WB khuyến cáo nguy cơ "nhóm lợi ích" của siêu dự án
- "Nếu các tập đoàn kinh tế lớn có vai trò mà ta gọi là "vị thế nhà nước", họ sẽ có nhiều quyền lực đến độ có thể tạo ra ảnh hưởng cho những chính sách của chính phủ. Rồi sau đó, chính phủ có thể sẽ đứng về các nhóm lợi ích thay vì lợi ích của nhân dân"... Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama trả lời câu hỏi liên quan đến dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
>> "Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội
Hôm nay (10/6), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) ra một thông cáo báo chí nhằm "nói lại cho rõ" quan điểm của WB về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong một cuộc họp báo gần đây và bị một tờ báo điện tử trích dẫn sai nội dung.
Nội dung mà WB cho là không đúng, đó là tờ báo điện tử này khi trích dẫn lời ông Martin Rama cho rằng Việt Nam có thể "trèo cao ngã đau" đối với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cùng một số trích dẫn không đầy đủ khác.
Với phần trả lời có sự liên quan, so sánh với trường hợp của các nước khác khá thú vị của ông Martin Rama, VietNamNet giới thiệu bạn đọc câu trả lời này.
Quá lớn có thể đưa đến rủi ro
Câu hỏi của phóng viên đặt ra: "Liệu các siêu dự án sẽ làm tăng nợ công của Việt Nam hay không và WB có khuyến cáo gì cho chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện những siêu dự án này? Một ý nữa liên quan đến dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam hiện đang được thảo luận tại Quốc hội… Những dự án như thế này đòi hỏi số vốn lớn và thời gian hồi vốn lâu, vậy ông có đánh giá như thế nào về việc Việt Nam dự định thực hiện dự án với số vốn lớn như vậy và nguồn vay chưa được rõ ràng?".
Ông Martin Rama trả lời: Chúng tôi không có ý kiến phản đối nào đối với dự án đường sắt cao tốc. Nếu bạn nhìn vào lịch sử của Ngân hàng Thế giới, một trong những nước vay tiền đầu tiên là Nhật Bản, giờ đây là một nước công nghiệp. Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ vốn cho Nhật Bản xây dựng đường sắt cao tốc. Đó là một phần trong khoản vay của Ngân hàng Thế giới.
Hiện nay, Ngân hàng Thế giới cân nhắc đối với những dự án đường sắt cao tốc ở Brazil. Nói vậy không nghĩa rằng chúng tôi cho rằng dự án đường sắt cao tốc của Việt Nam là một ý tưởng hay. Nhưng về nguyên tắc, WB không có gì phản đối điều này cả. Giống như các dự án khác, chính phủ nên cân nhắc giữa chi phí và lợi ích.
Trong trường hợp của Việt Nam, dự án đường sắt cao tốc nằm trong xu thế triển khai các siêu dự án. Và tôi nghĩ rằng khi chúng ta nói đến “tái cấu trúc kinh tế” thì đây là một trong những câu hỏi chính mà Việt Nam phải cân nhắc.
Việt Nam đang xem xét các siêu dự án, điều này có những cái hay nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam hiện đang tập trung phát triển các tập đoàn kinh tế, những ông lớn có thể trở thành những người chơi vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, khi bạn có cái gì quá lớn thì nó cũng đưa đến những rủi ro nhất định.
"Việt Nam cần rất nhiều cơ sở hạ tầng và các dự án lớn. Tuy nhiên không thể làm tất cả mọi thứ cùng một lúc và VN buộc phải lựa chọn". |
Nếu bạn nhìn vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ở khía cạnh nào đó, nó bắt đầu bởi vì có những tổ chức tài chính “quá lớn để có thể thất bại”, và họ đã tận dụng ưu thế đó. Vì vậy, các tổ chức kinh tế lớn sẽ mang đến rủi ro khi họ đóng vai trò lớn. Khi đóng vai trò lớn, họ thường có nhiều quyền lực.
Vì vậy, nếu các tổ chức kinh tế lớn có vai trò mà ta gọi là “vị thế nhà nước”, họ sẽ có nhiều quyền lực đến độ có thể tạo ra ảnh hưởng cho những chính sách của chính phủ. Rồi sau đó, chính phủ có thể sẽ đứng về lợi ích của các nhóm thay vì lợi ích của nhân dân. Các nước như Hàn Quốc đã lựa chọn cách đứng về các nhóm lợi ích, như chaebols là ví dụ. Do vậy, cuộc khủng hoảng châu Á là một phần của cuộc khủng hoảng để giải quyết các nhóm lợi ích như thế nào.
Chuyện tương tự xảy ra đối với các dự án đầu tư lớn. Chắc chắn Việt Nam cần rất nhiều cơ sở hạ tầng và các dự án lớn. Tuy nhiên không thể làm tất cả mọi thứ cùng một lúc và Việt Nam buộc phải lựa chọn.
Tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và rất khó đối với các nhà kinh tế để đánh giá hiệu quả của những dự án lớn kiểu này. Khi đường sắt cao tốc được xây dựng ở châu Âu, đó là những nền kinh tế đã phát triển. Bạn chỉ bổ sung thêm vài thứ mà thôi. Khi thực hiện siêu dự án ở Việt Nam, bạn sẽ chẳng biết được rõ chuyện gì sẽ xảy ra.
Hãy nhớ tới dự án lọc dầu Dung Quất. Dung Quất được coi là đòn bẩy của phát triển nhưng Dung Quất không phải là “địa điểm tốt” để đặt nhà máy lọc dầu. Nhà máy lọc dầu nên được đặt ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu vẫn được đặt ở Dung Quất bởi vì quyết định có mục đích rằng nơi này sẽ tạo ra một đòn bẩy cho sự phát triển. Và với những điều như vậy, bạn sẽ chẳng bao giờ biết liệu đòn bẩy có hoạt động hay không. Thật khó để có thể nói trước được.
Lịch sử phát triển kinh tế có đầy những dự án “voi giấy” của nỗ lực tạo ra các thủ đô ở những khu vực xa xôi hẻo lánh cũng với hy vọng các dự án đó sẽ tạo phát triển như ở khu vực trung tâm. Một số trong các dự án này chẳng đi đến đâu cả. Các bạn hãy nhớ đến thủ đô Yamousoukro ở Bờ Biển Ngà. Bạn chưa bao giờ nghe đến Yamousoukro như là một đòn bẩy phát triển.
Một số các dự án lại có thể hoạt động tốt. Nhưng thật khó để nói điều gì sẽ xảy ra đối với những siêu dự án như vậy ở Việt Nam. Bởi vì cho đến khi nào mà Việt Nam vẫn chưa kết nối được với nhiều tàu hơn, nhiều đường cao tốc hơn...thì khi đó Việt Nam vẫn còn xa mới đạt đến hạ tầng giao thông tốt. Vì vậy, khó mà có thể nói chắc chắn rằng đây là khoản đầu tư tốt trong 20 năm nữa.
Tôi cho rằng Việt Nam vẫn đang có nhu cầu phát triển ngành đường sắt. Bởi vì Việt Nam là một đất nước luôn xảy ra tình trạng tắc đường, một nước đông dân cư... nhưng điều này không có nghĩa là cần dự án đường sắt cao tốc và tàu chở khách cao tốc. Hiện tại, vẫn chưa thể chạy quá 25 chuyến tàu một ngày giữa Hà Nội - TP.HCM. Dùng đường sắt vận chuyển hàng hóa để giảm tải cho đường bộ có thể là một ý kiến hay.
Vì vậy, có rất nhiều thứ cần làm với ngành đường sắt. Nhưng có nhất thiết phải là đường sắt cao tốc không? Tôi không phải là một chuyên gia về giao thông… nhưng tôi rất muốn được xem cuộc thảo luận trực tiếp của Quốc hội về vấn đề này. Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu tốt để biết rằng mọi vấn đề được quyết định giải quyết như thế nào.
Bây giờ, điều này không có nghĩa là nếu hôm nay Việt Nam quyết định dự án đường sắt cao tốc thì ngày mai sẽ vay được 56 tỷ USD. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Chiến lược nợ chính là một phần của chiến lược kinh tế - xã hội 5 năm tới mà Đại hội Đảng phải bàn thảo, ra nghị quyết, sau đó Bộ Tài chính thực hiện. Nợ sẽ chiếm bao nhiêu % GDP? Đến điểm nào thì Việt Nam không nên vay nợ nữa? Vay xen kẽ dài hạn, ngắn hạn như thế nào? Xen kẽ các loại đồng tiền nào? Tất cả những điều này sẽ là khởi nguồn cho quá trình ra các chính sách.
Tôi đã được hỏi về tài chính, tuy nhiên một vấn đề tách biệt lại là chất lượng đầu tư. Nó trở thành một câu hỏi khó và một trong những điều này thì không dễ gì có được câu trả lời thẳng thắn. Tại thời điểm hiện tại, Ngân hàng Thế giới không có dự định, kế hoạch nào liên quan đến dự án đường sắt cao tốc dưới bất kỳ hình thức nào.
-
X.Linh (giới thiệu)