Kinh tế - khởi nguồn xung đột trên bán đảo Triều Triên
Vào ngày 6/6, quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc yêu cầu dừng việc chi trả mọi loại tiền mặt cho các sản phẩm của Triều Tiên. Kể từ ngày 24/5, chính phủ Hàn Quốc đã ngừng mọi hoạt động thương mại và quan hệ kinh tế với Triều Tiên ngoại trừ khu liên hợp công nghiệp chung Kaesong.
Những chính sách mới chống lại Bình Nhưỡng được thực thi nhằm phục vụ mục tiêu lâu dài của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak là, hạn chế sự gây hấn của Bình Nhưỡng thông qua các áp lực kinh tế. Yu Myung-hwan thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc giải thích quyết định có ý nghĩa riêng biệt để hạn chế việc phát triển vũ khí và ngăn chặn hành động gây hấn trong tương lai từ Triều Tiên.
Xác tàu chiến Cheonan. Ảnh: Reuters
Đây cũng là chính sách tài chính mới nhất được đưa ra bên cạnh hàng loạt kế hoạch tập trận hải quân Mỹ - Hàn ở Hoàng Hải và các hoạt động ngoại giao tại Hội đồng Bảo an LHQ mà chính quyền của ông Lee tiến hành chống lại Bình Nhưỡng sau vụ chìm tàu Cheonan ngày 26/3. Trong vụ việc này, Hàn Quốc đổ lỗi cho Triều Tiên.
Những tình hình mới xảy ra xuất hiện vào thời điểm quyết định khi Moscow và Bắc Kinh trình bày rõ ràng về quan điểm của họ với tình hình trên bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 4/6.
Sau hai tháng im hơi vắng tiếng, sáu nước liên quan tới bán đảo Triều Tiên cuối cùng đã bắt đầu có những động thái của mình. Chiến tranh có thể không ở xa với bán đảo này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng có thể lại cung cấp cơ hội để đàm phán sáu bên nối lại và tìm kiếm một giải pháp không chỉ với vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà còn với tương lai hoà bình và ổn định ở Đông Bắc Á.
Mặc dù căng thẳng gia tăng ở Hoàng Hải giữa Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng các chuyên gia ở cả hai bờ Thái Bình Dương đều nhất trí rằng, một cuộc chiến tranh không có thể xảy ra. Song, với áp lực chính trị gia tăng, sự hiện diện quân sự trong khu vực ngày một lớn, thì nguy cơ xảy ra những vụ đụng độ, hiểu nhầm, phản ứng quá mức có thể dẫn tới hậu quả chết người với hàng triệu người trong khu vực.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra ngày 23/2/ 2009, Triều Tiên có 1,19 triệu binh lính và 7,7 triệu quân dự bị, gần gấp đôi số lính và quân dự bị Hàn Quốc. Tuy nhiên, Triều Tiên lại không có sự hỗ trợ của các loại vũ khí công nghệ cao như tàu tuần dương AEGIS hay các máy bay chiến đấu thế hệ bốn như F-15K của Hàn Quốc.
Hơn nữa, Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Hàn Quốc ký kết năm 1954 sẽ giúp hạm đội 7 của Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản, lập tức hoạt động trong trường hợp xảy ra bất ổn. Nếu xảy ra chiến tranh Triều Tiên, Mỹ có thể góp phần củng cố lực lượng Hàn Quốc ở vùng phi quân sự bằng việc điều động thêm quân trong vài ngày.
Cuộc tập trận dự kiến giữa Mỹ và Hàn Quốc tại Hoàng Hải sẽ “phô diễn” cho cả thế giới biết về sức mạnh của chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22. Rõ ràng là, diễn tập với F-22 có ý nhắc nhở quân đội Bình Nhưỡng rằng, Mỹ có khả năng tiến hành các vụ tấn công chính xác vào những cơ sở quân sự và hạt nhân Triều Tiên. Căn cứ không quân Kadena tại Okinawa, nơi tập trung phi đội F22 chỉ mất 30 phút để bay tới Trung tâm nghiên cứu khoa học nhân Yongbyon.
