1 tuần phải nhận... 100 tin nhắn rác
- Sau một thời gian im ắng, “bão” tin rác đã quay trở lại “càn quét” thiết bị số cá nhân, để lại không ít bức xúc cho người dùng di động.
"Bão" tin nhắn rác
Anh Tuấn (01236616xxx) cho biết, chưa bao giờ số máy của anh nhận được nhiều tin rác như đợt này. Có ngày thì nhận được 2-3 tin, có ngày 3-4 tin. Và gần đây nhất, chỉ trong một tuần số tin nhắn rác anh nhận được đã đạt tới kỉ lục, hơn 100 tin.
Tin rác tràn ngập hòm thư đến của khách hàng. Ảnh minh họa: HM |
Chị Hạnh (091532xxxx) chia sẻ, hầu như không ngày nào, chị không nhận được tin rác và chưa bao giờ chị thấy mật độ tin nhắn rác “dày đặc như đợt này, có khi còn nhiều hơn cả đợt tết Kỷ Sửu".
Chị Nhung (094409xxxx) sau một lần nhắn tin dùng dịch vụ của đầu số 6788 thì sau đó, chị thường xuyên nhận được tin nhắn quảng cáo từ đầu số này gửi tới dù chị chỉ có nhu cầu dùng dịch vụ một lần duy nhất.
Nội dung của tin nhắn quảng cáo bao gồm đủ loại lĩnh vực: từ từ lô đề, bói toán, phong thuỷ, đến nhạc chuông, nhạc chờ, hình nền hot và các vấn đề giới tính… Bất kể ngày đêm, những cỗ máy lắp sim khuyến mại, lạnh lùng phát tán hàng trăm, hàng ngàn tin nhắn có nội dung giống nhau mặc kệ người nhận được cười hay mếu, vui vẻ hay khó chịu trước cảm giác bị làm phiền.
Ném trứng thối
Các công ty kinh doanh dịch vụ đầu số dù được phép hay không được phép vẫn đều đều gửi tin nhắn quảng cáo. Người dùng di động cũng đều đều kêu khốn khổ, bức xúc với nạn tin rác nhưng rồi chuyện đâu vẫn hoàn đó. Tin nhắn quảng cáo (đối với công ty phát tán)/tin nhắn rác (đối với người tiêu dùng) vẫn được sử dụng như một phương thức quảng cáo trực tiếp, hiệu quả và rẻ tiền.
Trên thực tế, theo như quy định của pháp luật, các công ty phát tán tin rác phải được sự đồng ý của người dùng mới được gửi tin và phải cung cấp một cú pháp để người dùng có thể từ chối nhận tin quảng cáo bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết các công ty gửi SMS quảng cáo đều “quên” hoặc cố tình lờ đi việc phải được sự đồng ý của chủ thuê bao mới được gửi tin. Và họ đối phó với pháp luật bằng cách gửi tin nhắn rác bằng số thuê bao trả trước và cung cấp một cú pháp từ chối ở cuối mỗi tin.
Có điều vừa thấy tin rác đã thấy ác cảm, người dùng xóa ngay không thèm đọc thì làm sao biết có một cú pháp từ chối nhận tin. Tin rác cứ đến, người dùng cứ xóa mà không phản hồi lại và được nghiễm nhiên coi là đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo. Việc này giống như một người ném trứng thối vào nhà người khác và bảo với người ta rằng lần sau, nếu không muốn tôi ném nữa thì anh phải ném lại cho tôi một quả trứng để tôi biết là anh không thích. Nếu anh không ném lại thì tôi được phép tiếp tục ném.
Văn hoá quảng cáo
Có lần, đường dây nóng VietNamNet nhận được điện thoại nhờ tư vấn của một chủ hiệu shop thời trang về việc gửi tin nhắn tới khách hàng của mình. Chị cho biết, với mỗi khách hàng đến mua hàng tại cửa hàng của chị, nhân viên đều xin số điện thoại để khi có hàng mới sẽ nhắn tin thông báo cho khách. Điều này được người bán trực tiếp nói với khách và quyền cho số điện thoại hay không là thuộc về phía khách hàng. Nhưng chị vẫn băn khoăn, không biết việc nhắn tin như vậy có phạm pháp hay không và chị có cần xin phép hay không.
Vấn đề đặt ra ở đây là, người bán lẻ cũng biết xin phép khác hàng quảng cáo qua tin nhắn, huống chi các công ty, doanh nghiệp lớn?
Bài 2: Tin nhắn rác: Gieo gió để "ăn theo bão"?
-
HM
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |