- Ngày 27/4 tại Hà Nội, lần đầu tiên, hai ủy ban của Quốc hội Việt Nam và đại diện đông đảo cộng đồng quốc tế cùng thảo luận những nguy cơ, tác động của biến đổi khí hậu đối với tiến trình phát triển của Việt Nam.
Khuyến khích tư nhân tham gia ứng phó
|
Quốc hội đặt vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là vấn đề môi trường. Ảnh: XL
|
Biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là vấn đề môi trường mà chính là vấn đề phát triển bền vững - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH Ngô Quang Xuân thẳng thắn mở đầu hội thảo.
Ông Xuân nhắc đến mối đe dọa trực diện đối với Việt Nam mà gần như đã biến thành khái niệm, rằng, Việt Nam là một trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Mê Công sẽ bị ngập chìm nặng nhất.
"Tác động của biến đổi khí hậu đối với kinh tế - xã hội và môi trường chưa thể lường hết được, song chắc chắn biến đổi khí hậu là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nguy cơ tiềm tàng đối với sự phát triển bền vững và việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ", ông nói.
Đồng tình với ông Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Lê Bộ Lĩnh cho rằng biến đổi khí hậu đã trở thành "vấn đề sống còn" đối với Việt Nam. Cách khôn ngoan nhất, theo ông Lĩnh, đó là phải nhận thức được mối đe dọa và ứng phó với mối đe dọa đó.
Một chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã được đưa ra, trong đó tính toán tổng kinh phí thực hiện lên đến 1.965 tỷ đồng. Việt Nam dự tính huy động 50% nguồn lực kinh phí từ cộng đồng quốc tế cũng như khuyến khích khu vực tư nhân tham gia ứng phó.
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, đơn vị phối hợp với Quốc hội Việt Nam tổ chức hội thảo, gợi ý việc đàm phán để mang tiền của các nhà đầu tư Mỹ hay các nhà đầu tư nước ngoài khác dành cho ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo bà, không chỉ các nhà đầu tư Mỹ mà cả các nhà đầu tư từ các nước khác khi vào thị trường Việt Nam đều tính đến những lợi ích lâu dài. Những ảnh hưởng lâu dài của biến đổi khí hậu có thể là một trong những cân nhắc của họ.
Bà Foote nhấn mạnh: "Mỹ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam thực hiện các chương trình giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu đem lại".
Cần một nghị quyết của Quốc hội
Theo lộ trình, trong hai năm 2009-2010, Việt Nam chính thức khởi động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Trần Thục - Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng, Thủy văn và Môi trường cho biết đầu năm 2009 hoàn thành việc xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương sẽ xây dựng kế hoạch hành động của mình. Cuối năm 2010, cơ quan chuyên môn sẽ cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho từng giai đoạn. Để ứng phó quyết liệt hơn với biến đổi khí hậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Nghiêm Vũ Khải đặt câu hỏi: "Phải chăng ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là công việc của cơ quan hành pháp mà còn là công việc của các cơ quan lập pháp và tư pháp?".
Cho đến nay, Nhà nước đã phê chuẩn điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu và ban hành văn bản luật quan trọng làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các chính sách biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ủy ban của ông Khải đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về các biện pháp ứng phó đối với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là chính sách quan tâm hỗ trợ cộng đồng nghèo cũng như đẩy mạnh tiến độ thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và những khu vực bị tác động mạnh mẽ do biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
|