Lại chuyện lưu lượng ADSL

Cập nhật lúc 07:21, 03/01/2010 (GMT+7)

 - Cứ thấy lưu lượng ADSL tăng vọt và không đồng ý với lời giải thích của nhà cung cấp, khách hàng sẵn sàng “rũ áo”.

Cước ADSL tăng vọt, nghi ngờ sai lưu lượng

 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
Dùng mạng Internet theo lưu lượng, trong suốt hai năm từ tháng 8/2007 đến tháng 8/2009, cước thuê bao của chị Khương Thúy Hạnh (098 912 xxxx) vẫn ổn định ở mức dưới 100.000 đồng/ tháng. Tuy nhiên, tháng 9, tháng 10/20009, tiền cước nhảy vọt lên hơn 200.000 đồng. Nhà chị chỉ sử dụng mạng vào buổi tối với thời gian một vài tiếng/ngày và không phải ngày nào cũng dùng. vì nhà có trẻ nhỏ nên phải dùng cả cái nút bảo vệ ổ cắm vào ban ngày và luôn rút nguồn điện của cả cụm (máy tính, modem, máy in) sau khi sử dụng máy tính

Kiểm tra chi tiết kết nối trên mạng của MegaVNN, chị Hạnh thấy lạ khi có nhứng thời điểm chị không sử dụng gì vẫn thấy account của mình kết nối vào mạng. Khi chị gọi lên tổng đài 800126 và 700 phản ánh và nhận được câu trả lời chung chung như là do lỗi bật modem, virus... và được hẹn nửa tháng sau có câu trả lời chính thức.

Chị nghi ngờ: “Nếu như hệ thống đo đếm dung lượng của nhà mạng không có vấn đề thì có thể account của tôi bị ăn cắp chăng?”

Không tin giải thích, sẵn sàng “rũ áo”

Đợi gần một tháng, chị mới nhận được công văn trả lời của MegaVNN. Theo MegaVNN, khả năng bị câu móc trộm cước bị loại trừ, kiểm tra tính logic của thông tin chi tiết cước của khách hàng không có sự bất hợp lý nào. Bởi vậy, MegaVNN khẳng định: “việc ghi cước, tính cước tháng 10/2009 của account KHUONGTRINHHANH là chính xác”

Không chỉ rõ nguyên nhân lưu lượng sử dụng của khách hàng tăng vọt nhưng trong công văn trả lời của MegaVNN có một phần lưu ý khách hàng.

“Đa số khách hàng thường để chế độ lưu mật khẩu. Do đó, có thể xảy ra tình trạng kết nối vẫn duy trì khi khách hàng không có nhu cầu sử dụng nhưng không tắt máy tính và modem. Để có thể quản lý chặt chẽ việc sử dụng dịch vụ, trung tâm dịch vụ khách hàng khuyến nghị: Không nên để chế độ lưu mật khẩu; Tắt modem khi không có nhu cầu sử dụng; Nếu sử dụng Wifi, cần chú ý đặt mật khẩu để tránh bị truy nhập trái phép.”

Tuy nhiên, chị Hạnh cho rằng công văn của MegaVNN rất thiếu thuyết phục. Chị cho biết, khi đi làm, chị không cắm điện cho hệ thống máy tính và modem cũng như không dùng wifi. Bởi vậy chị không hiểu tại sao những giờ đi làm, tôi tắt hết tất cả các nguồn điện và dĩ nhiên là không hề dùng máy tính thì trong bảng kê chi tiết cước của tôi vẫn thấy access vào mạng và download, upload với dung lượng cực lớn như thế?

Chị Hạnh cho biết: “Nếu Viễn thông Hà Nội không có câu trả lời thỏa đáng hơn thì hết tháng này tôi sẽ cắt hợp đồng với họ và chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp khác”.

Vòng luẩn quẩn nghi ngờ - rời bỏ

Chị Hạnh không phải khách hàng duy nhất nghi ngờ lưu lượng ADSL bị tính sai. Không chỉ nhà cung cấp Viễn thông Hà Nội mà cả FPT, Viettel cũng bị khách hàng nghi ngờ khi trong một tháng nào đó dung lượng ADSL tăng vọt. Điều này phản ánh một thực tế đáng buồn là người tiêu dùng đang thiếu niềm tin vào nhà cung cấp dịch vụ.

Mức sử dụng vẫn như các tháng trước mà dung lượng vọt lên gấp nhiều lần hiển nhiên khiến khách hàng đặt dấu hỏi. Và người dùng mong muốn tìm ra nguyên nhân đích xác của tình trạng này để kiểm soát chi tiêu của mình.

Câu trả lời của các nhà cung cấp thường là: hệ thống của chúng tôi đã được cơ quan đo kiểm và đảm bảo, lưu lượng quý khách sử dụng như vậy là chính xác, nguyên nhân lưu lượng tăng có thể là do…. Không chỉ ra được nguyên nhân chính xác của việc tăng lưu lượng đột biến, nhất là trong những khoảng thời gian khách hàng cam đoan không truy cập vẫn có lưu lượng thì những cam đoan của nhà cung cấp chỉ làm tăng thêm nghi ngờ.

Khách hàng cần là một giải thích cụ thể, xác đáng, nhà cung cấp lại đưa ra câu trả lời bằng phán đoán “có thể là do…”. Câu trả lời không sai nhưng không trúng khiến khách hàng không thể “tâm phục khẩu phục”.

Cứ nghi ngờ rồi rời bỏ, sang một mạng mới, lại nghi ngờ và lại rời bỏ sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn. Người tiêu dùng mệt mỏi, mất hết niềm tin vào các nhà cung cấp dịch vụ còn nhà cung cấp thì vừa mất khách hàng, vừa tốn chi phí phát triển khách hàng mới. Và vòng luẩn quẩn này chỉ chấm dứt khi hoặc khách hàng cam chịu “sống chung với lũ” hoặc doanh nghiệp giải quyết được vấn đề khủng hoảng niềm tin bằng một câu trả lời xác thực.

  • Huyền My

 

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng: (092)345-7799 hoặc (04)3772-2729.    

Email: bvkh@vietnamnet.vn

 

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Hieu, Thanh Tri, Ha noi, 08:51, 04/01/2010

Tôi đã dùng của FPT và cũng trả theo dung lượng cũng đã xảy ra hiện tượng trên tôi đã đã thắc mắc nhưng cũng không có 1 lý do giải thích thoả đáng, nhưng sau đó tôi thấy số tiền tôi thanh toán hàng tháng đã giảm xuống nhưng chưa về như mức ban đầu tôi mới dùng dưới 100.000 vnđ/ tháng. Quả thực tôi cũng không hiểu lý do tai đâu cả!

hoang FPT, TP. HCM, 08:37, 04/01/2010

Trường hợp này xảy ra do nhiều gia đình không quản lý chặt việc con cái sử dụng máy tính. Tôi nghĩ gia đình nên quản lý con cái tốt hơn trước khi khiếu nại. Việc sử dụng theo lưu lượng chỉ có máy tính mới theo dõi và cập nhập cước sử dụng. Không có bàn tay con người thì làm sao có chuyện gian lận.

nguyen duc trung, cao bang, 06:46, 04/01/2010

Tôi tưởng chỉ có ở điện lực trước đây mới thế chứ, giờ lại cả mạng nữa ư.... thật là phiền

moonlight, CC14.THD.Q1.HCM, 21:30, 03/01/2010

Chuyện này thì quá quen thuộc rồi, bây giờ nhà mạng nào cũng làm ăn bết bát, cung cách phục vụ thì vô cùng tệ hại.

Nguyễn Hồng Phượng, Đống Đa Hà Nôi, 21:29, 03/01/2010

Ôi, nhà tôi cũng giống y như nhà chị. Thông thường trước đây cước ADSL mỗi tháng không bao giờ quá 200 ngàn đồng/tháng, mặc dù thời điểm đó nhà tôi còn làm việc buổi tối ở nhà, down up database nhiều. Từ đầu 2009 tháng nào nhà tôi cũng xấp xỉ 300 ngàn/tháng mặc dù đa phần chỉ đọc báo và check mail. Gọi 700 1800126 cũng được giải đáp ý như thế, tôi đã phải làm thủ công bằng cách mỗi lần bật máy tính và modem là lấy giấy bút ghi lại thời gian bắt đầu và kết thúc. Vậy mà khi check cước vẫn có những thời điểm đi vắng mà vẫn hiện trên bảng tính cước thời gian đăng nhập.
Việc lưu mật khẩu, cái này MegaVNN trả lời như trên là vô lý, khi tôi đổi mật khẩu 1 lần, hệ thống bị sao đó, nên tôi phải gọi kỹ thuật tới hỗ trợ và cuối cùng nhận được lời khuyên "Chị đừng đổi pass, cứ để chế độ lưu pass là được rồi" và Mega VNN khẳng định không ai có thể câu trộm dùng của tôi được.
Cực chẳng đã, tôi đã phải chuyển sang dùng thuê bao trọn gói, mặc dù không có nhu cầu down up nhiều.

Nguyễn Hữu Hùng, Tam Dương - Vinh Phuc, 20:45, 03/01/2010

Tôi cũng gặp cảnh tương tự như chị Hạnh. Khi thấy cước phát sinh nhiêu gấp đôi tháng trước mà thời gian truy cập download upload ít hơn ,chỉ có một mình dùng vì trong nhà chỉ có tôi biết dùng vi tính. Hơn nữa trong tháng mười tôi có 15 ngày vắng nhà. Thắc mắc hỏi nhà cung cấp thì cung được nhận những câu trả lời chung chung không thoả đáng như kiểu nhà mạng trả lời chị Hạnh.

Nguyen Hung, 36 duong lac long quan quan tan binh, 17:01, 03/01/2010

Việc tính nhầm hay cố tình của các nhà mạng thì khách hàng lĩnh đủ. Lẽ nào chúng tôi không có được quyền sử dụng các dịch vụ này một cách công bằng sao?

