3G 'nuốt' sóng 2G
Tại một số khu phố Hà Nội, chiếc di động bỗng trở thành cục gạch không thể liên lạc được, cột chỉ vạch sóng biến mất, thay vào đó là biểu tượng 3G.
Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện cách đây vài tuần và đang diễn ra phố biến với nhiều thuê bao di động.
Chị Minh - một khách hàng của MobiFone kể, cách đây vài ngày chị có dịp đi qua khu vực Kim Mã, tự nhiên chiếc di động mà chị đang dùng xuất hiện biểu tượng 3G. Cột sóng nằm bên trái màn hình bỗng dưng biến mất. Lấy làm lạ, chị nhấc máy lên gọi cho chiếc di động khác của mình thì máy báo lỗi kết nối.
Tương tự chị làm ngược lại, lấy máy kia gọi vào số MobiFone chị đang dùng thì báo: Thuê bao tạm thời không liên lạc được. Hiện tượng này diễn ra trong khoảng 10 phút và trở lại trạng thái bình thường khi chị di chuyển đến một địa điểm khác.
7 nhà khai thác di động đang có hàng trăm nghìn trạm thu phát sóng BTS. Ảnh: Vnexpress |
Biểu tượng 3G không chỉ có trên điện thoại của khách hàng MobiFone, mà cũng đang xuất hiện với tần suất khá dày đặc với các thuê bao di động của VinaPhone và Viettel. Chị Phương sau một vài lần bị "tắc" không thể liên lạc được khi biểu tượng 3G xuất hiện đã đặt nghi ngờ rằng phải chăng sóng 3G đang nuốt mất sóng 2G mà đại bộ phận khách hàng đang sử dụng.
Cả 3 mạng di động MobiFone, VinaPhone và Viettel đều thừa nhận có hiện tượng trên trong quá trình các nhà khai thác đang "lao vào cuộc chiến" triển khai dịch vụ 3G.
Gần một tháng qua, 3 nhà khai thác này đã tiến hành thử nghiệm dịch vụ 3G tại nhiều điểm trên toàn quốc. Hàng chục trạm thu phát sóng BTS của 3G đã được lắp đặt ở nhiều khu vực tại Hà Nội như Giảng Võ, Kim Mã, Trung Hòa Nhân Chính... Do đang trong quá trình thử nghiệm nên các hãng mới ứng dụng cho các thuê bao trong nội bộ doanh nghiệp mình.
Ông Hoàng Sơn - Giám đốc Viettel Telecom cho rằng về nguyên tắc, 3G và 2G là 2 băng tần khác nhau nên không thể lấn lướt nhau, tuy nhiên, trong một vài trường hợp khách hàng sử dụng máy đầu cuối cài sẵn ứng dụng 3G có thể xảy ra hiện tượng trên. Nghĩa là sóng của mạng 3G quá khỏe nên đã lấn át sóng của 2G hoặc trong một vài trường hợp khách hàng đi vào vùng mất sóng, hay sóng yếu thì 3G sẽ xuất hiện.
Mạng điện thoại di động công nghệ thế hệ 3 (3G) còn được gọi là "mạng thế hệ tiếp theo". Đặc điểm nổi bật nhất của mạng này là khả năng truy nhập mạng Internet tốc độ cao - dấu hiệu khẳng định xu thế hội tụ giữa máy tính và các thiết bị cầm tay. Các mạng điện thoại di động của các nhà cung cấp hiện nay đều sử dụng công nghệ 2-2,5G. |
Theo ông Sơn, hiện Viettel mới phát sóng thử nghiệm 3G tại trụ sở công ty số 1 Giang Văn Minh, Hà Nội và chỉ phục vụ cho cán bộ công nhân viên ở đây. Do sóng 3G quá khỏe nên một số thuê bao di động khác hoạt động trong phạm vi bán kính vài ba trăm mét cũng sẽ bắt sóng. Tuy nhiên, Viettel mới thử nghiệm chứ chưa cung cấp chính thức nên dùng máy di động của khách hàng hiện lên chữ 3G nhưng chưa thể thực hiện được cuộc gọi.
Phó phòng kinh doanh của VinaPhone - Phạm Ngọc Tú - giải thích thêm hiện nay một số thiết bị đầu cuối như Black Berry, Nokia E71, E63, IPhone... có ứng dụng 3G và ở chế độ chọn mạng tự động và cài đặt đa băng tần thì có khả năng khi đi vào vùng thử nghiệm sóng 2G yếu sẽ tự động nhảy sang 3G. Tuy nhiên, do đang trong quá trình thử nghiệm nên khách hàng chưa thể truy cập vào để thực hiện các cuộc gọi hay nhắn tin từ băng tần 3G.
"Kỹ thuật hoàn toàn có thể kiểm soát được việc này và không làm ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc gọi", ông Tú nói. Tuy nhiên, ông Tú cho rằng nếu khách hàng cảm thấy phiền hà thì hãng sẽ có các giải pháp để hạn chế hiện tượng trên.
-
Theo Vnexpress
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |