Nghi tài xế taxi hành nghề '5 ngón'
- Rơi điện thoại trên xe. Mất kính trong túi. Hành khách khăng khăng nghĩ tài xế gian, các hãng xe thì "bó tay" khi khách không có lấy một chứng lý mất cắp.
Rơi đồ và bị mất cắp: Ranh giới mong manh
Khoảng 4h30 sáng ngày 29/7/2009, vợ chồng chị Nguyễn Phương thuê một chiếc xe taxi của hãng Mai Linh đi từ đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tới sân bay Tân Sơn Nhất. Xuống khỏi xe, anh chị vào quầy kiểm tra vé máy bay thì phát hiện bị mất 2 chiếc kính mát trị giá 110 USD/chiếc. Hai chiếc kính này được nhét trong ba lô, kéo khoá kín trước khi mang ra xe.
Chiếc ba lô này, theo chị Phương, được đặt vào trong xe và có 1 lúc "vắng" chủ, khi anh chị quay vào nhà để lấy thêm đồ.
Khách hàng cần kiểm tra hành lý trước khi xuống xe. (ảnh Vũ Hội) |
"Tôi đã điện thoại báo ngay lên tổng đài Mai Linh. Ngay sau đó nhân viên Mai Linh đã hướng dẫn tôi liên hệ với bộ phận điều hành tài xế để nhận lại kính” - chị Phương kể.
Tuy nhiên khi đến Mai Linh, chị Phương nhận được một chiếc kính, còn chiếc kia “không cánh mà bay”. Chị lại liên hệ với Điều hành tài xế Mai Linh và được hứa sắp xếp cho chị gặp và nói chuyện trực tiếp với tài xế chiếc xe. Tuy nhiên, cả 2 lần gặp theo lịch hẹn, vợ chồng chị chỉ được thông báo “tài xế đang đi tỉnh” và hẹn gặp lần sau.
Một bạn đọc khác đi taxi cũng vơi cảm tình với phương tiện xe taxi sau sự cố đánh rơi đồ trên xe. Ngày 2/9/2009 chị Phạm Nhuệ Nương (Hà Nội) vừa bước ra khỏi chiếc taxi Vạn Xuân thì phát hiện để quên chiếc điện thoại SamSung mới mua trên ghế ngồi cạnh tài xế. Chị Nương lập tức gọi vào số máy của mình thì thấy điện thoại đã bị tắt nguồn. "Tất cả thời gian từ lúc xuống xe, phát hiện mất máy cho đến khi tôi gọi lại vào máy điện thoại là chưa đến 3 phút đồng hồ", chị Nương khẳng định.
Ngay lập tức, chị Nương đã liên hệ với tổng đài của Vạn Xuân và được thông báo rằng tài xế không tìm thấy điện thoại của chị. Theo lời người tài xế chiếc xe chị Nương đã đi, xe này đón khách mới ngay sau đó 1 phút.
Theo yêu cầu của Thanh tra taxi Vạn Xuân, người tài xế này đã chở chị Nương theo lịch trình của khách kế tiếp. Và thời gian từ lúc chị ra khỏi xe đến lúc đón được khách mới không phải là 1 phút, mà là 3 phút. "Tức là thời điểm đó nếu trên xe có khách thì cũng chưa thể tắt máy ngay được. Rồi cả địa điểm đón, trả khách của anh tài xế này khi khai với thanh tra tài xế và lúc đưa tôi đi cũng không khớp nhau" - chị cho biết.
taxi Vạn Xuân trên đường Hà Nội |
"Lý mỏng, tình tan"
Về phản ánh của khách hàng Phạm Nhuệ Nương, đại diện Taxi Vạn Xuân là ông Phạm Quốc Hùng khẳng định: Vạn Xuân đã kiểm tra đồng hồ cước và thời gian vận hành của xe khách hàng đã đi, tất cả đều khớp theo thông tin của lái xe. "Vạn Xuân đã làm hết khả năng để tìm lại đồ của khách, tài xế đã khẳng định là không thấy" - ông Hùng cho biết.
Để chứng thực khẳng định của mình, ông Hùng đã cung cấp cho VietNamNet bản "Báo cáo số liệu checker", xác minh số liệu checker của xe taxi chị Nương đã đi. Tuy nhiên, bản báo cáo này cũng chỉ có chữ kí của một checker, còn phần chữ kí của lái xe, đội xe đều để trống và không có dấu xác nhận bản báo cáo này.
Cũng giống như chị Nương, nghi vấn của chị Phương không có kết luận cuối. Trong cuộc gặp chị Phương tại trụ sở Mai Linh, ông Nguyễn Ngũ Phúc - Phó giám đốc quản lý nhân viên Mai Linh cho biết: Mai Linh chưa thể kết luận về vụ việc dù đã nhanh chóng xác minh, với tinh thần không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của nhân viên.
Người tài xế đã chở vợ chồng chị Phương thì phân bua: "Khi hai vợ chồng chị đưa chiếc balô lên xe trước và quay vào nhà lấy tiếp đồ, tôi đã tế nhị nên rời khỏi xe đi ra ngoài đứng hút thuốc. Sau chuyến xe này tôi đưa xe đi rửa và phát hiện có một chiếc kính rơi trên xe. Ngay sau đó tôi được tin báo hành khách đánh rơi kính, tôi liền gửi lên công ty để trả lại".
Không thể tìm lại đồ đã mất, cả chị Phương và chị Nương đều rút ra bài học cảnh giác cho mình. Chị Phương nói: “Mất đồ nhưng tôi đành chịu vì không có cơ sở gì chứng minh là bị trộm đồ". Chị Nương thì cho rằng: "KHó mà chứng minh được gì khi hãng taxi buộc phải bảo vệ thương hiệu bản thân. bài học rút ra là nên có tài xế taxi quen và tự bảo quản tài sản của mình".
Hai khách hàng đều trở nên ghét phương tiện vận chuyển này và tránh vẫy xe các hãng các chị đã từng gặp "sự cố".
Theo bà Đào Thị Cúc, Chuyên viên của Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam: "Những trường hợp khách bị mất đồ trên xe taxi đều rất khó xác định là bị mất cắp hay đánh rơi vì thường rất ít bằng chứng buộc tội. Vì vậy người tiêu rằng người tiêu dùng nên chú ý kiểm tra lại hành lý mỗi khi lên xuống xe. Về phía các hãng taxi, để tạo được uy tín, duy trì thương hiệu, phải luôn có những lớp học tập về đạo đức nghề nghiệp và nhắc nhở tài xế lưu ý khách kiểm tra đồ trước khi xuống xe, tránh để xảy ra sự cố khách mất đồ và những nghi kỵ đáng tiếc".
-
Hoàng Dũng - Vũ Hội
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |