Hiểm hoạ thuốc đông dược 'quên' công bố thành phần tân dược
Viện Kiểm nghiệm thuốc TW vừa phát hiện thuốc Truy phong tê thấp thủy "quên" ghi có chứa bethametazon - hoạt chất bị cấm dùng cho trẻ em dưới 10 tuổi và phụ nữ có thai.
Thuốc YHCT "quên" công bố thành phần tân dược
Cơ sở sản xuất thuốc Truy phong tê thấp thủy không công bố đầy đủ thành phần gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng |
Thông tin từ Viện Kiểm nghiệm thuốc TW: qua kiểm nghiệm, Viện đã phát hiện trong thuốc YHCT Truy phong tê thấp thủy- do Đội quản lý thị trường số 1- Chi Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội gửi mẫu có chứa thành phần của tân dược là hoạt chất bethametazon với hàm lượng từ 2-4mg/100ml.
Tuy nhiên nhà sản xuất thuốc YHCT Hòa Hinh (A6/29A, ấp 1-xã Vĩnh Lộc B- huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) đã cố tình "lờ" đi sự hiện diện của thành phần tân dược này trong khi công bố các thành phần của thuốc Truy phong tê thấp thủy bởi trên nhãn của chai thuốc chỉ có các loại dược liệu là độc hoạt, tăng ký sinh, tế tán, tần giao...
Chai thuốc Truy phong tê thấp thủy, dung tích 280ml, lô 010409 (ngày SX: 03/04/09; HD: 3/04/2011) mà phòng Kế hoạch tổng hợp của Viện Kiểm nghiệm đang giữ mẫu, thì đây là dạng thuốc nước. Trên nhãn chai, nhà sản xuất Hòa Hinh đã ghi những tác dụng của thuốc này như: Ích can thận, Bổ khí huyết, Chỉ thống lý và Khu phong khớp. Chủ trị đau lưng mỏi gối, tay chân co duỗi khó khăn, đau cứng khớp xương và tê dại toàn thân.
Điều đáng nói là nếu như trước đây một số thuốc đông dược, YHCT, nhà sản xuất cố tình trộn tân dược thường là những thuốc chưa được cấp số đăng ký, nhưng với Truy phong tê thấp thủy lại khác, thuốc này đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường là V1049-H12-10 nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Ngay sau khi có thông tin từ Viện Kiểm nghiệm, chúng tôi đã đi khảo sát một số điểm bán thuốc lớn tại Hà Nội như chợ thuốc Ngọc Khánh, Trung tâm thuốc ở Láng Hạ và một số quầy thuốc gần các bệnh viện lớn nhưng tuyệt nhiên đều không mua được loại thuốc này bởi người bán hàng nào cũng cho biết "thuốc đã hết từ khoảng 3 tuần nay. Nhà sản xuất tạm thời chưa cung cấp hàng tiếp". Tại một cửa hàng bán thuốc trên phố Ngọc Khánh, người bán hàng cho biết, loại thuốc này đã được bán từ khoảng vài tháng trước với giá 22.000đ/chai.
Trên chai thuốc Truy phong tê thấp thủy không công bố thành phần tân dược là bethametazon. |
Ý kiến của chuyên gia
Theo các chuyên gia, bethametazon thường được chỉ định dùng trong nhiều bệnh như thấp khớp, bệnh colagen, dị ứng, bệnh ngoài da, bệnh nội tiết, bệnh ở mắt, hô hấp, máu, ung thư...
Tuy nhiên, như với các corticosteroid khác, bethametazon chống chỉ định dùng cho người bệnh bị tiểu đường, tâm thần, loét dạ dày và hành tá tràng, trong nhiễm khuẩn và nhiễm virut, trong nhiễm nấm toàn thân và ở người bệnh quá mẫn với bethametazon hoặc với các corticosteroid khác... Bởi dùng corticosteroid kéo dài có thể gây đục thể thủy tinh (đặc biệt ở trẻ em), glôcôm với khả năng tổn thương dây thần kinh thị giác.
Mặc dù cơ sở sản xuất Hòa Hinh đã khuyến cáo sản phẩm không nên sử dụng cho trẻ em dưới 10 tuổi và phụ nữ có thai nhưng biết bao nhiêu người đã mua lô thuốc có chứa bethametazon về dùng mà họ không hề biết có hoạt chất này và cứ vô tư uống. Do đó nếu trường hợp đã lỡ dùng nhiều thì hậu quả sẽ thế nào?
Theo TS. Đoàn Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TW, không chỉ thuốc Truy phong tê thấp thủy mà thời gian qua, hệ thống kiểm nghiệm cả nước đã phát hiện một số loại thuốc đông dược, YHCT có trộn tân dược như viên hoàn KQ3 - Thận Khí hoàn, Giải biểu hoàn, thuốc gia truyền trị viêm thấp khớp, viêm mũi, viên nang thực phẩm chức năng Mãnh Nam, thực phẩm chức năng Supai tongkit 99... nhưng tất cả đều được nhà sản xuất cố tình "quên" ghi thành phần có chứa tân dược.
Người dùng lãnh đủ
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Vũ Khánh- Vụ trưởng Vụ Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, một số lương y tay nghề non yếu hoặc vì lợi nhuận mà đã làm điều cấm kỵ là trộn thêm tân dược vào đông, nam dược. Khi dùng thuốc, người bệnh không biết đến thành phần tân dược có trong đó nên thuốc có thể sẽ rất bất lợi cho họ.
Lấy ví dụ, với thuốc có đông dược có chứa paracetamol. Một người đang say rượu, người có men gan cao, người bị dị ứng với hoạt chất này khi uống paracetamol sẽ nguy hiểm. Hoặc một bệnh nhân đang được thầy thuốc điều trị bệnh trên cơ sở kết hợp đông - tây y, mà trong thành phần thuốc tây được kê đơn đã có paracetamol. Họ sẽ vô tình bị sử dụng paracetamol quá liều, rất có thể bị ngộ độc. Đối với những bệnh chống chỉ định với một thuốc nào đó, nhưng vì bản thân lương y không có trình độ chuyên môn tây y nên không biết, không lường trước được hậu quả. Họ vẫn cho người bệnh uống loại thuốc đáng lẽ mà người bệnh phải tránh và hậu quả là rất nguy hại đến sức khỏe.
(Theo SK&ĐS)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |