ARF muốn thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
- Tại Hội nghị chính sách an ninh ARF sáng nay (29/5) ở Đà Nẵng, các quan chức châu Á - Thái Bình Dương muốn thúc đẩy hình thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông.
Kể từ khi ra đời tại Trung Quốc năm 2007, đây là hội nghị chính sách an ninh (ASPC) lần thứ 7 được tổ chức. Các hội nghị đã “đánh dấu sự can dự và vai trò lớn hơn của các quan chức quốc phòng trong diễn đàn ARF”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhận định.
Hội nghị ASPC lần này có sự tham gia của 25 trong số 27 nước thành viên Diễn đàn an ninh khu vực ARF, trừ Bangladesh và Mông Cổ.
Ảnh: B.Trung
Bàn về tình hình an ninh khu vực, các nước cho rằng, có nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên như khủng hoảng kinh tế, an ninh hàng hải, khủng bố, thảm họa thiên nhiên, cướp biển, buôn người xuyên quốc gia…
“Các thách thức đó ngày càng phức tạp và không một quốc gia riêng lẻ nào có thể đối phó hiệu quả”, hội nghị nhận định.
Các quan chức quốc phòng ARF muốn thúc đẩy các nỗ lực song phương và đa phương để đối phó các thách thức này thông qua việc xây dựng niềm tin và các cơ chế có thể thực hiện được.
Các nước muốn củng cố cơ chế ARF, nhất là trong việc cứu trợ thảm họa và an ninh hàng hải.
Trong đó, hầu hết các nước trong các phát biểu của mình đều bày tỏ mối quan ngại về an ninh trên Biển Đông.
Các nước nhấn mạnh nhu cầu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Đại diện Philippines cho rằng, Bộ quy tắng ứng xử của các bên ở Biển Đông COC không chỉ cần sự tham gia của ASEAN và Trung Quốc mà còn cần sự tham gia của tất cả các nước lớn liên quan.
ASEAN kéo các bên hợp tác
Tại Hội nghị, các nước cũng đề xuất cần tiếp tục củng cố quan hệ nội khối của ARF cũng như quan hệ của ARF với các nước bên ngoài.
Ảnh: B.Trung
Trong đó, hợp tác của ARF thời gian tới cần tập trung vào chia sẻ thông tin, bao gồm thông tin tình báo, xây dựng năng lực, chia sẻ kinh nghiệm thông qua đào tạo quân sự, diễn tập chung, tổ chức hội nghị hội thảo, để xây dựng lòng tin từ đó dẫn tới các hợp tác quân sự chung cụ thể.
Hội nghị cũng cho rằng ASEAN với vai trò trung tâm có thể thúc đẩy các bên trong khu vực đến với nhau. ADMM+ được coi là một ví dụ cụ thể về sự hợp tác này. Cơ chế ADMM+ sẽ làm tăng sự hợp tác giữa cơ quan quốc phòng các nước ở cấp cao nhất.
Để chuẩn bị cho ADMM+ lần đầu tiên tổ chức vào tháng 10 tới tại Hà Nội, Hội nghị nhóm làm việc quan chức cao cấp quốc phòng sẽ họp vào tháng 7.
Việt Nam nhấn mạnh rằng ASEAN vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm của tiến trình ADMM+.
- Phương Loan