Nói về những bất lợi quân sự, rất nhiều nhà phân tích như Yu Dong Ryul của Học viện Nghiên cứu chính sách cảnh sát Hàn Quốc cảnh báo sẽ là không cân xứng nếu xảy ra một cuộc “chiến tranh nóng” thông thường.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc năm 2009, quân đội nhân dân Triều Tiên còn duy trì 180.000 quân đặc nhiệm, số lượng có thể tạo ra sự cân bằng trong khả năng chiến đấu của Triều Tiên chống lại một cuộc bày bố quy mô quân sự hay áp lực kinh tế của Mỹ-Hàn. Hơn thế nữa, Hàn Quốc sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11, một sự xâm nhập hay tấn công khủng bố sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực.
Trong khi các nhà phân tích đưa ra mọi lý lẽ, thì lịch sử cũng cung cấp nhiều bài học giá trị. Giáo sư Yoon Duk-min của Học viện Đối ngoại và an ninh quốc gia đã chỉ ra những sự tương đồng giữa cuộc khủng hoảng hiện tại và căng thẳng leo thang năm 1968.
Sau một cuộc đột kích năm 1968 vào dinh Tổng thống Hàn Quốc, và việc bắt giữ tàu do thám USS Pueblo của Mỹ ba ngày sau đó, Triều Tiên đã phản ứng các hoạt động quân sự chung Mỹ - Hàn bằng một chiến dịch thâm nhập quân sự lớn dọc theo bờ biển phía Tây Hàn Quốc vào 2/11/1968.
Theo ông Yoon, các vụ việc năm 1968 được thực hiện nhằm củng cố và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao quyền lực giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung với người kế nhiệm Kim Jong-il. Lần này, khi áp lực kinh tế ngày một gia tăng, Bình Nhưỡng một lần nữa có thể vận dụng các bài học quá khứ, đưa ra đề xuất hoà bình sau khi sự chuyển giao quyền lực giữa ông Kim Jong-il cho con trai là Kim Jong-un, được thiết lập chắc chắn.
Đối đầu quân sự đồng nghĩa với việc không chỉ củng cố vị trí chính trị trong đảng cầm quyền ở Triều Tiên, mà còn thống nhất một đất nước đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế, bất ổn xã hội từ chính sách tiền tệ gần đây áp dụng.
Trong khi không có gì chắc chắn, thì tiền lệ lịch sử từ những sự kiện quá khứ sẽ là bài học đáng kể trong việc giải quyết bất đồng hiện tại. Không hiểu rõ động cơ đứng sau hành động, giải pháp cho một vấn đề lặp lại có thể không bao giờ đúng đắn. Những vấn đề của Triều Tiên luôn luôn có căn nguyên từ khó khăn kinh tế, cộng thêm chính sách hạn chế tiền tệ mà Hàn Quốc áp dụng gần đây có thể không phải là hành động khôn ngoan hướng tới ổn định lâu dài trong khu vực.
Khi Trung Quốc vẫn ít nhiều giữ quan điểm ủng hộ Triều Tiên và Nga thì được Bình Nhưỡng coi là “người chơi công bằng”, việc khôi phục đàm phán sáu bên có thể không gặp nhiều thách thức. Lộ trình tốt nhất để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, thảo luận tình hình Đông Bắc Á một cách toàn diện sẽ bắt đầu với chuyện chìm tàu Cheonan.
Dĩ nhiên, không thể không chuẩn bị cho những sự kiện bất ngờ xảy ra. Các nhà phân tích Hàn Quốc thường xuyên lo lắng về khả năng khu công nghiệp chung Kaesong sẽ bị sử dụng như nơi giam giữ con tin nếu xảy ra xung đột hai miền Triều Tiên. Cũng không có lý do để loại trừ khả năng những yếu tố tiêu cực khác khi Bình Nhưỡng muốn gia tăng ảnh hưởng, tận dụng lợi thế từ cuộc khủng hoảng này.
-
Thái An (Theo Atimes)