một số ít học sinh trong hàng trăm ứng viên mỗi năm.
"Để trở thành một nhà lãnh đạo của Nhật, bạn cần hiểu rõ văn hóa và truyền thống đất nước”, Giám đốc đào tạo của Học viện, Kazuhiro Furuyama, nói. "Kendo (kiếm thuật Nhật Bản) và zazen (tọa thiền) cực kỳ tốt cho xây dựng phẩm chất, điều mà chúng ta đang thiếu ngày nay. Đó là lý do vì sao, những giá trị này xuất hiện trong chương trình đào tạo của chúng tôi. Nếu một vị lãnh đạo hiểu rõ sự vĩ đại của văn hóa đất nước, thấm nhuần sự vĩ đại ấy với chính bản thân, thì sau đó, sẽ có thể tham gia nghị sự thế giới với sự tin tưởng”.
Bộ trưởng Thông tin nội địa Kazuhiro Haraguchi, nghị sĩ Shinji Tarutoko, người thất bại trước Naoto Kan trong cuộc đua gần đây vào ghế Thủ tướng, cũng đều kinh qua Học viện tư nhân rất nổi tiếng này. Trong số các học viên, còn có rất nhiều thị trưởng hay thống đốc, như người đứng đầu Kanagawa - khu vực lớn thứ hai Nhật Bản sau Tokyo.
Việc gia tăng hiện diện của họ có thể phản ánh thay đổi lớn trong nền chính trị Nhật Bản, trước nay vẫn thường phổ biến là các chính khách thế hệ thứ hai, thứ ba hay tốt nghiệp từ các trường cao cấp như Đại học Tokyo.
Vào năm 1986, Shigefumi Mitsuzawa, sau là sinh viên Học viện Quản lý và Điều hành Matsushita đã tới Washington. Một năm sau, anh trở về Tokyo với hy vọng giới thiệu sự cởi mở và thân mật mà anh tìm thấy ở hoạt động chính trị Mỹ với chính đất nước của mình.
Hiện nay, Mitsuzawa là một thành viên Hạ viện, cũng từng là học sinh tốt nghiệp từ Học viện Matsushita. Ở đất nước mà sự kế thừa luôn hiện diện trong các cuộc bầu cử, hầu hết sinh viên của Matsushita đều là “người ngoài” trong tiến trình chính trị. Họ đại diện cho sự tươi mới của những nhà cải cách chính trị đất nước, và như một số người nói, họ là “mối thách thức” với tổ chức chính trị xưa cũ tồn tại lâu đời ở xứ anh đào.
"Sinh viên của Matsushita không có nền tảng thông thường nhưu các chính khách Nhật. Họ không là con của các thành viên nghị viện, cũng không phải là quan chức trong các bộ có tiếng như Bộ Xây dựng hay Nông nghiệp", Tsuneo Watanabe, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở Washington nói. “Một ngày nào đó, sinh viên Matsushita sẽ điều hành nước Nhật”, ông nhấn mạnh.
Konosuke Matsushita thành lập Học viện Matsushita không phải để quảng bá tủ lạnh, ti vi, máy tính, đồ điện tử gia dụng với khắp thế giới, mà để giúp những nam nữ thanh niên nuôi mộng theo đuổi sự nghiệp chính trị.
Phần lớn sinh viên Học viện, trong đó có Matsuzawa, tin tưởng rằng, vấn đề chính là việc làm thế nào để phát triển những tài năng lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng và đáng tin cậy kể cả khi không được biết tiếng rộng rãi. “Chúng tôi từng sử dụng sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo đi trước. Nhưng giờ đây, chúng tôi nhận thấy rằng, nếu muốn thay đổi, chúng tôi phải dựa vào chính bản thân mình”.
Một ngày bắt đầu ở ngôi trường bằng việc dọn dẹp ký túc xá, chạy trên bờ biển trước lúc ăn sáng và cùng đọc thuộc lòng nội quy Học viện. "Nó giống như một trường quân sự”, Matsuzawa nhớ lại. Khi còn sống, người sáng lập Matsushita cho dù ở độ tuổi 80 vẫn thường tới thăm trường, trò chuyện cùng sinh viên. Ông từng nói: “Chính trị là điều hành thực sự. Một chính phủ thành công phải là một ví dụ tiêu biểu của khả năng điều hành”.
-
Thụy Phương (tổng hợp)