Độc hại cá biển ướp đạm u-rê

Cập nhật lúc 08:26, 11/08/2010 (GMT+7)

Cá ướp cả tháng cùng với phân đạm đã "ngấm kỹ", khi lên bờ, các đầu nậu "tráng" thêm một lớp đạm u-rê khác nên mức độ độc hại sẽ tăng thêm nhiều lần.

TIN LIÊN QUAN


Sinh nghề, tử nghiệp

Tháng trước, vợ chồng ông Đỗ Hữu Đông (Thanh Xuân - Hà Nội) về quê ở Quảng Ngãi viếng đám tang người thân. Bà Đông không thể tưởng tượng được cái chết lại đến với người thân của bà bất ngờ như vậy. Chỉ một chút sảy chân xuống hầm cá trên tàu đã cướp đi sinh mạng của những ngư dân sức vóc khoẻ mạnh. Về Hà Nội, bà đem câu chuyện thương tâm ấy kể cho phóng viên báo ĐS&PL với lời khuyên...cẩn thận khi ăn cá biển?!
 

Mô tả ảnh.

Chủ tàu đánh bắt cá trên biển, lênh đênh một tháng, thậm chí vài tháng mới về đất liền nên các chủ tàu đều có phương pháp ướp cá để bảo quản.


Vốn là người vùng biển, quá quen với công việc của mỗi chuyến tàu ra khơi, bà Đông cho biết: Chủ tàu đánh bắt cá trên biển, lênh đênh một tháng, thậm chí vài tháng mới về đất liền nên các chủ tàu đều có phương pháp ướp cá để bảo quản. Phương pháp bảo quản đá phổ biến là sử dụng đá cây và đạm u-rê. Với đá cây, chi phí không đắt lắm nhưng chi phí xăng dầu chở một khối lượng đá lớn lại rất đáng kể mà hiệu quả lại không cao. Chính vì thế, các chủ tàu đã sử dụng đạm u -rê để ướp cá, vừa tiết kiệm chi phí vận tải, vừa giữ cá không bị vi khuẩn xâm nhập nên cá có thời gian tươi lâu hơn.

Chính vì sử dụng phân đạm, thậm chí cả muối diêm để ướp cá nên mới sinh ra khí độc khiến người thân của bà Đông thiệt mạng khi bị ngã xuống hầm cá. Bà Đông nói: "Tôi về quê, nghe người nhà kể lại, cháu chết là vì bị ngạt thở. Hôm đó, tổng cộng có bốn ngư dân đã chết ngạt trên thuyền đánh cá QNg 98849-TS của ông Lê Trung Thành. Người ta nói, khi tàu đánh cá chở 13 người vào gần cảng Đà Nẵng, Thọ mở nắp xuống hầm lấy cá thì ngã xuống ngất xỉu. Ba người khác là Phụng, Bình và ông Thành vào cứu thì cũng bị chết ngạt. Ngư dân tên Ngọc buộc dây vào người rồi xuống hầm cứu các ngư dân kia nhưng cũng bị ngất và được các ngư dân trên thuyền kéo lên kịp thời".

Ngay sau khi sự việc diễn ra, các cơ quan chức năng đã cho biết, những người này bị chết do bị ngạt thở, bởi hầm có khí mê-tan. Theo một số chuyên gia hoá học thì loại khí này sinh ra trong môi trường yếm khí, vi khuẩn phân huỷ chất hữu cơ. Dưới cộng hưởng phân huỷ của đạm u-rê, sự phân huỷ của cá biển đã sản sinh ra loại khí độc có khả năng giết người. Từ việc ngư dân bị chết trong hầm cá, nhiều người càng khẳng định hơn chuyện ướp cá bằng công nghệ nước đá và đạm u-rê, thậm chí là muối diêm gây độc hại cho người sử dụng.

Công nghệ giữ cá tươi lâu

Biết là độc hại, tuy nhiên vì mục tiêu bảo quản được hải sản lâu, bán được giá nên các chủ tàu vẫn... "bổn cũ soạn lại", trước khi ra khơi phải mua phân đạm. Theo bà Đông thì ở quê bà hầu như tàu đánh bắt xa bờ nào cũng mua phân u-rê để ra khơi ướp cá. Qua tìm hiểu, tôi được biết thực tế này đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương có biển chứ không riêng gì Quảng Ngãi.

Vì phân đạm u -rê không màu, cho vào nước hấp thụ nhiệt nên nó có khả năng làm lạnh môi trường xung quanh vì thế các chủ tàu rất ưa sử dụng loại này để ướp cá. Cá được ướp cả tháng trời cùng với phân đạm đã "ngấm kỹ" nhưng khi lên bờ lại được các đầu nậu "tráng" thêm một lớp đạm u-rê khác nên độ đậm đặc tăng lên, độ tươi cũng tăng thêm và đương nhiên mức độ độc hại sẽ tăng thêm nhiều lần.

