Thủ tướng muốn dân chủ hóa nền quản trị toàn cầu
- Làm diễn giả của phiên thảo luận toàn thể "Tái định hình nền quản trị toàn cầu" tối 28/1 (giờ địa phương) tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu yêu cầu cấp bách dân chủ hóa hơn nữa nền quản trị toàn cầu, phản ánh đúng hơn vai trò và lợi ích của các nhóm nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Cải tổ nền quản trị toàn cầu
Khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vừa qua đã bộc lộ nhiều bất cập của hệ thống quản trị toàn cầu. Sự phát triển và thay đổi nhanh của đời sống chính trị - kinh tế thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng đã làm cho cán cân lực lượng toàn cầu biến đổi không ngừng và cũng làm tính bất định, độ rủi ro của nền kinh tế tăng lên. Điều này đòi hỏi phải cải tổ và tăng cường nền quản trị toàn cầu.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos ngày 28/1/2010. Ảnh: Chinhphu.vn
"Không còn nghi ngờ gì nữa, một trong những yêu cầu cấp bách là phải dân chủ hoá hơn nữa nền quản trị toàn cầu, phản ánh đúng hơn vai trò và lợi ích của các nhóm nước, đặc biệt là các nước đang phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam lí giải: Những thập kỷ gần đây, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã có bước tiến dài trên con đường phát triển của mình, chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong GDP và thu nhập của thế giới. Các nước này, một mặt đòi hỏi có được vị thế xứng đáng hơn trong nền quản trị toàn cầu, mặt khác cũng có thêm nhiều nguồn lực để đảm nhận những nghĩa vụ lớn hơn trong việc duy trì, vận hành và xây dựng nền quản trị này.
"Cộng đồng thế giới cần dành cho các nền kinh tế đang phát triển một vai trò to lớn hơn, xứng đáng với sức mạnh mới giành được của họ, đồng thời có quyền yêu cầu các nền kinh tế mới nổi này đóng góp nhiều hơn, cả về mặt tài chính và nguồn lực".
"Việc cải tổ đòi hỏi sự nỗ lực và chủ động của mỗi thành viên cộng đồng quốc tế, dù lớn hay nhỏ", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
"Việt Nam có mô hình quản trị phù hợp"
Thủ tướng thông tin trước khoảng 2.000 đại biểu đến từ khắp các nước về tình hình Việt Nam.
Ảnh: AP |
Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng một vai trò tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn hợp tác quốc tế như ASEAN. APEC, ASEM, và Liên hợp quốc. Năm nay, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thành viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch của ASEAN.
"Có được thành tựu này cũng là một phần nhờ có một nền quản trị phù hợp", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
"Chúng tôi đã xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới".
Thể chế hóa sự tham gia của ASEAN trong G20
Liên quan đến các cơ chế quản trị toàn cầu, Thủ tướng phân tích cần cải tổ Liên hợp quốc - tổ chức quản trị toàn cầu quan trọng còn đang gặp nhiều khó khăn do các nước còn chưa đạt đồng thuận về nhiều vấn đề then chốt, trong đó có việc mở rộng thành viên của Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, những nỗ lực gần đây của Liên hợp quốc trong việc tăng cường tính minh bạch và hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trong đó có sáng kiến Một Liên hợp quốc mà Việt Nam là một thành viên đang thử nghiệm thành công là rất đáng hoan nghênh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, "G20 là một bước tiến đúng hướng".
Trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vừa qua, G20 đã thành công trong việc phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô toàn cầu, góp phần quan trọng giúp nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng và phục hồi. G20 cũng có tính đại diện rộng rãi hơn, phản ánh đúng hơn bối cảnh mới của thế giới so với G8.
Tuy nhiên, sẽ còn cần nhiều thời gian và nỗ lực chung để G20 phát triển trở thành một tổ chức quản trị toàn cầu mới hữu hiệu.
"Để G20 tăng cường tính đại diện của mình, việc thể chế hoá sự tham gia của các đại diện các tổ chức khu vực như ASEAN, các định chế tài chính - tiền tệ thế giới vào các hoạt động của G20 là bước đi cần thiết tiếp theo", Thủ tướng Việt Nam, đồng thời là đại diện của ASEAN tham gia Diễn đàn Kinh tế thế giới phát biểu.
Thủ tướng Việt Nam cũng nêu câu hỏi "phải chăng sẽ đến lúc trên cơ sở G20, cần thành lập Hội đồng An ninh Kinh tế Liên hợp quốc, với cơ cấu và quyền hạn tương tự như Hội đồng Bảo an?"
ASEAN có thể đóng góp hiệu quả
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các tổ chức quản trị khu vực tốt là những nền tảng quan trọng cho một nền quản trị toàn cầu hữu hiệu.
ASEAN là một ví dụ. Hiệp hội khu vực rất thành công này trên thực tế đã đóng vai trò quan trọng đối với tiến trình xây dựng thể chế khu vực và liên khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương, với ngày càng nhiều đối tác tham gia như Diễn đàn khu vực (ARF); ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), APEC, ASEM v.v...
ASEAN cũng có khả năng đóng góp hiệu quả cho các thể chế quản trị toàn cầu với tư cách là một tổ chức khu vực nòng cốt của các cơ chế hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương và đại diện cho ý chí và nguyện vọng của các nước đang phát triển mong muốn xây dựng một môi trường thể chế toàn cầu hiệu quả.
Đặc biệt, sự tham gia của ASEAN vào các hội nghị thượng đỉnh G20 vừa rồi không chỉ mang tính chất “biểu tượng”, mà còn có ý nghĩa rất thiết thực, góp tiếng nói từ một tổ chức khu vực quan trọng tại G20, tạo điều kiện cho ASEAN và các cơ chế khu vực do ASEAN làm nòng cốt đóng góp tốt hơn vào các sáng kiến phối hợp chính sách trên phạm vi toàn cầu của G20.
-
Hiền Anh