Chuyển hồ sơ Vinashin sang điều tra hình sự

Cập nhật lúc 18:35, 12/07/2010 (GMT+7)

Do những khuyết điểm của Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình và một số cá nhân của Tập đoàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét xử lý.

>> Phó Thủ tướng: ’Nuôi quân ba năm, dùng một giờ’
>> Tái cơ cấu hay "giải cứu" Vinashin?
>> Chặn bình thông nhau

Mô tả ảnh.

Ông Phạm Thanh Bình, người từng tuyên bố công nghiệp nặng là khu vực chậm hoàn vốn, lợi nhuận không cao, lại không khai thác tài nguyên nên Vinashin phải được kinh doanh đa ngành để "lấy ngắn nuôi dài".

Hôm nay (12/7), Ủy ban Kiểm tra Trung ương có văn bản thông báo tiếp tục xem xét, xử lý đối với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) Phạm Thanh Bình.

Tại
kỳ họp thứ 32, sau khi nghe báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Phạm Thanh Bình đã có thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động Vinashin.

Cụ thể, ông Bình thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước cấp, cho vay hoặc bảo lãnh cho vay khi thực hiện các dự án nâng cao năng lực, nâng cấp và xây dựng mới các khu công nghiệp, nhà máy đóng tàu; đầu tư mua sắm nhiều tàu cũ, tàu không thích hợp trong vận tải biển dẫn đến thua lỗ, gây hậu quả nghiêm trọng khiến Tập đoàn không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và quá hạn.

Ông Bình đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt và tổ chức đấu thầu các dự án do Tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư.

Chủ tịch Vinashin đã thành lập nhiều đơn vị thành viên, công ty cổ phần không đủ năng lực tài chính, kinh doanh; bổ nhiệm, cử con trai, em trai làm đại diện phần vốn của Nhà nước và giữ nhiều cương vị trái quy định của Đảng, Nhà nước.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình là "do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội".

Trong nhiều năm qua, Tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Hậu quả của những khuyết điểm, vi phạm của ông Bình dẫn đến Vinashin có nguy cơ phá sản, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Mô tả ảnh.

Những thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm của ông Phạm Thanh Bình nghiêm trọng đến mức phải có hình thức kỷ luật. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành xem xét hình thức kỷ luật theo quy trình.

Do những khuyết điểm của Chủ tịch Vinashin và một số cá nhân của Tập đoàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Ủy ban quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định tại khoản 1, điều 32, Quyết định số 25-QĐ/TW, ngày 24/11/2006 của Bộ Chính trị: “Nếu đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý bằng pháp luật thì chuyển cơ quan pháp luật xem xét”.

Tháng 5/2006, Chính phủ đồng ý phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Tập đoàn này được hình thành trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, với công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính.

Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam là công ty nhà nước có chức năng đầu tư tài chính vào các DN khác, giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, công nghệ, thương hiệu, thị trường; tổ chức sản xuất kinh doanh những ngành nghề chính của Tập đoàn.

Cách đây 2 năm, Vinashin đã đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản tổng cộng 3.323 tỷ đồng để "lấy ngắn nuôi dài".

Tuy nhiên, tháng 4/2008, tại hội nghị sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước, ông Phạm Thanh Bình khẳng định đầu tư ra những lĩnh vực này "không đáng là bao", đồng thời cảnh báo việc Chính phủ tạm dừng, không bổ sung vốn cho các tập đoàn kinh tế sẽ là "thảm họa trong tương lai".

Ngày 18/6/2010, Thủ tướng có quyết định tái cơ cấu Vinashin, trong đó chuyển 12 công ty con về Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải VN.

Đến lúc này, tổng tài sản của Vinashin ở mức trên 90.000 tỷ đồng, vay nợ lên tới hơn 80.000 tỷ.

  • PV - TTXVN

Ý kiến của bạn

Các tin khác