Bô-xít Nhân Cơ: Thủ tướng yêu cầu tổng thầu làm đúng luật
- Phát lệnh khởi công gói thầu EPC Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Công trình quốc tế nhôm Trung Quốc Chalieco thực hiện đúng luật Việt Nam và qui định của địa phương sở tại.
"Đây là bước khởi đầu cho nền công nghiệp nhôm, dự án phải đảm bảo các yêu cầu về hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự và sự phát triển bền vững".
Chủ đầu tư và các nhà thầu phải nghiêm túc thực hiện, thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, đem lại thành công theo như các báo cáo đã thẩm định, phê duyệt, Thủ tướng chỉ đạo.
Chủ đầu tư cũng cần sớm triển khai phương án xây dựng nhà máy luyện nhôm khi các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai được xây dựng hoàn thành.
Tỉnh điều chỉnh quy hoạch khi dự án hoạt động
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải khẩn trương xây dựng các dự án giao thông đường bộ, đường sắt tại Tây Nguyên, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và chuẩn bị cho ngành công nghiệp nhôm.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên - Môi trường phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai các dự án alumin, và giúp đỡ hướng dẫn chủ đầu tư trong việc xây dựng bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ khởi công gói thầu EPC Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ. Ảnh: Minh Huệ |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng cần có sự điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội khi các dự án alumin Nhân Cơ, Tân Rai đi vào hoạt động, để phát huy tối đa những lợi thế mà các dự án này đem lại.
Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (công suất 650 ngàn tấn/năm), có tổng vốn đầu tư 11.624 tỷ đồng (khoảng 655 triệu USD).
Diện tích đất thu hồi lâu dài xây dựng dự án là 850ha, số diện tích khai thác quặng, thu hồi có thời hạn khoảng 2650ha. Hàng năm dự án khai thác khoảng 60ha, lấy quặng xong đến đâu hoàn thổ đến đó; thuê đất trong vòng 2 năm sẽ hoàn thổ trả lại người dân.
Hiện công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV (VNAC) đã thành lập Trung tâm lâm sinh, và năm đầu tiên đang đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng Khu thử nghiệm về công tác hoàn thổ, nghiên cứu thổ nhưỡng nhằm tìm phương án hoàn thổ tối ưu, lựa chọn loại giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế phục vụ quá trình sau khai thác bô-xít.
Tối đa 700 lao động nước ngoài
Thông tin từ Ban quản lý dự án cho hay, bên cạnh việc đóng phí môi trường khoảng 110 tỷ đồng, mỗi năm dự án Nhân Cơ sẽ dành 13 tỷ đồng để thực hiện công tác phục hồi môi trường.
Đối với chất thải bùn đỏ, nhà máy alumin Nhân Cơ sẽ xử lý bằng phương pháp thải ướt, chôn lấp, sau đó hoàn thổ, trồng cây. Hệ thống hồ chứa bùn đỏ được xử lý bằng nhiều lớp chống thấm, đảm bảo cho lượng xút không ngấm xuống đất, và lượng nước mặt không chảy tràn ra ngoài. Đập hồ bùn đỏ có khả năng chịu được động đất cấp 7.
Thiết kế hồ bùn đỏ sẽ trình bộ Công thương thẩm định trước khi xây dựng.
Về nguồn nước, dự án mỗi năm sử dụng 31,4 triệu m3, trong đó 60% là nước thu hồi sử dụng tuần hoàn. Số nước cấp mới 14 triệu m3 được sử dụng từ việc nâng cấp hồ Cầu Tư và suối Đăk Rtih, không ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Về nguồn điện, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện 30MW, đáp ứng dư nhu cầu sử dụng (28MW), đồng thời cung cấp nguồn hơi đốt cho việc sản xuất alumin.
Theo thẩm định của Bộ Công thương về hiệu quả kinh tế, hoàn thành vào cuối 2012, Dự án Alumin Nhân Cơ bình quân mỗi năm sẽ thu lợi nhuận 644 tỷ đồng; và sau 12,36 năm sẽ thu hồi vốn. Dự án cũng sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 900 tỷ đồng mỗi năm.
Dự án sẽ tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 1600 người, và trên 12 ngàn lao động cho các ngành dịch vụ khác, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực từ thuần nông lâm nghiệp sang kinh tế đa ngành.
Tổng giám đốc VNAC Bùi Quang Tiến khẳng định: Dự án Alumin Nhân Cơ không liên doanh liên kết với bất cứ nước nào. Người nước ngoài làm việc cho dự án thì chủ yếu là xây dựng và giám sát việc xây dựng nhà máy trong thời gian 2 năm. Khi hoàn thành, dự án này hoàn toàn do người Việt Nam đảm nhận, quản lý.
Số lượng người nước ngoài vào xây dựng nhà máy thời điểm cao nhất khoảng 600 đến 700 người. Từ đầu năm 2008 VNAC đã ký quy chế phối hợp với Công an tỉnh Đắc Nông đảm bảo an ninh trên địa bàn, đồng thời gửi các văn bản thông báo cho phía nước ngoài khi vào làm việc trong dự án thì phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam và những quy định của tỉnh Đắc Nông.
Bản thân VNAC cũng có những quy định chặt chẽ đối với người nước ngoài khi vào làm việc, ông Tiến khẳng định.
Đến nay, chủ đầu tư đã chi 204 tỷ đồng để đền bù, san lấp chuẩn bị mặt bằng của dự án. TKV cũng đã gửi đi nước ngoài đào tạo bậc cao đẳng, đại học cho 70 người, và đào tạo 317 công nhân kỹ thuật người địa phương.
Sau ngày khởi công nhà máy, dự án sẽ tiếp tục gửi 450 thanh niên địa phương đi đào tạo công nhân kỹ thuật (trong đó có 92 em người dân tộc thiểu số).
- Minh Huệ
Vài nét về dự án Alumin Nhân Cơ Gồm tổ hợp Nhà máy tuyển quặng bô-xít và Nhà máy sản xuất alumin, xây dựng tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, cách Quốc lộ 14 gần 1km, cách Tp. Hồ Chí Minh 220km về phía Đông Bắc, cách Tp. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) 150km và cách Thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) 20km về phía Nam Tây Nam. - Gói thầu EPC Nhà máy sản xuất Alumin công suất 650.000 tấn alumin/năm, (8.840 tỷ đồng) do Công ty hữu hạn quốc tế công trình nhôm Trung Quốc (CHALIECO) thi công theo phương thức “chìa khóa trao tay”, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2012. - Nhà máy tuyển quặng bô-xít: nằm trong trung tâm khu mỏ khai thác quặng, cách Nhà máy Alumin 4km về phía Tây Nam, công suất 1.650.000 tấn quặng tinh khô /năm. Quặng bô-xít sau khi tuyển rửa sẽ vận chuyển thẳng về Nhà máy sản xuất alumin bằng hệ thống băng tải. - Khai trường khai thác quặng: mỏ Nhân Cơ. Tổng diện tích 286,4 km2, tổng trữ lượng quặng tinh khoảng 450 triệu tấn. Giai đoạn đầu tiên, dự kiến bô-xít sẽ được khai thác tại khu vực Kiến Thành, trên diện tích 3.500 ha trong thời gian 30-50 năm. |