Mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng

Cập nhật lúc 15:39, 23/08/2010 (GMT+7)

- Nhiều mái đầu bạc đã gặp lại nhau trong căn phòng nhỏ ở số 30 Hoàng Diệu - Hà Nội sáng nay (23/8) cùng ôn lại những kỷ niệm cũ về "anh Văn" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tham dự cuộc gặp mặt của những người từng làm việc trong Văn phòng Đại tướng còn có các nhà sử học và những người bạn thân thiết với gia đình.

Người dẫn đường

Là thư ký đảm trách giúp việc về khoa học, giáo dục cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời kỳ 1976 - 1989, đại tá Nguyễn Ngọc Thanh tha thiết mong lịch sử đánh giá đúng vai trò của Tướng Giáp đối với nền khoa học nước nhà.

Mô tả ảnh.
Tướng Giáp cùng các cộng sự nghỉ ngơi bên bờ suối. Ảnh tư liệu của Đại tá Nguyễn Huy Toàn

Ông Thanh nhớ lại, ngay khi Đại tướng được giao phụ trách khoa học, kỹ thuật, nhiều nhà khoa học, trong đó có GS Hoàng Tụy đã thẳng thắn bày tỏ băn khoăn, không hiểu rồi vị nguyên soái lẫy lừng trong quân đội có tiếp tục "lập chiến công" trên mặt trận khoa giáo mới hay không.

"Và rồi chỉ 5, 6 năm sau, nhiều người đã phải công nhận rằng, ở Đại tướng có tầm nhãn quan chiến lược về khoa học, qua những công văn, nghị quyết và ý kiến gửi lên Bộ Chính trị và Chính phủ, quyết sách về nhiều vấn đề quan trọng", ông Thanh nói.

Như nguyên Viện trưởng Viện năng lượng hạt nhân Đà Lạt Phạm Duy Hiển chia sẻ, chúng ta vẫn chưa đúc kết được công lao Đại tướng trong phát triển của khoa học, giáo dục nước nhà.

Không có điều kiện dự cuộc họp mặt, GS Hoàng Tụy gửi lời nhắn mong chuyển tới Đại tướng: "Tôi luôn nhớ lời hứa với Đại tướng là làm sao cho nền khoa học, giáo dục Việt Nam đạt tới đỉnh cao trí tuệ. Tôi sẽ phấn đấu nốt phần đời còn lại của mình cho mục tiêu này. Hiện tượng Ngô Bảo Châu khẳng định thành công của trí tuệ Việt Nam chứ không phải thành công của nền khoa học - giáo dục Việt Nam".

Với nhiều người, Tướng Giáp không chỉ "đóng đinh" trong huyền thoại ở vị trí người anh cả của quân đội mà với sự quan tâm, trăn trở cho vận nước, ông còn hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác của đời sống.

Thành viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương Lê Trọng Nghĩa run run xúc động: "Tôi vẫn thấy trong thời kỳ đấu tranh xây dựng đất nước hoà bình, đấu tranh cho tự do, dân chủ hiện nay hình ảnh anh Văn. Vẫn thật cao quý, đáng trân trọng. Vị tướng kiệt xuất của quân đội, giờ đây vẫn đang đứng cạnh chúng ta trong cuộc đấu tranh mới xây dựng tự do, dân chủ".

Nhà thơ Việt Phương nói với sang: "Không chỉ đứng cùng chúng ta mà vẫn dẫn đường chúng ta".

"Người có công với Hoàng thành Thăng Long"

Câu chuyện miên man không dứt khi nhà sử học Phan Huy Lê kể lại những "duyên nợ" của Tướng Giáp - Chủ tịch danh dự Hội sử học Việt Nam - với những người làm sử.

Mô tả ảnh.
GS Phan Huy Lê: "Ông là vị tướng hiếm hoi không chỉ có binh nghiệp lừng lẫy mà còn soạn binh thư hiện đại"

"Cả thế giới đều nói ông đã đi vào lịch sử bằng tài năng nhân cách, thiên tài quân sự, nhà văn hóa lớn. Nhưng tôi muốn nói ở khía cạnh sử học, hiếm có vị tướng nào trên thế giới vừa có binh nghiệp lẫy lừng vừa soạn được những cuốn binh thư hiện đại, tổng kết về lý luận", ông Phan Huy Lê khẳng định.

Vị tướng huyền thoại, trong suốt quá trình chỉ huy cuộc kháng chiến đã vừa làm sử, tham gia vào lịch sử lại vừa viết sử, những trang sử sống động.

Theo GS Phan Huy Lê, lịch sử quân sự Việt Nam chỉ có hai pho "binh thư", của Trần Quốc Tuấn và Võ Nguyên Giáp.

Theo tin từ Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiều nay, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tới mừng thọ Đại tướng.
Cũng theo ông Lê, với tác phong, tư duy chiến lược, Đại tướng đã có nhiều cống hiến lớn lao cho nền sử học Việt Nam, với nhiều ý kiến xác đáng giúp các nhà sử học biên soạn sách về lịch sử chống ngoại xâm, các trường phái quân sự Việt Nam, về Nguyễn Trãi...

Một kỷ niệm đáng nhớ về tác phong nghiêm ngặt, chuẩn mực của ông, đó là khi ý kiến "chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm đã có từ thời Trần" gây tranh cãi, thì Đại tướng đề nghị các nhà sử học phải đi tìm cứ liệu để chứng minh.

Quả thật, các sử gia đã tìm được từ "dân binh" được dùng dưới thời nhà Trần, để nói về lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tướng cũng đề nghị những người làm sử phải tìm trong ngôn ngữ từng thời kỳ để thấy nghệ thuật quân sự, vai trò của người dân trong các cuộc chiến tranh.

Ông cũng không hài lòng việc các dịch giả diễn giải chữ "manh lệ" (dân cày, tôi tớ, nô lệ) trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi thành chữ "dân nghèo". Bởi chữ dân nghèo không nói hết được sự tham gia của người dân. Tướng Giáp cũng đưa ra nhiều kiến nghị mong vực dậy nền sử học nước nhà.

GS Phan Huy Lê cũng tin tưởng rằng vị tướng huyền thoại sẽ không thể không tham gia Đại lễ 1.000 năm Thăng Long sắp tới đây. Bởi, ông là người có công lao cực kỳ lớn trong bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, ở giai đoạn đầu tiên khó khăn nhất để giữ gìn di sản, từ đó mới có căn cứ lập hồ sơ.

Theo ông Phan Huy Lê, "Đại tướng vẫn quan tâm tới các vấn đề thời sự, tới vận mệnh dân tộc, di sản văn hóa dân tộc".

Ngoài lẵng hoa tươi, Hội Sử học cũng gửi tặng gia đình Đại tướng cuốn sách viết về 59 vị nguyên soái huyền thoại trong lịch sử 2.500 năm của thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người Việt Nam duy nhất, cũng là người duy nhất còn sống có mặt trong cuốn sách này.

Mô tả ảnh.
Phu nhân Đại tướng (bên phải) rưng rưng: "Gặp lại các anh hôm nay, tôi như thấy lại các thời đại"

Mô tả ảnh.
Ông Dương Trung Quốc thay mặt Hội sử học tặng gia đình cuốn sách về 59 vị tướng huyền thoại

Mô tả ảnh.
Ông Phạm Khắc Lãm (phải) kể về một quyết định lui quân của Tướng Giáp: "Một vị tướng hô tiến công khi xông lên không quan trọng bằng một vị tướng hô rút quân khi thấy quân có thể tổn thất lớn. Đó là lòng thương người"

Mô tả ảnh.
Đại tá Nguyễn Huy Toàn tặng lại gia đình Đại tướng bức ảnh Đại tướng bên bờ suối

  • Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng

Ý kiến của bạn

Các tin khác