"Mỹ có thể đóng vai trò tích cực ở Biển Đông"
- Bên lề Hội thảo kỉ niệm 15 năm quan hệ Việt - Mỹ, Thượng nghị sĩ Jim Webb nói ông “muốn Việt Nam cảm thấy thoải mái với việc Mỹ thực sự là đối tác khu vực. Mỹ có thể đóng vai tích cực trong vấn đề Biển Đông và sông Mekong”.
Một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của Mỹ
20 năm kể từ lần đầu trở lại năm 1991, hầu như năm nào Thượng nghị sĩ Jim Webb cũng đưa việc thăm Việt Nam vào danh sách lịch trình công việc dày đặc của ông.
Qua những sự gặp gỡ đó, hai bên hiểu nhau nhiều hơn, hiểu sự khác biệt của nhau. Và mỗi bên đều hiểu mối quan tâm của nước kia đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với nhau.
“Cho rằng quan hệ với Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của nước Mỹ trên thế giới, tôi đã dành gần trọn sự nghiệp của mình để thúc đẩy mối quan hệ này, để hai nước thực sự là đối tác”, TNS Jim Webb trò chuyện bên lề Hội thảo kỉ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đang diễn ra tại Hà Nội.
Trao đổi bên lề Hội thảo. Trong ảnh, từ trái sang: Đại sứ Mỹ Michael Michalak, TNS Jim Webb, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, GĐ Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng. Ảnh: P.Loan
Trước đó, phát biểu tại Hội thảo, TNS Jim Webb dẫn lại đánh giá được đưa ra năm 1964, rằng quan hệ Việt – Mỹ sẽ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của Mỹ trong tương lai.
Đáng tiếc, cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã khiến nhận định đó không trở thành hiện thực.
Cuộc chiến tranh và hậu quả của nó ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Sau cuộc chiến, Việt Nam phải lo vấn đề trong nước, thiết lập sự quản lý để duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế, giải quyết hậu quả còn sót lại của chiến tranh và xây dựng uy tín quốc tế... Nước Mỹ cũng phải đối mặt với sự chia rẽ bên trong lòng nước Mỹ do cuộc chiến tại Việt Nam gây ra, và người Mỹ vẫn còn tranh luận về nó.
Khoảng 2 triệu người gốc Việt tại Mỹ đã nỗ lực xây dựng cuộc sống mới, tái thiết mối liên hệ với Việt Nam.
TNS Jim Webb tâm sự, vợ ông, một phụ nữ gốc Việt là một điển hình cho nhiều người Việt ở nước ngoài. Cô đã rời miền Bắc năm 1954 vào Nam để rồi năm 1975, rời Vũng Tàu qua Mỹ. Cô đã phải đấu tranh để xây dựng cuộc sống mới, được học ở một trong những ngôi trường ĐH tốt nhất của Mỹ và sau đó, giống như nhiều người gốc Việt khác, nỗ lực để kết nối trở lại với quê hương.
Hai bên đã nỗ lực để vượt qua quá khứ, vượt qua những hệ quả của cuộc chiến...
Hiện nay, quan hệ hai nước cũng đối mặt với nhiều thách thức: sự khác biệt về hệ thống, không thống nhất về một số vấn đề… Tuy nhiên, TNS Jim Webb kì vọng, "một trong 4-5 mối quan hệ quan trọng nhất thế giới của Mỹ" sẽ là ghi nhận của mối quan hệ Việt – Mỹ của 15 năm tiếp theo.
Muốn Việt Nam tin Mỹ trong giữ ổn định khu vực
Nhìn lại 15 năm qua, ông cho rằng, hai nước đã chứng kiến sự phát triển ấn tượng của quan hệ song phương Việt - Mỹ. Chính phủ Mỹ nhìn nhận rất tích cực về mối quan hệ này.
"Mỹ đang nhìn Việt Nam như một thực thể có ảnh hưởng ở khu vực, được chứng minh bằng vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong ASEAN, APEC, WTO và vai trò quan trọng ở LHQ".
Đi khắp các nước trong khu vực, TNS Jim Webb nhận thấy, "các nước đều ghi nhận Việt Nam giữ vị trí rất quan trọng để duy trì ổn định khu vực, cân bằng giữa Mỹ và các nước khác trong khu vực.
Ông tin tưởng, “quan hệ tốt đẹp giữa hai nước góp phần duy trì ổn định ở khu vực”.
“Hai nước đã đi đến nhận ra tầm quan trọng của việc hợp tác với nhau trong việc xử lý các thách thức khu vực như vấn đề trên Biển Đông, vấn đề xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mekong…” TNS Jim Webb phát biểu tại Hội thảo.
Trao đổi bên lề sau đó, ông nói thêm, lãnh đạo Việt Nam hiểu mức độ nghiêm trọng (seriousness) của vấn đề trên Biển Đông.
"Tôi mong muốn Việt Nam cảm thấy thoải mái với việc Mỹ thực sự là đối tác khu vực, một đối tác rất quan trọng để duy trì ổn định khu vực”.
“Đó cũng là vấn đề lòng tin”, ông nói, và đoan chắc “đối với việc xử lý vấn đề Biển Đông hay sông Mekong, Mỹ có thể đóng vai trò tích cực”.
- Phương Loan