Trong một lần đến chợ Cầu (Nam Định), tôi đã được tận mắt chứng kiến công nghệ "tráng đạm". Số cá được các đầu nậu đưa từ biển về nào là cá chim, cá thu, cá mực, cá kìm bông, cá khoai... được nhúng vào thùng nước đá có pha đạm u -rê, sau đó vớt ra sạp bán cho khách hàng. Còn những loại cá đặc sản đóng hộp chuyển lên thành phố, các tỉnh xa các đầu nậu không quên rắc thêm đạm u-rê vào trong đá cây. Vậy là yên tâm vận chuyển, đến người bán lẻ, bày bán cả ngày lát cá vẫn tươi.

Trò chuyện với bà Hiền, một người buôn cá có tiếng tại chợ Cầu, bà rất hồn nhiên: "Bất kể loại hải sản nào, trước khi đưa ra chợ chúng tôi đều cho vào thùng đá đã "tráng" qua một lớp nước u-rê. Vậy là "vô tư" bán, để cả ngày chúng vẫn tươi roi rói như vừa vớt dưới biển lên". Chính vì công nghệ ướp hải sản như vậy nên đã có những doanh nghiệp chế biến... chết dở. Chị Lê Thị Nga, chủ một cơ sở chế biến hải sản xuất khẩu phàn nàn: Vừa mua một khối lượng lớn hải sản của một tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh. Lúc đầu thấy cá rất tươi nhưng khi đưa vào chế biến thì cá mềm nhũn ra. Chị Nga nghi ngờ nên dùng thiết bị chuyên dụng kiểm tra mới phát hiện cá tẩm đầy u-rê. Toàn bộ số hàng trên phải huỷ, thiệt hại về tiền có thể tính được nhưng về uy tín của công ty khi sai hẹn hợp đồng, có thể sẽ mất cơ hội có đơn đặt hàng sau.

Cấm vẫn ướp... chỉ khổ người sử dụng

Theo ông Nguyễn Văn Quang (Viện Công nghệ hoá thực phẩm) phân đạm có tính diệt khuẩn, mặt khác khi ướp cá sẽ phân huỷ tạo thành các chất nitrat, nitrit. Hai chất này, ướp với cá chuyển thành oxit nitric làm chậm phát triển của độc tố làm hỏng cá (do Clostridium botulinum tiết ra) giữ cho cá chậm ôi, chậm trở mùi, mất mùi nên kéo dài được thời gian bảo quản cá, làm cho cá giữ được màu sắc, nhất là màu hồng ở mang cá. U-rê có thể sinh ra ammoniac và axit cyanic gây độc cho người sử dụng. Do thế, phân đạm bị cấm dùng bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các chủ tàu, đầu nậu vẫn phớt lờ quy định cấm này.

Mô tả ảnh.

Chợ Cầu luôn nêm chặt người bán, người mua cá biển

Một số chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm lo ngại việc lạm dụng đạm u-rê trong ướp lạnh bảo quản cá biển. Bởi lẽ, các tài liệu nghiên cứu đều cho thấy, khi ăn phải các loại thịt, hải sản có chứa dư lượng phân u -rê cao thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy có thể dẫn đến tử vong. Còn nếu thường xuyên ăn phải những thức ăn có ướp u-rê, nhưng hàm lượng thấp, sẽ bị ngộ độc mãn tính, với các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, giảm trí nhớ...

Trong khi các chủ tàu vẫn chạy theo lợi nhuận mà quên đi lợi ích của người tiêu dùng, một số chuyên gia về thuỷ sản cũng có khuyến nghị: Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng hoá chất bảo quản thực phẩm. Nhất là trong đánh bắt hải sản và nuôi trồng thuỷ sản nhằm đảm bảo sản lượng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Thêm vào đó, người tiêu dùng khi mua cá cũng cần quan sát để phân biệt cá ướp đạm u-rê. Với loại cá này, trông thì tươi, màu cá đậm, mang cá cũng hồng tươi hơn bình thường nhưng độ đàn hồi không cao. Xem kỹ, người mua có thể nhận thấy khác thường: cá có mùi khai, khi nấu có mùi khai nặng hơn.

Để đảm bảo an toàn và sức khoẻ của người tiêu dùng, cũng như ngư dân đánh bắt cá xa bờ, các Bộ, ban ngành chức năng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý việc sử dụng hoá chất cấm trong bảo quản hải sản.

(Theo ĐS&PL)

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng: (092)345-7799 hoặc (04)3772-2729.    

Email: bvkh@vietnamnet.vn

Ý kiến của bạn

Các tin khác