Giáp Tết, lòng lợn bẩn nườm nượp về quê
Giáp Tết người dân chỉ tập trung mua thịt nên nội tạng lợn khó bán hơn. Nhiều lò mổ đã tìm được hướng giải quyết: Đưa về nông thôn tiêu thụ.
Đại hạ giá 3 lần
Theo chân những người buôn lòng lợn, chúng tôi đến lò mổ Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là lò mổ lớn nhất Hà Nội, mỗi ngày giết tới hơn nghìn con lợn, ngay tại cổng vào lò mổ là một chốt kiểm dịch động vật với đội ngũ nhân viên khá dày đặc.
Chúng tôi đặt mua lòng lợn với lý do là để gửi về quê bán những ngày giáp Tết. Mấy chị bán hàng đon đả chạy ra mời chào: “Lòng nhà chị ngon và sạch lắm", "mua nhiều giá càng giảm…”.
Một chị tên H. còn mách nước cho chúng tôi: “Tầm ngày 20 tháng sau, bọn em quay lại, chị cân đổ đống xúc xích giá 10 nghìn đồng/kg, có khi đến hôm đó lại còn rẻ hơn”.
Theo một người bán hàng làm cùng trong kiốt của chị H., thường là mọi năm đến giáp Tết lợn mổ ra mọi người chỉ tập trung mua thịt nên lòng không biết bán đi đâu, chỉ còn cách xếp chồng vào bao, mang về mạn Nhổn bán tống bán tháo cho hết hàng.
Hiện tại giá lòng ở đây khoảng 27 – 30 nghìn đồng/kg, nhưng đến gần Tết âm lịch chỉ còn 8 – 10 nghìn đồng/kg.
Tiết lợn cũng chịu chung số phận. “Đối tượng ăn hay buôn bán lòng, tiết chủ yếu là người lao động tỉnh lẻ lên. Đến Tết họ về quê nên việc tiêu thụ mặt hàng này cũng chùng xuống” - anh Th., nhân viên ở trong một lò mổ nói với chúng tôi.
Tại lò mổ ở Phùng Khoang, bác L. cho biết, để gỡ bí cho khâu tiêu thụ, đến gần Tết, rất nhiều lò mổ sẽ tìm cách chuyển lòng và mỡ lợn về nông thôn, cố tìm cách bán cho hết.
Tình trạng mất vệ sinh diễn ra phổ biến tại các lò mổ.
Cơ quan chức năng kêu khó
Về vấn đề vệ sinh trong các lò giết mổ trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Vui - Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Các văn bản nhà nước đưa ra quy định về việc không được giết mổ gia súc, gia cầm trong thành phố chưa có tính thực thi cao, nên vẫn còn tồn tại việc vận chuyển gia súc vào trong nội thành để giết mổ.
Ông Nguyễn Xuân Uỷ - Trưởng phòng kiểm dịch cho rằng, Chi cục thú y chỉ chịu trách nhiệm giám sát an toàn dịch bệnh ở các lò giết mổ. Vì đang trong chương trình xây dựng lại các lò giết mổ nên việc vệ sinh triệt để các lò giết mổ là khó thực hiện.
Mặt khác, tâm lý chung của các lò mổ là sắp chuyển đi nơi khác nên cũng không chịu cải tạo và xử lý nước thải.
Các lò mổ ở Phùng Khoang và Thịnh Liệt vẫn làm sai quy định khi mổ nằm dưới sàn. Tuy nhiên nếu cấm và giải thể các lò, sẽ không đủ lượng thịt cung cấp cho cả Hà Nội. Cũng vì lý do này mà các lò mổ vẫn ngang nhiên hoạt động, dù trong tình trạng mất vệ sinh.
Đề cập đến vấn đề thanh tra và xử phạt đối với những cơ sở vi phạm thì ông Nguyễn Xuân Vui chỉ lắc đầu, nói khó. Văn bản xử phạt hành chính không có hiệu lực cao nên rất khó để người bị phạt tâm phục khẩu phục.
Được biết, về việc quản lý các lò giết mổ ở Hà Nội, Chi cục Thú y Hà Nội đã giao trực tiếp cho các quận, huyện có các lò mổ. Tuy nhiên, Chi cục thú y Hà Nội cũng thừa nhân việc kiểm tra, triển khai không được triệt để vì Hà Nội chưa có một mạng lưới lò mổ gia súc, gia cầm như ở TP.HCM.
(Theo Bee.net)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |