,
221
1301
Bàn tròn - Trực tuyến
bantrontructuyen
/bantrontructuyen/
895036
"Quan hệ Việt Mỹ ngày càng mang tính chiến lược"
1
Article
null
,

'Quan hệ Việt Mỹ ngày càng mang tính chiến lược'

Cập nhật lúc 16:41, Thứ Sáu, 02/02/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Trong cuộc trò chuyện trực tuyến kéo dài hai giờ đồng hồ trên VietNamNet, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Marine đã chia sẻ với bạn đọc những kiến giải, nhìn nhận của ông về hiện tại và tương lai của mối quan hệ Việt - Mỹ; sự "lạc quan vào tương lai tươi sáng của VN" và cả những trải nghiệm cá nhân của một vị Đại sứ.

VietNamNet xin giới thiệu toàn văn nội dung cuộc trực tuyến này.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa các bạn, ngài Michael Marine, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có mặt tại trường quay của VietNamNet để bắt đầu cuộc bàn tròn trực tuyến theo chủ đề mà chúng tôi đã nêu.

Toàn cảnh cuộc trực tuyến với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Marine.

Đại sứ Michael Marine: Xin chào độc giả VietNamNet, và cám ơn các bạn đã gửi rất nhiều câu hỏi.

"Mối quan tâm và lợi ích của hai bên ngày càng gần nhau hơn"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết sẽ là câu hỏi của bạn Trần Văn Đạo (Đầm Trấu - Hai Bà Trưng - Hà Nội): Xin Đại sứ cho biết vị trí của Việt Nam trong chiến lược của Hoa Kỳ tại châu Á - Thái Bình Dương?

Đại sứ Michael Marine: Hoa Kỳ mong muốn có quan hệ bình thường với tất cả các quốc gia. Mức độ sâu sắc của mối quan hệ phụ thuộc vào những gì hai bên cùng mong muốn.

Trong 11 năm qua, đặc biệt là trong 3 năm gần đây, các mối quan tâm và lợi ích của hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng gần nhau hơn, nên quan hệ giữa hai nước ngày càng mang tính chiến lược so với 5 hoặc 6 năm trước đây.

Bạn Dương Minh Hùng (TP Huế) ở địa chỉ dungdm_1980@yahoo.com: Theo ông, có thể nâng mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm chiến lược được không?

Đại sứ Michael Marine: Tôi tin là có thể. Như tôi đã trả lời câu hỏi trước, mối quan hệ giữa 2 nước ngày càng mở rộng, càng sâu sắc hơn, không chỉ bó hẹp trong khía cạnh kinh tế, thương mại mà còn ở nhiều khía cạnh khác. Tôi tin rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến về phía trước. 

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:
Ông có nghĩ quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn mối quan hệ chiến lược này không?

Đại sứ Michael Marine: Các thành viên trong Quốc hội Hoa Kỳ cũng có mối quan tâm rất lớn đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Dù một số thành viên có những mối quan tâm rất cụ thể như thương mại, nhân quyền, tự do tôn giáo hoặc các vấn đề liên quan đến hậu quả chiến tranh, nhưng nhìn chung Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ việc xây dựng mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Việt Nam. 

Nguyễn Thanh Nhân (207 Nguyen Van Dau, TPHCM) - nhan_nguyen1974@yahoo.com - Hoa Kỳ muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nào ở Việt Nam, cả ngắn hạn và dài hạn?

Đại sứ Michael Marine: Đây là một câu hỏi rất hay, và nếu như tôi có khả năng dự đoán được tương lai thì tôi sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Quyết định của các công ty Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố trên thị trường, ví dụ như các điều kiện kinh doanh, trình độ giáo dục, trình độ lao động...

Nếu phải đưa ra một dự đoán cụ thể, theo tôi đó sẽ là lĩnh vực công nghệ thông tin. Ví dụ điển hình nhất là công ty Intel đã quyết định đầu tư rất nhiều tiền vào một dự án tại TP. Hồ Chí Minh.

Và, còn nhiều lĩnh vực khác nữa bởi các nhà đầu tư Hoa Kỳ không chỉ giới hạn hoạt động của mình trong lĩnh vực sản xuất. Họ muốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ, tài chính, giải trí.... Các công ty của Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực nói trên và họ đang tiếp tục tìm hiểu, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Mỹ không ủng hộ những hành động chống phá VN

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhân đây tôi muốn hỏi, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cam kết hợp tác ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, được xác định như những hành động bạo lực chống lại công chúng.

Theo chúng tôi được biết, không có bất kỳ công dân Việt Nam nào có ý đồ lật đổ Chính phủ Mỹ hoặc đánh bom các đại sứ quán Mỹ hoặc các địa điểm đông người tại New York.

Tuy nhiên, có những công dân Mỹ công khai kêu gọi lật đổ Chính phủ Việt Nam, âm mưu đánh bom các đại sứ quán của Việt Nam, và các địa điểm đông người ở TP Hồ Chí Minh.

Tại sao Chính phủ Hoa Kỳ không thực hiện các hành động pháp lý đối với những cá nhân đó? Nếu họ thành công dù chỉ một lần, nhiều người Việt Nam đổ máu và mối quan hệ giữa hai nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy Chính phủ Hoa Kỳ còn phải đợi gì nữa?

Đại sứ Michael Marine: Về câu hỏi này, chúng ta cần phân tích một chút. Có những luận điểm cho rằng, có những phần tử có liên quan đến công dân Mỹ thực hiện các hành vi bạo lực nhằm vào các lợi ích cả ở trong và ngoài Việt Nam có liên quan đến công dân Mỹ.

Chúng tôi xem xét rất nghiêm túc các luận điểm này, nhất là các sự vụ nào có sự tham gia của công dân Mỹ. Tuy nhiên, các cáo buộc này cần phải được điều tra và thu thập đủ bằng chứng trước khi đưa ra các hành động pháp lý đối với các cá nhân đó.

Hiện, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đang đối thoại tìm ra phương cách chia sẻ thông tin. Nếu như có đủ bằng chứng mới có thể tiến hành truy tố dựa trên những cáo buộc trên.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có một số công dân Mỹ tới Việt Nam và âm mưu đánh bom các địa điểm đông người. Việt Nam đã tiến hành điều tra, ông nghĩ gì về điều này?

Tôi không rõ về trường hợp cụ thể nào. Không biết họ đang bị ở tù hay ở đâu?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Họ đã rời Việt Nam và hiện đang ở Mỹ.

Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Chính phủ Việt Nam để tiến hành điều tra.

Bạn Đinh Quân, Nam 21 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM: Tôi là một công dân VN rất quan tâm đến mối quan hệ giữa hai nước. Gần đây trên Internet, xuất hiện nhiều khẩu hiệu chống phá Việt Nam. Được biết những phần tử này được nhiều sự hậu thuẫn của các thế lực nước ngoài, trong đó có những thế lực ở Hoa Kỳ. Ngài có thể chia sẻ nhận định của mình về vấn đề này?

Đại sứ Michael Marine: Tôi không nghĩ điều bạn nói là một thực tế, bởi không có lý do gì, lợi ích gì cho Mỹ khi ủng hộ những hoạt động phản đối như thế. Nhưng chúng tôi lại ủng hộ tự do ngôn luận, và internet là nơi họ có thể tự do biểu đạt những suy nghĩ và quan điểm của họ thông qua một số trang web.

Tôi không biết về trường hợp cụ thể bạn nói, nhưng tôi có thể khẳng định Chính phủ  Mỹ không ủng hộ những hành vi như bạn đã nêu.

Giá trị thật của việc cho phép người ta thể hiện quan điểm riêng trên mạng internet hoặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng khác là tạo điều kiện cho mỗi người tự quyết định ủng hộ hay phản đối một quan điểm... Và nếu chúng ta trao thêm quyền cho các cá nhân thì chúng ta chỉ làm cho xã hội ngày càng mạnh mẽ hơn mà thôi

Người viết ra câu  hỏi này phản đối những quan điểm mà anh ta đọc được. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai cũng có quyền phản đối hay đồng tình với những quan điểm được đưa lên mạng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Trần Đức Quảng, Hà Nội hỏi: "Đại sứ đã tận mắt chứng kiến các nạn nhân chất độc da cam hay chưa? Nếu rồi, ông nói gì với Chính phủ Mỹ để hỗ trợ họ"?

Đại sứ Michael Marine: Trong hai năm rưỡi qua và trong những năm 80 khi tôi đến VN để thực hiện một số cuộc đàm phán với các quan chức VN, tôi đã gặp một số người khuyết tật.

Không ai có thể phủ nhận, ở VN có rất nhiều người tàn tật và  những người này đều cần và xứng đáng được giúp đỡ.

Tôi tự hào nói rằng Mỹ là nước đứng đầu trong nỗ lực hỗ trợ các nạn nhân khuyết tật của VN. Các tổ chức và các công dân Mỹ cũng đã có đóng góp rất nhiều vào nỗ lực này.

Tuy nhiên, thật thà mà nói thì tôi không chắc tôi đã nhìn thấy nạn nhân chất độc da cam hay chưa, vì chúng ta vẫn còn thiếu những nghiên cứu thật chuẩn xác về nguyên nhân của nhiều trường hợp tàn tật tại Việt Nam...

Điều đó không có nghĩa tôi tin và chắc chắn rằng những người tôi đã gặp không phải là nạn nhân dioxin, mà bởi vì chưa có cơ sở khoa học để khẳng định diều đó.

Có hai điểm tôi muốn nói, là về sinh quái thai và dị tật. Có rất nhiều yếu tố gây ra điều này, như dinh dưỡng, di truyền, bệnh nghề nghiệp hoặc thậm chí tuổi của bố mẹ.  Vì vậy, cần có thêm các cuộc nghiên cứu quốc tế để xác định nguyên nhân các truờng hợp quái thai hoặc dị tật bẩm sinh.

Nhân đây tôi nhắc lại, TT Bush và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đều đã nhấn mạnh trong tuyên bố chung ngày 17/11 rằng những nỗ lực lớn hơn nữa trong việc nghiên cứu và xử lý ô nhiễm môi trường ở gần những điểm còn lưu lại vết tích của chất hóa học đã thả xuống trong thời gian thì sẽ có tác dụng đóng góp nhiều hơn trong phát triển mối quan hệ giữa hai nước.

Hiện, những nỗ lực chung này đang được thực hiện. Chúng tôi đang làm việc với Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Quốc phòng,  quỹ Ford cùng một số tổ chức khác làm dự án nghiên cứu tại sân bay Đà Nẵng để lên kế hoạch tẩy độc cho môi trường trong khu vực cũng như phát triển các dịch vụ nhằm hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng trong phạm vi này.

Tôi hy vọng những bài học rút ra từ dự án này sẽ giúp chúng ta lập nên kế hoạch tẩy độc hoặc cải thiện môi trường ở các địa điểm khác.

Cùng lúc đó, Chính phủ Mỹ sẽ vẫn tiếp tục giúp đỡ các nạn nhân khuyết tật mà không cần biết họ bị vì những nguyên nhân gì.

"Chúng tôi đang chờ đợi chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Nguyễn Minh Triết"

Bạn Bùi Đức Duy (Nghệ An): Trong 3 năm ở VN, điều gì làm ông ấn tượng nhất? Theo ông, quan hệ Việt - Mỹ sẽ có những chuyển biến gì trong năm 2007có đột phá gì mới hay không?

Đại sứ Michael Marine: Điều ấn tượng nhất với tôi đó là việc Việt Nam làm chủ nhà của APEC. Nhiều người đã băn khoăn liệu VN sẽ thành công đến đâu khi tổ chức sự kiện này. Nhưng VN và Hà Nội nói riêng đã rất thành công, không chỉ về mặt hậu cần mà còn cả về nội dung thực chất của sự kiện này.

Một thành tựu khác quan trọng không kém là việc Việt Nam đã kết thúc thành công đàm phán gia  nhập WTO với sự chuyên nghiệp cao và tâm huyết lớn. Kết quả đàm phán không chỉ tốt cho VN mà còn cho cả các đối tác thương mại của VN đã là thành viên của WTO, trong đó có nước Mỹ.

Về quan hệ hai nước trong năm 2007, tôi trông đợi xu hướng tích cực tiếp tục diễn ra, và chúng ta mở rộng nhiều lĩnh vực như hợp tác trong y tế và quân đội hai nước. Năm 2007, tôi tiên liệu sẽ có bước nhảy vọt về đầu tư của Mỹ tại VN và tăng trưởng cao trong thương mại hai chiều giữa hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhận lời mời đến thăm nước Mỹ. Chúng tôi rất trông đợi và đang thu xếp cho chuyến thăm này.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Trần Đức Quảng, Hà Nội: Ông có đề xuất gì với Chính phủ Mỹ để mối quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp hơn?

Đại sứ Michael Marine: Cũng như các đại sứ khác tôi cũng đã nêu ra rất nhiều đề xuất và trong số đó,  nhiều ý kiến là do các nhân viên của chúng tôi ở đại sứ quán góp ý. Và nếu được thực hiện thì nó sẽ rất có ích cho quan hệ hai nước.

Nhưng, các ý tưởng  này khi đưa ra, cần phải được các nhà hoạch định chính sách ở Washington chấp nhận và phải tìm được những nguồn ngân quỹ để thực hiện.

Để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc vận động để các quan chức trong QH Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ đến thăm VN để tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra.

Đến nay, trong vòng 18 tháng qua, chúng tôi đã có nhiều thành công trong việc vận động này. Đây là việc làm hữu ích giúp thúc đẩy quan hệ hai nước. Nhưng các chương trình hợp tác đó cụ thể đến đâu thì lúc này vẫn còn quá sớm để có thể nói ra.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông dự đoán thế nào về quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm, 20 năm tới?

Đại sứ Michael Marine: Tôi rất lạc quan, Mỹ và VN có chung lợi ích trong nhiều vấn đề, chúng ta đã phát triển được năng lực thực sự để cùng trao đổi và giải quyết tất cả vấn đề, kể cả những vấn đề chúng ta chưa nhìn thẳng vào mắt nhau. Tôi nghĩ chính những ràng buộc trong quá khứ sẽ thúc đẩy thêm mối quan hệ này.

Hi vọng tôi có thể làm cho người Việt ở Mỹ hiểu đúng về Việt Nam hơn

Nguyễn Văn Thắng - P. Hồng Hải, Tp Hạ Long, Quảng Ninh - halong1968@yahoo.com.vn: Kính thưa Ngài đại sứ, trong thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có những bước phát triển tốt đẹp từ hoà giải tiến tới quan hệ làm ăn. Rõ ràng, cả hai chính phủ đã vượt qua được quá khứ khó khăn để hướng tới tương lai. Tuy nhiên, có vẻ như cộng đồng người Việt ở Mỹ chưa thể làm được điều đó để hòa hợp với đất nước và dân tộc Việt Nam. Với tư cách là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông có nhận xét gì về vấn đề này, và nếu có thể đưa ra lời khuyên cho Chính phủ Việt Nam cũng như cho cộng đồng người Việt tại Mỹ, ông sẽ đưa ra lời khuyên gì để cộng đồng người Việt tại Mỹ có cái nhìn tích cực hơn về tình hình trong nước cũng như sẵn sàng tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam?

Đại sứ Michael Marine: Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi tin rằng bức tranh này tương đối "lẫn lộn", cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ không hoàn toàn chỉ có một quan điểm. Ở đó, họ có nhiều quan điểm khác nhau về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngày càng nhiều người có quan điểm tích cực về mối quan hệ này và có những đóng góp tích cực đối với Việt Nam.

Bằng chứng là ngày càng có nhiều Việt Kiều từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam làm việc, học tập hoặc tham gia vào các hoạt động từ thiện thông quan các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Bất cứ khi nào có thể, tôi đều tìm cơ hội gặp những người Mỹ gốc Việt để nói với họ những suy nghĩ, ấn tượng của tôi về Việt Nam cũng như lắng nghe những quan điểm của họ.

Tôi nghĩ rằng, các cuộc gặp như vậy rất hữu ích cho cá nhân tôi. Hy vọng, tôi đã giúp họ hiểu được hơn bởi Việt Nam ngày nay khác xa với Việt Nam trong quá khứ.

Một trong những thông điệp quan trọng nhất tôi nói với họ là hãy về Việt Nam để tự mình cảm nhận được sự thay đổi to lớn ở đất nước chứ không nên nghe theo lời kể của người khác hoặc dựa vào những hồi ức quá khứ.

Để thúc đẩy hòa giải giữa cộng đồng Việt Kiều với đất nước, tôi nghĩ chính phủ còn có thể làm được nhiều hơn nữa. Chẳng hạn như, một số quan chức Việt Nam đã có những hoạt động tiếp cận, giao lưu với cộng đồng Việt kiều ở Mỹ. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải làm nhiều hơn thế.

Việc thứ hai cần làm là đánh giá, cải tổ lại những luật, quy định có tác động đến Việt kiều như tài sản, thuế, việc làm... Việt Kiều trên khắp thế giới là một nguồn lực to lớn đối với mục tiêu công nghiệp hóa đất nước đến năm 2020. Như vậy, thu hút Việt Kiều trở về đóng góp cho đất nước là điều hết sức quan trọng.

Tôi có ấn tượng tốt với các lãnh đạo mới của Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Trần Hoàng Đức, Phúc Yên hỏi: "Đại sứ có suy nghĩ gì về  những thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo ở VN thời gian qua"?

Đại sứ Michael Marine: Cho đến nay, tôi rất ấn tượng với các nhà lãnh đạo mới. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa các nhà lãnh đạo cũ không tốt.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi lên điều hành đã có những bước đi nhanh chóng giải quyết nhiều vấn đề như tham nhũng, giao thông ở HN... Đây là những biểu hiện rất quan trọng.

Tôi rất ấn tượng với Bộ trưởng giáo dục mới Nguyễn Thiện Nhân, ông đã phải giải quyết  nhiều vấn đề khó khăn và đó đều là những vấn đề quan trọng với Việt Nam.

Tổng thống Bush khi đến VN đã dành nhiều thời gian với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ông ấn tượng với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết về những vấn đề Chủ tịch đưa ra bàn thảo và cung cách mà ông giải quyết vấn đề...

Đây là tín hiệu tốt về các nhà lãnh đạo mới của VN.

"Chính quyền địa phương biết rõ nhất điểm mạnh và yếu của nơi đó"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu hỏi của bạn Mạnh Đạt (Hà Nội): Ông đã đến nhiều tỉnh thành của Việt Nam, vậy ông có ấn tượng gì từ những chuyến đi đó?

Đại sứ Michael Marine: Có nhiều điều tôi cảm thấy thú vị. Nếu bạn muốn thật sự hiểu một đất nước, bạn phải đến nhiều thành phố, nhiều vùng miền. Việt Nam không phải một nước có diện tích lớn về địa lý, nhưng Việt Nam là đất nước rất đa dạng. Sự khác biệt giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi Tây Bắc và đường bờ biển miền Trung là rất lớn. Tôi thích thú nhất là được gặp gỡ những con người khác nhau, từ các nhà lãnh đạo đến những người dân bình thường, và thưởng ngoạn phong cảnh đẹp của Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông đánh giá thế nào về sự cạnh tranh của các tỉnh thành Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp?

Đại sứ Michael Marine: Cạnh tranh là điều bình thường, con người thậm chí có nhu cầu này. Các tỉnh thành có lãnh đạo tốt, làm việc tích cực, có những chính sách và quy định rõ ràng, thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ thu hút được nhiều đầu tư.

Tất nhiên, sự cạnh tranh cũng không thật công bằng, bởi có những tỉnh thành có những lợi thế lớn về vị trí địa lý, có cảng, có hệ thống cơ sở hạ tầng, có nguồn nhân lực tốt như Hà Nội, TPHCM. Vì thế, mỗi tỉnh cần có cách tiếp cận thực tế để đánh giá lợi thế của mình, có mục tiêu cụ thể, chẳng hạn với năng lực của địa phương mình thì họ nên thu hút đầu tư trong nước, Việt kiều hay đầu tư từ các nước trong khu vực... chứ không thể tỉnh nào cũng "nhắm" đến Intel.

Thêm một yếu tố nữa là cần chú ý hơn tới quan hệ vùng miền, cần có liên kết chặt chẽ hơn giữa các địa phương chẳng hạn cùng ở đồng bằng hoặc miền núi phía Bắc không nên cạnh tranh nhiều quá mà cần có sự liên kết để trở thành đối tác làm ăn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Dự đoán của ông trong thời gian tới về vai trò của chính quyền địa phương ở Việt Nam?

Đại sứ Michael Marine: Tôi tin rằng, chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng. Họ hiểu rõ địa phương mình hơn lãnh đạo cấp trung ương. Chính họ cần phân tích để phát huy thế mạnh và khắc phục những điểm yếu của địa phương mình.

Quan điểm của riêng tôi là cần có sự luân chuyển cán bộ giỏi giữa lãnh đạo trung ương hoặc các tỉnh phát triển với các tỉnh ít phát triển hơn. Việt Nam đã từng có chính sách này, nhưng chưa áp dụng rộng lắm.

Theo tôi, rất nên khích lệ mở rộng dân chủ cơ sở, gần đây dân đã có quyền bầu cán bộ cấp làng xã, cấp phường. Tôi mong quá trình này sẽ phát triển hơn nữa ở cấp quận huyện hoặc thành phố. Nếu được vậy, trách nhiệm giải trình của quan chức sẽ được nâng cao, và người dân sẽ tâm huyết hơn trong việc lựa chọn cán bộ thật sự có năng lực...

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc ở địa chỉ tanhungthinhcomputer@gmail.com: Thưa Ngài đại sứ, Ngài đánh giá thế nào về tình hình dân chủ, nhân quyền cũng như tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay?

Đại sứ Michael Marine: Đã có những cải thiện đáng kể trong các lĩnh vực kể trên, đặc biệt trong vòng 18 tháng qua, nhất là về tự do tôn giáo. Những người theo đạo đã có không gian rộng hơn để thể hiện quyền tín ngưỡng của mình.

Tôi vẫn nhớ, trong năm 2006 đã có một số cá nhân, nhóm người nói lên ý kiến của mình về việc đất nước nên làm gì, phát triển thế nào về mặt chính trị. Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng thận trọng, tuy nhiên việc cho phép những ý kiến đó được nói ra và chia sẻ là điều rất đáng chú ý.

Chính phủ Hoa Kỳ, và nhiều nước khác vẫn đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến này. Việt Nam tuyên bố sẽ ứng cử vào ghế thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ, đây là một thành tựu rất lớn đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, bất kỳ nước nào đề ra mục tiêu phấn đấu cho mình cần biết rằng họ phải tuân theo những tiêu chuẩn cao hơn về mặt nhân quyền. Tôi hy vọng, những tiến bộ trong thời gian vừa qua cần được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.

Có hai bước quan trọng tôi mong muốn được thấy, đó là:

- Bãi bỏ nghị định 31 về quản chế tại gia. Điều này theo tôi được biết, Quốc hội đã bàn đến.

- Thông qua luật về hội. Đây là một luật rất cơ bản về hoạt động xã hội.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xét về tổng thể, ông nghĩ rằng tình hình ở Việt Nam hiện nay tích cực hơn chứ ?

Đại sứ Michael Marine: Vâng, đúng là đã có những tiến triển tích cực, đặc biệt là về tự do tôn giáo. Đây là lý do Hoa Kỳ đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình này. Cá nhân tôi tin rằng, mọi thứ sẽ còn tiến bộ. Tuy nhiên, tự do ngôn luận và tự do hội họp vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt. Nó chỉ có một số dấu hiệu không rõ ràng.

"Kinh tế thị trường có định hướng XHCN" là cụm từ chuẩn xác nhất...

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu hỏi của bạn hoaphuongvimuahe ở Học viện Chính trị QG: "Thưa đại sứ, chúng tôi là nước xã hội chủ nghĩa, điều này có ý nghĩa như thế nào với nước Mỹ? Bước sang thế kỷ 21, chúng tôi vẫn đi tiếp con đường này. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

Đại sứ Michael Marine: Về vấn đề hiện nay VN có phải là nước XHCN hay không vẫn còn đang tranh cãi. Hiện nay, nền kinh tế thị trường có nhiều tác động đến đời sống của người dân. Nhưng rõ ràng, thời đại ngày nay mở ra nhiều cơ hội việc làm cho những người làm việc chăm chỉ, tích cực.

Có một điều hết sức rõ ràng, Đảng cộng sản và chính phủ VN đều có mục tiêu hàng đầu là làm sao cho mọi người dân đều cùng được hưởng những thành quả kinh tế, tránh tình trạng chỉ một thiểu số được hưởng những thành tựu này.

Nước Mỹ là một nước phát triển dựa trên tự do kinh tế, chính trị và dân chủ. Chúng tôi tin rằng đây là hệ thống tốt nhất cho sự thịnh vượng.

Chúng tôi khuyến khích sự phát triển ở VN, nhưng có một điều cần phải làm là cần có những chương trình tập trung của Chính phủ để hỗ trợ  những vùng nghèo, vùng sâu vùng xa.

Để mô tả Việt Nam thì cụm từ kinh tế thị trường có định hướng XHCN là cụm từ chuẩn xác nhất. Tôi nghĩ rằng, với tình hình thực tế như vậy, giáo dục là yếu tố quan trọng, khi những người trẻ tuổi ở Việt Nam có cơ hội tiếp xúc và học tập thì những người trẻ tuổi tài năng sẽ có cơ hội phát triển tài năng và đó là điều có lợi cho họ cũng như cho đất nước.

Thanh niên VN là nhân tố quan trọng sống còn đối với tương lai VN

Bạn Ngô Hùng Duy (Quảng Ngãi): Ông đã sống ở Việt Nam gần 3 năm, ông nhận xét gì về giới trẻ VN ngày nay, và điều khác biệt giữa giới trẻ Việt Nam và giới trẻ Mỹ là gì?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ có ít sự khác biệt hơn so với tưởng tượng của chúng tôi. Mọi người đều mong muốn những thứ cơ bản giống nhau. Nhưng môi trường sống, kinh nghiệm và nền giáo dục làm nên sự khác biệt, kể cả khác biệt trong suy nghĩ.

Tôi tin rằng, những thanh niên VN là nhân tố quan trọng sống còn đối với tương lai VN. Họ sẽ trở thành những nhà lãnh đạo đất nước. Họ không phải trải qua và bị "định hình" bởi những giai đoạn khó khăn trong quá khứ, được hưởng sự thịnh vượng tốt hơn cha anh, nhưng phải có trách nhiệm làm việc nhiều hơn vì bản thân họ, gia đình và đất nước..

Như tôi nói phần trước, yếu tố quan trọng nhất để VN thành công trong 10 - 20 năm tới là thanh niên cần được tiếp cận với môi trường giáo dục tốt. Việc học tập không dừng lại khi bạn tốt nghiệp, mà học tập là việc cả đời.

Nên mở rộng cơ hội cho tư nhân tham gia giáo dục

Vũ Đức Nhân (978 Nguyễn Thị Định, TP HCM) - huutai20022002@yahoo.com - Trong thời kỳ hậu WTO, theo ông lớp trẻ chúng tôi cần trang bị cho bản thân những gì để có thể hoà nhập cùng thế hệ trẻ Mỹ, thế hệ trẻ quốc tế?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ đây là một câu hỏi cực kỳ quan trọng. Tôi đã thảo luận với nhiều quan chức Chính phủ Việt Nam, bởi cùng nhiều người khác, tôi tin rằng việc cải cách giáo dục ở Việt Nam mang ý nghĩa sống còn. Có hai lĩnh vực tôi nghĩ cần phải cải thiện để các bạn trẻ có thể có đủ năng lực cạnh tranh trong thời đại hậu WTO là kỹ năng vi tính, và tiếng Anh.

Một xu thế quan trọng nữa về mặt chính sách là cần mở rộng cơ hội cho tư nhân tham gia vào giáo dục. Như vậy, các trường, học viện của Hoa Kỳ có lý do cân nhắc việc đến với Việt Nam, xây dựng cơ sở đào tạo, hoặc hợp tác với các đối tác địa phương để mở rộng cơ hội giáo dục cho các bạn trẻ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Liệu sinh viên Việt Nam sẽ có nhiều hơn những học bổng, những cơ hội đến Mỹ học, không chỉ qua học bổng Fulbright và VEF?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ sẽ còn cần thảo luận thêm về việc hợp tác thế nào trong giáo dục. Nước Mỹ đã tài trợ nhiều học bổng thông qua VEF và Fulbright. Ngoài ra, các bạn trẻ có thể cạnh tranh để giành được nhiều học bổng do chính các trường của Mỹ cấp nếu họ học tiếng Anh từ sớm hơn.

Vấn đề không chỉ là việc chính phủ quyết định học sinh phải học tiếng Anh từ lớp 4 mà cần có nguồn lực để sao cho GV có thể dạy tiếng Anh cho học sinh được tốt nhất.

Chúng tôi đang muốn thực hiện chương trình Peace Corps ở Việt Nam. Những tình nguyện viên trẻ tuổi của Mỹ sẽ đến đây, có lẽ trước hết họ sẽ tham gia vào lĩnh vực giáo dục, giảng dạy để nâng cao tình độ tiếng Anh cho người Việt Nam. Tôi mong sẽ sớm có thỏa thuận giữa hai nước về điều này.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy, Việt Nam cần làm gì để thu hút các trường đại học hàng đầu của Mỹ đến với mình?

Đại sứ Michael Marine: Đây là một vấn đề đang được thảo luận rất nhiều ở Việt Nam. Tôi tin rằng, cả chính quyền cấp trung ương và địa phương có thể làm được nhiều điều để đạt được nó.

Với các trường của nước ngoài nói chung và của Hoa Kỳ nói riêng, họ cần tính toán đến những rủi ro khi đến Việt Nam.

Do đó, họ cần có những điều kiện tốt về kinh doanh, sở hữu đất... để họ thấy được rằng mình có lý khi đến Việt Nam.

Quyền tự do về mặt học thuật cũng rất quan trọng. Các giảng viên cần được dạy theo cách mà họ nghĩ là hiệu quả nhất mà không bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Việt Nam được TDA chọn là đất nước của năm 2006. Điều đó sẽ có ý nghĩa gì trong thực tế?

Đại sứ Michael Marine: TDA là một tổ chức thúc đẩy thương mại, và họ công nhận Việt Nam là một đối tác tốt về đầu tư. Sự công nhận này sẽ tạo điều kiện để phát triển hơn nữa quan hệ đầu tư, thương mại, cũng như tạo điều kiện để US TDA ủng hộ những thỏa thuận thương mại giữa các doanh nghiệp Mỹ và VN.

Nước Mỹ ngày nay và những mối đe doạ toàn cầu

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cách đây vài ngày có một cuộc thăm dò về mức độ tín nhiệm của Tổng thống Mỹ, và chỉ có 28% số người được hỏi ủng hộ TT Bush. Ông có nhận xét gì? Tại sao mức độ tín nhiệm của tổng thống Mỹ lại thấp như vậy?

Đại sứ Michael Marine: Những thăm dò ý kiến ở Mỹ đã được làm nhiều năm nay. Những đánh giá tính điểm về các cá nhân hay chính sách sẽ tăng lên hay giảm đi tùy thuộc vào tình hình thế giới.

Có một điều rõ ràng là những ngày này, dư luận Mỹ đang thảo luận nhiều về chính sách của Mỹ với vấn đề Iraq.

Tuy nhiên, một điều rõ ràng nữa là Chính phủ Mỹ  không hoạt động trên những thăm dò dư luận. Những quyết định của Chính phủ dựa trên bức tranh lớn. Nhiệm vụ của những người trong ngành hành pháp là nhận lệnh và thi hành theo tổng thống. Thăm dò dư luận là thước đo nào đó nhưng không trực tiếp ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, sẽ không có một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran chứ?

Đại sứ Michael Marine: Tôi không phải là một chuyên gia về mối quan hệ giữa Mỹ và Iran. Nhưng tôi nghĩ chính phủ Iran cần chú ý hơn đến những quan điểm của thế giới về việc phát triển vũ khí hạt nhân của họ. Còn nhiều việc phải làm trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, tuy nhiên tôi cho rằng không nên nghĩ đến các động thái quân sự.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu hỏi của bạn Minh Dũng, Hà Nội: Xin chào ngài đại sứ. Hiện tại, Mỹ là nước có ảnh hưởng lớn nhất về chính trị, kinh tế, văn hóa trên diễn đàn quốc tế. Ông có nghĩ vai trò này sẽ sớm bị đe dọa bởi đối thủ nào không?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ là sẽ có những thay đổi bởi vì sẽ có những mối quan hệ đối tác phát triển hoặc thất bại.

Nhưng có một điều rõ ràng là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc càng ngày càng nổi lên thì sẽ có những ảnh hưởng theo cách này hay cách khác nhưng Mỹ thì không coi đây là một mối đe dọa.

Điều mà chúng tôi làm là chúng tôi có những mối quan hệ mạnh mẽ và tích cực với tất cả các  nước. Và các nước đều có thể cùng nhau đóng góp vào những mối quan hệ cho lợi ích toàn cầu như là an ninh, thịnh vượng và hòa bình. 

Đến thời điểm này, tôi nhận thấy sự liên quan, lệ thuộc lẫn nhau trên thế giới đã đến mức không thể tin nổi. Mọi vấn đề trên thế giới hiện nay đều mang tính đa quốc gia chẳng hạn khủng bố, buôn lậu ma túy, buôn người, buôn bán vũ khí hoặc một số căn bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, HIV - AIDS. Nó cho thấy rằng, đã đến lúc, các quốc gia trên thế giới cần phải làm việc cùng nhau.

Những vấn  đề đa quốc gia là yếu tố làm cho nước Mỹ và nhân dân Mỹ muốn xây dựng quan hệ hợp tác có hiệu quả với VN, để 2 nước cùng giải quyết những đe dọa có tính chất toàn cầu này.

Nước Mỹ học được nhiều điều từ VN

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu hỏi tiếp theo của bạn Minh Dũng, theo ông lợi ích lớn nhất khi hợp tác với VN là gì?

Đại sứ Michael Marine: Mối quan hệ của chúng ta hiện nay rất đa dạng và có tính nhiều mặt nên không thể chỉ ra đâu là yếu tố quan trọng nhất. Những nỗ lực của cả hai quốc gia khi cùng hợp tác giải quyết những vấn đề mang tính đa quốc gia là rất quan trọng, ngoài ra quan hệ về kinh tế thương mại cũng quan trọng.

Về cơ bản nước Mỹ thấy rằng sự thịnh vượng tiến bộ ở VN phục vụ cho lợi ích của cả hai nước và VN. Với một đất nước hơn 80 triệu dân thì những vấn đề ảnh hưởng đến VN cũng có tác động đến các nước khác trong khu vực và tác động đến Mỹ. Vì vậy, chúng tôi hy vọng có thể thiết lập được quan hệ với VN trên nhiều lĩnh vực.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong quan hệ hai nước, Việt Nam cần phải học hỏi rất nhiều từ nước Mỹ. Còn theo ông, nước Mỹ học được điều gì từ Việt Nam?

Đại sứ Michael Marine:  Điều tôi thường thấy là sự thúc đẩy quan hệ để có hiểu biết lẫn nhau. Người Mỹ có thể học hỏi được rất nhiều điều từ Việt Nam. Tính cách quan trọng của người VN là thực tế và yêu lao động. Sẽ rất tốt cho người Mỹ nói chung và người Mỹ trẻ tuổi nói riêng để biết rằng người VN đang sống như thế nào, phải đấu tranh ra sao để sống. Cụ thể hơn, tôi muốn hai em gái tôi biết điều này.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông sẽ nói gì với bạn bè của ông ở Washington về công việc ở Việt Nam?

Đại sứ Michael Marine: Tôi sẽ nói với họ tôi là người may mắn vì có cơ hội đại diện cho Mỹ ở thời điểm rất quan trọng trong quan hệ 2 nước. Tôi cũng sẽ nói tương lai của VN rất tươi sáng, và Mỹ cần tìm cơ hội để có mặt ở càng nhiều lĩnh vực càng tốt, đóng góp cho tương lai đó.

Những chia sẻ cá nhân

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Nguyễn Ngọc Quyên, 19 tuổi, Nghệ An hỏi: "Cháu là một công dân của VN, cháu rất vui khi được nói chuyện trực tuyến với đại sứ. Cháu muốn hỏi về đời sống của ngài được không ạ? Trước kia, Ngài học trường gì? Công việc đầu tiên trong cuộc đời của Ngài và Ngài có bí quyết gì để thành công?"

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ rằng mình không phải là một người điển hình. Tôi xuất thân trong một gia đình đông người, với 19 anh chị em, hiện nay 9 người còn sống. Tôi nghĩ gia đình mình cũng không dư dả cho lắm.

Tôi đã phải tự trả tiền học kể cả khi đi học ĐH. Khi đó tôi cũng chưa rõ lắm về tương lai của mình, nghĩa là động lực của tôi cũng không mạnh mẽ cho lắm. Tôi đã gia nhập đội quân đội lính thủy đánh bộ, một quân chủng trong Quân đội Mỹ. Nhưng tôi không tham chiến ở Việt Nam, mặc dù lúc đó vẫn đang trong thời gian chiến tranh. Khi hết hạn tôi đã trở lại trường học và có một bằng về lịch sử Trung Quốc, nhờ đó tôi gia nhập ngành ngoại giao của Mỹ.

Bạn hỏi tôi cái gì là chìa khóa dẫn đến thành công, với tôi, đó là làm việc chăm chỉ, tích cực cho dù là bạn được giao bất kỳ nhiệm vụ gì, việc gì, hãy làm chăm chỉ và tốt nhất ở mức có thể. Cứ như thế hàng ngày, rồi sẽ đến lúc bạn sẽ thành công.

Công việc đầu tiên mà tôi đã làm, là đi hái chanh vào mùa hè khi còn là học sinh trung học. Với tôi đây là công việc rất nặng nhọc, và tôi đã thấy rõ hơn giá trị của việc học tập thật chăm chỉ để sẽ không phải hái chanh cả đời.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu hỏi cuối cùng, ông sẽ quay lại VietNamNet vào cuối nhiệm kỳ để trò chuyện và nói lời tạm biệt với độc giả VietNamNet?

Đại sứ Michael Marine: Tôi rất mong như vậy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hy vọng lúc đó ông có nhiều thông tin tốt đẹp để chia sẻ.

Đại sứ Michael Marine: Vậy là tôi đã có một cuộc hẹn trong lịch làm việc cho 6 tới 8 tháng nữa.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn sự có mặt của ĐS Michael Marine với những câu trả lời, những thông tin thú vị. Xin cảm ơn độc giả VietNamNet đã tham gia rất nhiệt tình và gửi rất nhiều câu hỏi đến ngài cho đại sứ. Dù đã dành hơn 2 tiếng cho cuộc bàn tròn nhưng ngài đại sứ đã không thể trả lời hết.

  • VietNamNet

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,