Việt Nam muốn Trung Quốc cung cấp thông tin về thủy điện

Cập nhật lúc 07:23, 04/04/2010 (GMT+7)

- Tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) khai mạc ngày mai (5/4) ở Hua Hin (Thái Lan), Việt Nam mong muốn Trung Quốc chia sẻ thông tin số liệu về tình hình vận hành đập thủy điện - bị "cáo buộc" có liên quan đến tình trạng nước sông ngày một cạn kiệt tại vùng hạ nguồn.

Trước thềm Hội nghị, VietNamNet đã phỏng vấn Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) Lê Đức Trung.

Ông Lê Đức Trung (giữa): Việc trao đổi thông tin số liệu giữa Trung Quốc với MRC chưa nhiều.
Ông Lê Đức Trung (giữa): Việc trao đổi thông tin số liệu giữa Trung Quốc với MRC chưa nhiều.

Ông cho hay, thông điệp Việt Nam mang tới Hua Hin là hoạt động hợp tác của MRC trở thành một trong những sáng kiến hợp tác hữu hiệu nhất không chỉ với Việt Nam mà cả khu vực.

"Đây lần đầu tiên có một hội nghị cấp cao nhất giữa lãnh đạo chính phủ 4 quốc gia thành viên Ủy hội để xác định tầm nhìn, mục tiêu ưu tiên thời gian tới, tăng cường cam kết, hợp tác trong khu vực đồng thời có thông điệp rõ ràng với các đối tác chiến lược, nhà tài trợ và với 2 quốc gia vùng thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar".

Không loại trừ vai trò thủy điện

Theo quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam Nguyễn Ngọc Anh, ngoài lý do thời tiết, không loại trừ vai trò của các hồ chứa thủy điện trong tình trạng hạn hán hiện nay .

Về nguyên tắc, hồ chứa tích nước mùa lũ, xả nước mùa cạn. Tuy nhiên, do hiệu quả việc phát điện, cũng có thể trong từng thời điểm, các đập vẫn giữ nước ngay trong mùa cạn.

"Bất kỳ hoạt động nào xảy ra trong lưu vực đều có tác động tới hạ lưu dù lớn hay nhỏ. Các đập thủy điện với tính năng giữ nước sẽ có những ảnh hưởng nhất định, kể cả tức thời hay trong quá trình vận hành hồ chứa. Năm 2003, khi Trung Quốc tiến hành hợp long đập Mạn Loan, Lào đã có phản hồi do chặn dòng khiến khô hạn xảy ra. Chuyện tác động là luôn luôn có, vấn đề là tác động thế nào và đến đâu".

Trung Quốc đã mời các quốc gia vùng hạ lưu đi thăm đập thủy điện của họ ở thượng nguồn sông Mekong. Đoàn Việt Nam có kế hoạch làm việc thế nào với phía Trung Quốc?

MRC đưa ra kiến nghị đi thăm đập thủy điện và phía Trung Quốc đã đáp ứng. Đoàn sẽ gồm đại diện của cả Ủy hội với 4 nước thành viên. Trên thực tế, đây là chuyến đi chủ yếu về mặt kỹ thuật.

Mong muốn của Việt Nam là thúc đẩy hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin số liệu, cơ chế mở rộng hợp tác kỹ thuật với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề các đập thủy điện.

Có hai luồng quan điểm khác nhau về nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn cũng như khiến mực nước sông Mekong giảm kỷ lục. Một cho rằng hệ thống đập thủy điện ở vùng thượng nguồn cũng như các chi lưu là nguyên nhân chính, một là do thời tiết khắc nghiệt? Quan điểm của ông?

Rất khó để nói một cách rõ ràng về vấn đề này. Bởi tới nay, việc trao đổi thông tin số liệu giữa Trung Quốc với Ủy hội chưa nhiều.

Trung Quốc hiện tại mới chấp nhận thông tin số liệu mùa lũ, chưa có số liệu mùa kiệt. Tuy nhiên, tôi cũng thấy thích hợp với quan điểm của MRC rằng, tình hình cạn kiệt của sông là do diễn biến thời tiết.

Khô hạn không chỉ xảy ra ở các nước hạ nguồn mà còn ở phía nam Trung Quốc. Nếu có tác động của các đập thủy điện thì tác động ấy không phải mang tính chất chủ đạo. Tình hình thời tiết khắc nghiệt hiện nay mới là lý do chính.

Tuy nhiên, Việt Nam và các nước khác rất mong muốn Trung Quốc chia sẻ thông tin số liệu về tình hình vận hành đập thủy điện, giúp Ủy hội xem xét vấn đề này có tác động thế nào tới vùng hạ lưu. Tôi hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết trong Hội nghị.

Ngày mai (5/4), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế, nêu định hướng, tầm nhìn hoạt động của Ủy hội trong tương lai, những kiến nghị bảo vệ tài nguyên nước của Việt Nam, cũng như khẳng định cam kết của Việt Nam đối với các nội dung của Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong ký năm 1995.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước lưu vực sông Mekong đang lên tiếng đòi Trung Quốc, nước ở thượng nguồn sông Mekong chịu trách nhiệm cho tình trạng hạn hán mà các nước đang phải gánh chịu do ảnh hưởng của các đập thủy điện Trung Quốc ở thượng nguồn.

Hôm 2/4, tại Hội nghị quốc tế "Quản lý các nguồn nước xuyên biên giới trong một thế giới đang thay đổi" diễn ra ở Hua Hin, Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận việc các dự án xây dựng đập thủy điện ở sông Lan Thương - thượng nguồn Mekong - có liên quan đến việc nước sông sụt giảm và khô hạn vùng hạ nguồn.

  • Thái An (từ Hua Hin)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác