Đường sắt cao tốc: Chính phủ - Quốc hội không "lệch pha"

Cập nhật lúc 11:22, 20/07/2010 (GMT+7)

- Phát biểu tại phiên họp đánh giá kết quả kỳ họp Quốc hội thứ 7 sáng nay (20/7), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói, chuyện tạm dừng đường sắt cao tốc là để Chính phủ chuẩn bị kỹ hơn, không có sự khác nhau trong quan điểm của Chính phủ với Quốc hội như dư luận nói.

>> Nóng bỏng nghị trường
>> "Siêu dự án" và trách nhiệm Quốc hội

Việc Quốc hội chưa thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vẫn tiếp tục được hầu hết ủy viên Ủy ban Thường vụ QH dẫn lại như một ví dụ về bước tiến dân chủ trong Quốc hội.

Lắng nghe lẫn nhau

Như đánh giá tổng kết của Văn phòng Quốc hội, đường sắt cao tốc là dự án lớn, có tác động nhiều mặt, được cử tri và xã hội đặc biệt quan tâm.

Ảnh: Lê Anh Dũng
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng: Câu chuyện đường sắt cao tốc để lại kinh nghiệm quý

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ các báo cáo và tờ trình của Chính phủ, lắng nghe ý kiến cử tri, dư luận xã hội, Quốc hội đã thảo luận, xem xét, cân nhắc thận trọng, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về giao thông trong cả nước cũng như từng vùng, hệ thống giao thông Bắc - Nam.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình và Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha bổ sung, việc Quốc hội không thông qua dự án đường sắt "đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước quốc dân đồng bào".

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng cho rằng, câu chuyện đường sắt cao tốc để lại một kinh nghiệm quý cho Thường vụ QH. Vai trò của Đảng đoàn QH đã được phát huy tối đa, thể hiện ở cách làm thận trọng, từ khâu lấy phiếu thăm dò cho đến biểu quyết tại Hội trường.

"Chúng tôi rất mừng khi thấy HĐND Hà Nội vừa qua đã đổi tên đường Láng - Hòa Lạc thành Đại lộ Thăng Long. Như vậy có nghĩa sẽ không còn trục Thăng Long như dự kiến trong đồ án quy hoạch Thủ đô".

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Nguyễn Văn Pha

Đại diện cho Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các bộ, ngành sẽ nghiên cứu kỹ, đặc biệt là xử lý chuyện nguồn vốn trong bối cảnh nợ công tăng. Chính phủ sẽ tiếp tục trình dự án vào thời điểm thích hợp.

Liên quan đến những đồn thổi trong dư luận về "mâu thuẫn" giữa Quốc hội và Chính phủ sau khi tạm dừng dự án đường sắt cao tốc, ông Nguyễn Xuân Phúc giải thích, không phải vấn đề nào Chính phủ đưa ra Quốc hội cũng thông qua 100%. Chính phủ ý thức được tầm quan trọng của các dự án lớn và đưa ra để lắng nghe Quốc hội.

"Vai trò Quốc hội và Chính phủ đều được nâng lên, lắng nghe lẫn nhau, tư duy tốt, xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam và quyền lực Quốc hội được khẳng định", ông Phúc nói.

Chưa hài lòng với Phó Thủ tướng

"Ấn tượng" là từ mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dùng để tổng kết kỳ họp thứ 7.

Như đánh giá của các ủy viên Thường vụ Quốc hội, rất nhiều đại biểu thể hiện "độ chín" bản lĩnh, trí tuệ. Nhiều lãnh đạo địa phương đã phát biểu mà không ngại va chạm. Nhưng cũng có không ít "hạt sạn" được nhắc tới, như thái độ trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, sự gay gắt không cần thiết của một số đại biểu.

Ảnh: Lê Anh Dũng
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình

Chẳng hạn, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình, cử tri không hiểu sao có mặt Thủ tướng song Phó Thủ tướng thường trực lại được cử thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Ông Bình góp ý "cử tri cho rằng Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội mà như đang triển khai Nghị quyết Chính phủ".

Phần trả lời của Phó Thủ tướng về đường sắt cao tốc (khẳng định Việt Nam chắc chắn phải làm đường sắt cao tốc - PV) cũng như về công tác cán bộ (bỏ phiếu tín nhiệm thì mất hết cán bộ, bầu không kịp - PV) cũng khiến dư luận chưa hài lòng. "Phó Thủ tướng trả lời như vậy cũng là cách làm mất đi một số phiếu tán thành xây đường sắt cao tốc", ông Bình nói.

Mô tả ảnh.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (trái)

Ông Lê Quang Bình cũng phàn nàn việc Phó Thủ tướng đối thoại trên nghị trường bằng giọng cấp trên với cấp dưới.

"Từng cá nhân, đứng về cấp hành chính thì có thể là cấp dưới của Phó Thủ tướng chứ tập thể gần 500 đại biểu không phải là cấp dưới", ông Bình góp ý.

Đáp lại băn khoăn của ông Bình, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói, theo Luật tổ chức chính phủ thì Thủ tướng có thể ủy quyền cho Phó Thủ tướng thường trực giải quyết một số vấn đề. Theo thông lệ nhiều năm nay, ông Nguyễn Sinh Hùng vẫn được "mặc định" thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội giữa năm.

Trước phản ánh của ông Bình về cách nói, phong thái, ngôn ngữ của Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc giải thích: "Tôi không muốn bênh vực Phó Thủ tướng nhưng đó cũng là cách dùng các từ ngữ địa phương".

  • Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng

Ý kiến của bạn

Các tin khác