TP.HCM không có vùng cấm trong án tham nhũng
- “Điều mà tôi tin tưởng là TP.HCM không có vùng cấm trong án tham nhũng" - Phó Giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh nói tại buổi tọa đàm "Nói và làm" đầu tiên của năm 2010, hôm qua (3/1).
Theo ông Phan Anh Minh, nếu xét về số lượng, TP.HCM là địa phương có số vụ tham nhũng bị khởi tố cao nhất.
“Điều mà tôi tin tưởng là TP.HCM không có vùng cấm trong án tham nhũng. TP đã từng khởi tố 2 chủ tịch UBND quận, huyện vì tội danh này”, ông Minh dẫn chứng. Tuy nhiên, theo ông Minh, quan điểm xử lý án tham nhũng trong hệ thống pháp luật còn có sự khác nhau. “Điển hình như vụ án Gò Môn đã xử sơ thẩm, phúc thẩm rồi nhưng bây giờ lại hủy án. Sau khi lãnh đạo các ngành ngồi lại với nhau, vụ việc lại tái khởi động từ con số 0. Chúng ta cứ làm lòng vòng kiểu này, người dân khó mà đồng tình, chia sẻ”. Trao đổi bên lề với PV VietNamNet, Phó Giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh cho rằng, số lượng các vụ khởi tố án tham nhũng từ tin tố giác là không cao và cũng không có vụ tham nhũng nào tại TP.HCM là do tự phát hiện. “Trong thâm tâm, tôi không mong có nhiều án tham nhũng tại TP nhưng tôi mong là hễ phát hiện được tham nhũng thì chúng ta phải xử lý ngay, xử lý triệt để. Án tham nhũng hiện nay được xử lý quá chậm…”, ông Minh nói.
Quá tải, công chức không thể cười với dân
Theo ông Phan Anh Minh, năm qua, CATP đã tiếp tục thực hiện việc liên thông trong việc giải quyết nhằm giảm thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Phó GĐ Công an TP.HCM Phan Anh Minh: Xử lý án tham nhũng hiện đang quá chậm. Ảnh: Đ.Q
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do "vướng" các quy định "lạc hậu", theo cách gọi của ông Minh. Đăng bộ xe, loại thủ tục hành chính liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân, được CATP thực hiện CCHC đầu tiên. Vậy nhưng ý muốn tiết giảm thời gian cho người dân trong việc đến đăng ký xe của CATP lại gặp khó.
Ông Minh kể: "Muốn giảm thời gian đi lại làm thủ tục đăng ký xe cho người dân thì phải có sự liên thông kiểu 1 cửa giữa công an, doanh nghiệp bán bảo hiểm và nhóm làm dịch vụ cà số sườn, số máy. Chúng tôi đã thí điểm tổ chức lực lượng làm dịch vụ này, trao đổi với bên bảo hiểm với mong muốn tập trung cả 3 vào 1 chỗ nhưng lại không qua được quy định "trụ sở công an thuộc đất quốc phòng an ninh không được phép tổ chức làm dịch vụ trên đó". Rốt cuộc, dân phải chạy đầu này cà số, chạy đầu kia mua bảo hiểm rồi lại chạy tới đầu nọ gặp công an nộp hồ sơ...".
Chúng ta phải xem lại chuyện này "để phân định rõ cái gì thuận lợi cho dân thì nên làm. Những quy định đã lạc hậu với cuộc sống và nhất là đã lạc hậu so với yêu cầu CCHC thì phải xóa bỏ, thay đổi”, ông Minh khẳng định.
Ông Minh cũng cho rằng muốn CCHC, trước hết, phải cải tiến trang thiết bị làm việc, đặc biệt là các điều kiện về công nghệ tin học để tăng năng suất giải quyết hồ sơ.
“Chúng ta cứ yêu cầu cán bộ, nhân viên hành chính phải cười với dân trong khi họ luôn phải làm việc trong tình trạng hồ sơ quá tải mà lại rất thiếu các phương tiện, thiết bị hỗ trợ”, ông Minh bức xúc.
“Trong năm 2010, TP phải quyết tâm không chỉ là giảm 30% thủ tục hành chính mà có những lĩnh vực phải là 50 - 70%”, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nhấn mạnh. Vì vậy, theo bà, những kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm hỗ trợ hoặc tháo gỡ các khó khăn của các sở, ngành cần phải được chính quyền TP lưu tâm giải quyết đến nơi, đến chốn.
Hoang hóa, lãng phí chỉ vì cái chòi… Đề cập đến vấn đề sử dụng đất công, kho bãi lãng phí, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP cho rằng cấn xem xét lại việc đánh giá doanh nghiệp sử dụng đất công đúng hay không đúng mục đích thế nào cho chính xác.
Bởi theo ông, nếu đánh giá sai, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của DN, làm hạn chế sự phát triển và đóng góp của DN cho kinh tế TP. “Một doanh nghiệp trước đây khi nhận đất hoặc được giao đất, do các yếu tố "lịch sử để lại", mà có đất là kho bãi và bây giờ họ xin chuyển quyền sử dụng đất, đăng ký lại chức năng làm kinh doanh bất động sản và cao ốc văn phòng thì căn cứ vào chức năng mới, không thể nói họ sử dụng đất sai mục đích”, ông Lịch dẫn chứng. Ngoài ra, ông Lịch cũng cho rằng, chính cơ chế đã góp phần tạo ra sự nhập nhằng này. Ông đưa ra ví dụ về một doanh nghiệp trung ương có mặt bằng giá trị hàng ngàn cây vàng và trên mảnh đất này, họ xây một "cái chòi" trị giá chỉ khoảng 5 - 10 triệu đồng. “Theo quy định, "cái chòi" này nằm trong bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp và việc xử lý "cái chòi" đó thuộc Bộ Tài chính. Khi cái chòi này còn thuộc về DN thì đất mà cái chòi ấy đang tọa lạc đương nhiên cũng thuộc về DN. Một cơ chế kỳ cục cứ thế kéo dài và các DN đã không ngần ngại tận dụng nó”, ông Lịch bức xúc. Cần đánh giá lại cho đúng các vấn đề căn cứ trên những quy định pháp lý đồng thời phải rà soát lại các quy định; những quy định nào đã không còn phù hợp thì phải thay đổi, bãi bỏ và cuối cùng, "điều cố yếu nhất, chúng ta phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm tạo động lực phát triển kinh tế", ông Lịch đề nghị.
"Cái chòi" còn thì đất còn, một cơ chế kỳ cục cứ thế kéo dài..." - TS Trần Du Lịch nói. Ảnh: Đ.Q
-
Đoàn Quý