Gặp ông Tây đầu tiên được trao quốc tịch Việt Nam

Cập nhật lúc 06:09, 06/02/2010 (GMT+7)
- André Menras đã có hộ chiếu và chứng minh thư Việt Nam với cái tên Hồ Cương Quyết. Người thầy giáo Pháp đã nghỉ hưu không khỏi bồi hồi khi duyên phận đưa ông đến với Việt Nam lúc trai trẻ. Một thanh niên Pháp tiêu biểu tham gia phong trào phản chiến ở Sài Gòn…
Ngày 25/7/1970 mãi trở thành một dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời André Menras cũng như thế hệ những người dân Việt Nam. Chàng thanh niên Pháp ngày ấy cùng người bạn cùng quốc tịch, đến Sài Gòn theo chương trình "Thanh niên Pháp đi làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế", đã leo lên đầu tượng lính thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn trước mặt trụ sở quốc hội chính quyền Sài Gòn (nay là Nhà hát lớn) phất cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, rải truyền đơn kêu gọi hòa bình.
Đã có nhiều thanh niên nước ngoài đến Việt Nam tham gia phong trào phản chiến, mà sau này mỗi khi nhắc tới giai đoạn những năm 60, 70 của thế kỷ trước, họ vẫn tự hào thuộc về một thế hệ có tên “thế hệ Việt Nam”. Với “thế hệ Việt Nam ấy”, có thể với mỗi người cái tên Việt Nam là một kỷ niệm, khắc dấu thời tuổi trẻ hào hùng, nhưng Việt Nam với riêng André Menras là câu chuyện dài, lân sang cả thế kỷ này.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng ông Menras André Marcel nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh : PLTPHCM
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng ông André Menras nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh : Pháp Luật TP.HCM
Sau ngày của lịch sử năm ấy, André Menras và người bạn bị bắt, giam giữ 3 năm cho đến đầu 1973, ông cùng người bạn Pháp mới được thả và trục xuất về Pháp. Nhưng chỉ vài tháng ngay sau khi trở về, trong một khoảng thời gian ngắn, ông bắt tay vào viết rất nhanh cuốn sách có tựa đề "Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo", được dịch ra nhiều ngôn ngữ.
Cuốn sách sau đó được Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng ấn hành ch vào tháng 9.1974. Câu chuyện với Việt Nam không dừng ở đó. Chiến tranh kết thúc. André Menras trở lại và có nhiều hoạt động gắn bó với Việt Nam. Xuất thân là nhà giáo, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Montpellier, ông đã sáng lập ADEP - Hiệp hội phát triển - trao đổi sư phạm giữa Pháp và Việt Nam, hoạt động như cầu nối giúp các trường của hai nước trao đổi giáo viên thực tập.
Với những đóng góp cho cuộc đấu tranh kháng chiến chống Mỹ, ông đã được trao tặng huy chương danh dự “Vì thế hệ trẻ”, huy chương “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”…
Nói chuyện với tờ L’Hérault du Jour, André Menras tự hào nói: “Tôi thuộc về "thế hệ Việt Nam". Từ khi hai mươi tuổi, tôi đã rất gắn bó với đất nước, con người Việt Nam. Cuốn theo các cuộc chiến tranh, tôi đã mạo hiểm cuộc sống, đổ máu, rời bỏ gia đình cùng các bạn bè để chiến đấu bên cạnh các người bạn Việt Nam. Trong trận chiến này, khi mà người ta thường tìm hiểu "anh là ai", họ đã trở thành những người anh em của tôi và đặt tên Việt Nam cho tôi. Đấy chính là tên trên chứng minh thư và hộ chiếu Việt Nam của tôi ngày nay...”
Việt Nam trong máu thịt. André Menras ấp ủ dự định xin nhập quốc tịch Việt Nam trong cuộc trò chuyện thân mật với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cách đây 3 năm. Lúc đó, Luật hai quốc tịch tại Việt Nam vẫn chưa được thông qua và một số ít người nước ngoài lúc đó nhập quốc tịch Việt Nam phải bỏ quốc tịch gốc. André Menras quyết định viết một bức thư xin có hai quốc tịch: Pháp và Việt Nam.
Tháng 7/2009, Luật Quốc tịch mới ra đời và có hiệu lực từ tháng 11/2009. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi đó biết câu chuyện của André Menras do đồng đội cũ của ông kể lại, trong đó một số người cũng là bạn của André Menras. Ngày 4/11/2009, trong lần André Menras trở lại Việt Nam, Chủ tịch nước đã mời ông đến gặp. Trong một cuộc trò chuyện thân mật, Chủ tịch nước hứa sẽ thực hiện mong muốn có hai quốc tịch của ông.
Trong ít ngày sau đó, đích thân Chủ tịch thông báo cho ông về quyết định trao quốc tịch Việt Nam được ký và ngày 28/11, ông đã gặp lại Chủ tịch nước trong cuộc họp mặt đồng đội tại cánh rừng gần biên giới Campuchia, căn cứ địa của lực lượng kháng chiến. Tại đó, Chủ tịch nước hẹn ông 3 ngày sau tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh để nhận quyết định nhập quốc tịch Việt Nam.
“Buổi lễ diễn ra rất long trọng, đầy tình cảm và ấm áp với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh và báo chí. Ngay ngày hôm sau, tôi đã nhận được hộ chiếu cùng chứng minh thư Việt Nam. Tôi quay lại Pháp ngày tiếp theo với tất cả các giấy tờ công dân mới Hồ Cương Quyết. Bình thường thì cần phải cư trú ở Việt Nam 5 năm mới có cơ sở để xin quốc tịch...”, André Menras kể lại.
André Menras đã trở thành người nước ngoài đầu tiên được trao quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch mới ban hành ở Việt Nam. Trở lại Việt Nam nhiều lần với nhiều hoạt động hữu nghị giữa nhân dân hai nước, người thầy giáo Pháp mong muốn tiếp tục là cầu nối hữu hiệu cho hai đất nước, hai cộng đồng khu vực, hai dân tộc Pháp - Việt.
Khi phóng viên của tờ L’Hérault du Jour đặt một câu hỏi tình huống thú vị: "Nếu như trong một trận đấu thể thao giữa Việt Nam và Pháp, con tim ông sẽ hướng chiến thắng vào đội nào?", Andre Menras nói:
Trong trường hợp tôi phải có những lựa chọn khó khăn, người ta thường hỏi tôi một số câu như: Này André, cuối cùng thì ông là người Pháp hay người Việt Nam vậy?"
Giống như trong bài hát của Josephine Baker, tôi có hai tình yêu. Khi ở trong tù, tôi được nghe những câu chuyện chống lại chủ nghĩa thực dân của những người người Pháp như Henri Martin, Madeleine Riffaud, Raymonde Dien, tôi thật sự cảm giác mình là người Pháp. Khi tôi chống lại bức tường nhà tù của chủ nghĩa thực dân Pháp, tôi lại thấy mình là người Việt Nam.
Gốc rễ đầu tiên của tôi về mặt sinh học là người phương Tây, còn gốc rễ Việt Nam của tôi lại được vun đắp từ mùn của cách mạng và đấu tranh. Phần gốc rễ này cũng rất quan trọng do nó là cả cuộc đời thanh niên của tôi. Thế nên, mọi người đừng yêu cầu tôi phải chọn lựa những gì không thể tách biệt ra được. Còn nếu có một trận đấu thể thao, tôi rất yên tâm vì chẳng có gì phải chọn lựa cả, người Việt Nam không chơi bóng bầu dục!”.
  • X.Linh

Ý kiến của bạn

Các tin khác