Lãnh đạo G20 đau đầu với thâm hụt ngân sách

Cập nhật lúc 16:24, 25/06/2010 (GMT+7)

Các nhà lãnh đạo thế giới đã tới thành phố lớn nhất của Canada từ hôm qua, chuẩn bị cho hội đàm kinh tế toàn cầu. Nhiều người trông chờ ở một số nhà lãnh đạo mới mẻ đến từ Australia, Nhật Bản và Anh.

Trong khi tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng toàn cầu ở từng nước thuộc G20 diễn ra hoàn toàn khác nhau, thì lãnh đạo những quốc gia công nghiệp và đang phát triển lớn nhất lại vật lộn tìm kiếm sự cân bằng giữa việc duy trì gói kích cầu của chính phủ và đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng.

Toronto thành một pháo đài an ninh đón hội nghị thượng đỉnh G20 (Ảnh Reuters)
Toronto thành một pháo đài an ninh đón hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters

Bất đồng vẫn tồn tại trong các đề xuất về việc đánh thuế vào các ngân hàng và yêu cầu dự trữ với những ngân hàng đa quốc gia để đối phó với tổn thất từ các khoản vay.

"Vấn đề cấp bách nhất là kinh tế tăng trưởng ổn định”, Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty nói. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo trước bài phát biểu tại Ủy ban Thương mại Toronto, ông nhấn mạnh rằng, điều này diễn ra rất khác nhau ở những phần khác nhau của thế giới.

"Ở một số nước, đặc biệt là châu Âu, củng cố tài chính là điều cần thiết”, ông cho biết.

Theo ông Flaherty, kinh tế Canada về cơ bản là vững mạnh, các ngân hàng đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính mà không gặp sơ suất và cũng không cần tới sự giải cứu của chính phủ. "Chúng tôi là sự mong muốn của cả thế giới”, lãnh đạo cơ quan tài chính Canada tuyên bố trong quan điểm phản đối kế hoạch đánh thuế vào ngân hàng toàn cầu.

Một trong những nhà lãnh đạo tới Canada sớm nhất là Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người đã có cuộc gặp riêng tại Ottawa với Thủ tướng Canada Stephen Harper. Hai nhà lãnh đạo đã ký một thoả thuận cho phép thêm nhiều người Trung Quốc tới Canada. Ông Hồ Cẩm Đào cũng nhất trí sẽ “mở đường” để thịt bò Canada xuất khẩu tới Trung Quốc.

Anh, Nhật và bất ngờ là Australia sẽ cử các nhà lãnh đạo mới tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Sau khi Công đảng cầm quyền tại Australia bất ngờ “hạ bệ” Kevin Rudd, nước này đã có nữ Thủ tướng đầu tiên Julia Gillard. Phó của bà là Wayne Swan - kiêm Bộ trưởng Tài chính sẽ đại diện Australia tham gia các cuộc họp tại Canada.

Đây cũng là sự xuất hiện đầu tiên tại diễn đàn quốc tế với Thủ tướng Anh David Cameron và người đồng cấp Nhật Bản Naoto Kan. Cả hai đều có thể mang tới hội nghị thượng đỉnh những thông điệp mà Tổng thống Mỹ Barack Obama có lẽ không thích nghe.

Cameron tới G20 sau khi chính phủ của ông đưa ra kế hoạch ngân sách khẩn cấp bao gồm việc tăng thuế và cắt giảm mạnh mẽ nhất chi tiêu công. Còn lãnh đạo Nhật Bản trong tuần này cho hay, giảm thâm hụt sẽ là tâm điểm chương trình nghị sự của ông trong những cuộc gặp tại Canada, và Nhật Bản sẽ bắt đầu thảo luận về khả năng tăng thuế để kiềm chế thâm hụt ngân sách.

Cả Thủ tướng Anh và Nhật đều đang cố gắng tránh rơi vào cuộc khủng hoảng nợ chính phủ như Hy Lạp.

Trong khi đó, Mỹ vẫn nhấn mạnh, các chính phủ trên thế giới không nên rút lại chương trình kích cầu quá nhanh và quá sớm, gây nguy hiểm cho quá trình phục hồi. Tổng thống Mỹ tới Canada vào sáng nay, còn Thủ tướng Anh đã có mặt từ tối qua. Phát biểu với báo chí trên máy bay, ông Cameron nói: "Tất cả chúng tôi đều nhất trí về sự cần thiết phải củng cố tài chính. Với tôi, G20 lần này là đưa nền kinh tế thế giới vào con đường vững chắc tới phục hồi”.

Mặc dù Mỹ kêu gọi hạn chế rút chương trình kích cầu quá nhanh, nhưng lần lượt các nước khác đã tiến hành biện pháp cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế, ví dụ như Đức và Pháp.

Hai cuộc thảo luận kinh tế lớn diễn ra trong tuần này là cuộc gặp của nhóm G8 - với các nước công nghiệp hàng đầu thế giới là Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản và Nga diễn ra hôm nay. Nhóm G20 - bao gồm cả các nước đang phát triển mạnh như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ… sẽ họp tại Trung tâm Hội nghị Metro Toronto trong hai ngày cuối tuần.

  • Thái An (Theo AP)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác