Khẩu chiến Mỹ - Triều tại Diễn đàn An ninh khu vực

Cập nhật lúc 22:09, 23/07/2010 (GMT+7)

- Tại Hà Nội, Mỹ muốn CHDCND Triều Tiên "thay đổi hành vi" còn Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đáp trả bằng hành động cứng rắn với việc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc.

“Khẩu chiến” là cách mà tờ Guardian của Anh mô tả về những gì diễn ra giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên tại Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) dù hai đoàn không hề có cuộc tiếp xúc trực tiếp nào.

Ngay trước khi tới Hà Nội, tại Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố sẵn sàng ngồi lại với người đồng nhiệm CHDCND Triều Tiên với điều kiện nước này cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố sẵn sàng ngồi lại với người đồng nhiệm CHDCND Triều Tiên với điều kiện nước này cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong cuộc họp báo đầu tiên tại Hà Nội trưa 22/7, bà Clinton cũng bày tỏ quan ngại về mối quan hệ quân sự giữa Triều Tiên và Myanmar. Bà khẳng định: Mỹ có bằng chứng về việc một tàu chở các nguyên liệu hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên đã được chuyển tới Myanmar. Bà cũng dẫn lại một báo cáo cho rằng hai nước Myanmar và Triều Tiên đang có trao đổi về công nghệ hạt nhân.

Trong bài phát biểu trước các Ngoại trưởng ASEAN và các nước đối tác đối thoại sáng 23/7, Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích CHDCND Triều Tiên “đang trong chiến dịch của một loạt các hành động nguy hiểm và mang tính khiêu khích”.

Phía Mỹ cho rằng, việc chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc chính là một trong các bằng chứng của hành vi mang tính khiêu khích.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, “giải pháp hòa bình cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể có được một khi CHDCND Triều Tiên thay đổi hoàn toàn hành vi của mình”.

Theo đó, CHDCND Triều Tiên phải thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa đã được đưa ra trong tuyên bố chung tháng 9/2005, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm các nghị quyết của HĐBA Liên hợp quốc, từ bỏ các hành động khiêu khích và tiến hành việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.

Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các thành viên ARF thực hiện trừng phạt CHDCND Triều Tiên một cách đầy đủ và minh bạch.

Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên đã nhiều lần khẳng định không đánh chìm tàu Cheonan.

Trả lời báo chí bên lề Hội nghị ARF trưa 23/7, người phát ngôn của CHDCND Triều Tiên, ông Ri Tong-il, lên tiếng chỉ trích về việc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc tại biển Nhật Bản cuối tuần tới.

Theo người phát ngôn CHDCND Triều Tiên, đó là một "dấu hiệu của thái độ thù địch của Mỹ”.

“Đó là mối đe dọa với bán đảo Triều Tiên và khu vực châu Á nói chung”, ông Ri Tong-il nói.

"Đây không còn là thế kỷ 19 với chính sách súng ống nữa. Đây là thế kỷ mới và các nước châu Á cần hòa bình và phát triển. CHDCND Triều Tiên cũng đang nỗ lực vì điều đó", ông Ri Tong-il nói.

Người phát ngôn CHDCND Triều Tiên cũng tuyên bố “sẵn sàng sử dụng các biện pháp đáp trả cứng rắn”.

Mô tả ảnh.
Người phát ngôn của CHDCND Triều Tiên Ri Tong-il trong vòng vây báo giới. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Chiều 23/7, trong cuộc họp báo kết thúc chuyến công du hai ngày tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton một lần nữa nhắc lại “vấn đề trên bán đảo Triều Tiên rất nghiêm trọng, không chỉ ở khu vực Đông Bắc Á mà với thế giới”.

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, việc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc là một sự khẳng định cam kết ủng hộ về mặt quân sự của Mỹ với Hàn Quốc trong nhiều năm, và Mỹ sẽ tiếp tục làm việc này.

Bà Hillary Clinton cũng khẳng định, điều Mỹ muốn “không phải là đe dọa CHDCND Triều Tiên” mà là muốn “trao cơ hội” cho nước này.

“Cánh cửa vẫn để ngỏ cho CHDCND Triều Tiên”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

“Mỹ sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại tiến tới bình thường hóa, viện trợ kinh tế, giúp đỡ CHDCND Triều Tiên… Tôi - Ngoại trưởng Mỹ sẵn sàng ngồi lại với người đồng nhiệm CHDCND Triều Tiên”, nhưng với điều kiện nước này “cam kết như đã làm cách đây 5 năm: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

“Mỹ sẵn sàng trao cơ hội phát triển cho CHDCND Triều Tiên giống như đã làm với Hàn Quốc 60 năm trước”, bà Hillary Clinton nói.

Trong khi Mỹ và CHDCND Triều Tiên khẩu chiến, các nước thành viên ASEAN và đối tác đối thoại tiếp tục “kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và nỗ lực giải quyết hòa bình các khác biệt” và mong các bên “sớm nối lại đàm phán sáu bên nhằm mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vì hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực”.

  • Phương Loan

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác