Thủ tướng đến Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân

Cập nhật lúc 20:27, 12/04/2010 (GMT+7)

Sáng 12/4, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Việt Nam đã đến Washington DC tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.

Mô tả ảnh.

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Trong hai ngày 12 và 13/4, tại Washington DC, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tập trung thảo luận về các vấn đề: Mối đe dọa khủng bố hạt nhân, hành động quốc gia nhằm bảo vệ vật liệu hạt nhân, tăng cường vai trò của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế trong đảm bảo an ninh hạt nhân, hành động quốc tế nhằm bảo vệ vật liệu hạt nhân.

Dự kiến, lãnh đạo của hơn 40 nước tới dự Hội nghị, trong đó có các nước mạnh về hạt nhân như Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ...

Trong khối ASEAN, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời lãnh đạo cấp cao các nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Không kể các hội nghị trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, đây là hội nghị lớn nhất được tổ chức tại Mỹ sau hội nghị cấp cao về thành lập LHQ được tổ chức tại thành phố San Francisco thuộc bang California vào năm 1945. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống Barack Obama.

Hội nghị cấp cao đầu tiên về an ninh hạt nhân lần này là dịp để các nước cùng thảo luận đề ra những định hướng, nguyên tắc lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh hạt nhân.

Hội nghị được mong đợi sẽ đưa ra một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó cam kết sẽ áp dụng mức an ninh hạt nhân cao nhất và coi đây là vấn đề mấu chốt cho việc phát triển và mở rộng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng thống Obama nói lãnh đạo các quốc gia cần tập trung vào cách thức làm sao để giữ nhiên liệu hạt nhân một cách an toàn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham gia các buổi thảo luận, thể hiện quan điểm của Việt Nam là tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng đồng quốc tế trong việc chống phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình, an ninh và phát triển của các dân tộc, coi việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân, bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân là trách nhiệm của từng quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Trước thềm hội nghị, Nga và Mỹ đã ký kết thỏa thuận cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. Các nhà quan sát coi đây là cột mốc lịch sử đối với an ninh thế giới, một bước tiến triển quan trọng khi Tổng thống Obama tuyên bố mong muốn giải trừ hạt nhân trên toàn cầu.

  • PV - Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác