Không hạn chế lượng nhà sở hữu trong nước của kiều bào

Cập nhật lúc 22:25, 03/08/2010 (GMT+7)

- Từ ngày 8/8 tới, sẽ chính thức thực hiện quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở như người Việt Nam trong nước, không hạn chế về số lượng nếu còn giữ quốc tịch Việt Nam.

Trên đây là một trong những nội dung thuộc Nghị định số 71 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, phần liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 8/8 tới.

Nghị định đã bổ sung, sửa đổi và làm rõ nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là mở rộng đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và quy định rõ về điều kiện để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Mô tả ảnh.
Mở rộng đối tượng kiều bào được sở hữu nhà tại Việt Nam

Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở như người Việt Nam trong nước không hạn chế về số lượng nếu còn giữ quốc tịch Việt Nam bao gồm người mang hộ chiếu Việt Nam và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam).

Một đối tượng cũng được sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng, đó là người gốc Việt Nam thuộc các diện: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

Đối tượng chỉ được sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc 1 căn hộ chung cư tại Việt Nam là người có gốc Việt Nam nhưng không thuộc các diện nêu trên và có giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Một điểm đáng chú ý, đó là người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hầu hết các quyền như người Việt Nam ở trong nước (kể cả cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở thương mại đối với những khu vực được phép bán nền), nhưng không có quyền bảo lãnh và góp vốn.

Cách nào chứng minh nguồn gốc quốc tịch?

Mô tả ảnh.
Nghị định 71 hướng dẫn cụ thể quy định về giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Theo đó, đối với người mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị kèm theo sổ tạm trú hoặc xác nhận đăng ký tạm trú của công an phường, xã nơi người đó cư trú.

Đối với công dân Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài thì hộ chiếu nước ngoài phải còn hạn, kèm theo giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam và thẻ tạm trú hoặc dấu đóng vào hộ chiếu chứng nhận được tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.

Đối với người gốc Việt Nam thuộc diện được sở hữu nhiều nhà ở tại Việt Nam thì hộ chiếu nước ngoài còn hạn kèm theo giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, giấy tờ chứng minh thuộc diện được sở hữu nhiều nhà ở (như giấy chứng nhận đầu tư, người có công, nhà văn hóa – khoa học, người có kỹ năng đặc biệt, người kết hôn với công dân Việt Nam trong nước) và có thẻ tạm trú hoặc dấu đóng vào hộ chiếu chứng nhận được tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.

Đối với người gốc Việt Nam thuộc diện chỉ được sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc 1 căn hộ chung cư tại Việt Nam thì hộ chiếu nước ngoài còn hạn kèm theo giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, giấy miễn thị thực và thẻ tạm trú hoặc dấu đóng vào hộ chiếu chứng nhận được tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.

  • X.Linh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác