Sắp có Luật phòng, chống mua bán người
- Hội Luật gia Việt Nam hôm nay (6/7) tổ chức góp ý dự thảo Luật phòng, chống mua bán người do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện. Các ý kiến vẫn băn khoăn xung quanh việc xác định khái niệm “nạn nhân” mua bán người, khi dự thảo luật chỉ giới hạn điều chỉnh “nạn nhân trong vụ án”.
Lào Cai - một trong những tỉnh biên giới xảy ra mua bán người. Ảnh minh họa: LAD |
Thậm chí đã phát hiện một số vụ mua bán đàn ông ở Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn. Nạn nhân bị bán cho các chủ lò gạch, khai thác quặng tại Trung Quốc. Trong thực tế cũng đã xuất hiện một số đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng cho các bệnh viện tư, khiến nạn nhân bị tử vong.
Thực trạng mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em được nhận định diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng, tính chất, quy mô và thủ đoạn ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia.
“Nạn nhân mua bán người” là ai?
Dự thảo luật quy định “nạn nhân là người được cơ quan có thẩm quyền xác định bị mua bán trong vụ án mua bán người”.
Nạn nhân này phải có một trong những giấy tờ “chứng minh” như giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác nhận người đó là người bị hại trong vụ án mua bán người, bản kết luận của cơ quan điều tra, cáo trạng của viện kiểm sát, bản án, quyết định của tòa án, hay giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam chứng nhận lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân.
Góp ý về điều này, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho rằng "chỉ xác định nạn nhân giới hạn ở các vụ án mua bán người thì quá hẹp". Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Lê Minh Tâm cũng đồng tình bởi những người được cho là nạn nhân không chính thức theo vụ án lớn hơn rất nhiều và cũng cần được hỗ trợ.
Một báo cáo cho thấy khoảng 60% nạn nhân khi giải thoát trở về được nhận diện và thừa nhận là nạn nhân, trong khi số nạn nhân chính thức theo vụ án chỉ là 15%. Cụ thể, tính đến tháng 5/2010 số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về là 3.190 trường hợp, trong số đó 60% nạn nhân tự trở về, 25% được giải cứu, 15% tiếp nhận chính thức.
Theo dự thảo luật, các nạn nhân sẽ được hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu như chỗ ở tạm thời, ăn, mặc và các vật dụng cá nhân cần thiết khác. Nếu có nguyện vọng trở về địa phương thì được hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường. Ngoài ra sẽ được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh, hỗ trợ tâm lý, trợ giúp pháp lý. Nạn nhân khi trở về địa phương nếu thuộc hộ nghèo hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu…
Siết hoạt động đưa người đi lao động
Các hoạt động, dịch vụ như cho, nhận con nuôi, hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, dịch vụ văn hóa, du lịch và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để mua bán người sẽ được siết chặt hơn nhằm tránh xảy ra khả năng mua bán người.
Đây là một trong những biện pháp phòng, chống mua bán người. Dự thảo cũng đề ra nhiều biện pháp khác như trang thiết bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo, nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các cửa khẩu, quản lý chặt chẽ công tác cấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh.…
Cũng theo dự thảo luật, nếu người đến khai báo về việc mình là nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về, UBND cấp xã là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết.
Sau khi tiếp nhận, nếu người đó có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú, thì UBND xã hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường. Trường hợp họ không có nơi cư trú, thì làm thủ tục chuyển giao người đó cho cơ sở bảo trợ xã hội...
-
X.Linh