Mạnh Hùng, Đà Nẵng, 15:02, 03/01/2010

Việc người sử dụng và người dùng không tin nhau không chỉ với dịch vụ ADSL mà cả với dịch vụ điện thoại cố định, di động...
-Nhà cung cấp khi nhận được khiếu nại luôn không tin tưởng người sử dụng mà chỉ tin vào hệ thống đo, đếm của mình.
-Người sử dụng không tin nhà cung cấp vì không kiaảm tra được hệ thống của nhà cung cấp. Không giống như đồng hồ đo điện mà người dùng có thể theo dõi, kiểm tra đơn giản được. Hệ thống đo đếm của dịch vụ viễn thông của nhà cung cấp người sử dụng không kiểm tra, giám soát được.
-Khi nhận được khiếu nại nhà cung cấp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan:
+Nếu giảm cước người tiêu dùng càng không tin vào hệ thống đo đếm, càng cho rằng nhà cung cấp "ăn gian không trôi" nên phải giảm cước.
+Nếu không giảm cước thì người dùng bực tức và cũng vẫn không tin.

Nhiều trường hợp khách hàng khiếu nại không gọi sao vẫn tính cước. Đơn vị bị khiếu nại xin số liệu của 2-3 tổng đài từ các nhà cung cấp khác nhau nhưng người dùng vẫn không tin.

trần thành đông, hà nội, 14:11, 03/01/2010

Hiện nay nhà cung cấp dịnh vụ thường có rất nhiều thủ thuật hoặc lập lờ đánh lận con đen. Ngoài việc tính cước họ còn lừa dối khách hàng khi giao kết hợp đồng. Ví dụ như khi giao kết HĐ phát hành tờ rơi và quảng cáo với nộng dung nghe thật hấp dẫn như khuyến mãi 100% tặng 01 modem, với 03 tháng truy nhập miễn phí, tiếp theo 10 tháng mỗi tháng người sử dụng được truy nhập cước sử dụng không quá 60.000.

Trên thực tế khi giao kết HĐ xong phía nhà mạng đợi cho người sử dụng gần 1 tháng rồi thông báo là tháng này chưa được miễn phí truy nhập mà phải là tháng sau. Người sử dụng kiểm tra lưu lượng thấy mình sử dụng vài trăm nghìn thì mới ngã ngửa là mình bị nhà mạng lừa. Theo Hợp đồng dân sự thì kể từ khi thực hiện giao kết HĐ giữa 2 bên là có hiệu lực. vậy đúng luật thì người sử dụng được miễn cước truy nhập 03 tháng có hiệu lực kể từ khi ký giao kết HĐ.

Tại sao khi người sử dụng không được thông báo ngay từ đầu là tháng này chưa được miễn cước sử dụng. Như vậy nhà mạng lập lờ đánh lận con đen chỗ đó. Là người sử dụng bản thân tôi cũng bị lừa nhưng khi nhà mạng thông báo nộp cước tôi nhất quyết ko thực hiện vì phía nhà mạng thiếu trung thực. Chúng tôi sẵn sàng chuyển sang dùng mạng khác và không trả bất cứ những gì chúng tôi đã nhận khuyễn mãi phía nhà mạng. Xin cảnh báo mọi người đừng để nhà mạng qua mặt rồi viện cớ lý do này khác làm mất thì giờ của chúng ta.

Hà Trung, 12:25, 03/01/2010

Rất rõ ràng là người tiêu dùng thiếu niềm tin ở nhà cung cấp mạng; giải thich không rõ ràng, thiếu thuyết phục.
Ngay như đơn giản là tốc độ truy cập, thường là không đúng so với cam kết ban đầu.
Lỗi mạng thường xuyên.
Và lỗi đếm cước như bài báo đã nêu.
Việc khách hàng từ bỏ là đúng thôi.
Hy vọng có nhiều nhà cung cấp mạng, nhất là 100% nước ngoài càng tốt; có như vậy các nhà cung cấp trong nước mới có hy vọng "tiến bộ" hơn chăng. May ra!

Lê Linh, Vinh_Nghệ An, 09:09, 03/01/2010

Trường hợp này mình cũng đã gặp phải, sau 3 tháng đầu sử dụng với mức cước trung bình là 150.000/1 tháng, đến tháng thư 4-5-6 thì mức cước đột ngột tăng lên 320-340 nghìn / tháng, mình lên phản ảnh trực lên trung tâm thì họ cho xem bảng thống kê giờ onl của mình, lạ 1 điều là máy mình thấy onl 20-24h, trong đó tháng 8 là mình bị bố cắt đường dây mạng từ mồng 1-15 thế mà trong bàng thống kê vẫn onl đều đều, mình phản ánh lên thì không thấy nói gì, bực quá nên mình cắt luôn, giờ dùng chung với mấy người hàng xóm.
Điều cũng đáng nói ở đây là trong bảng báo giá mức cước trần của gói thuê bao 24 nghìn/tháng nhưng mình vẫn phải đóng 3 tháng trên 320.000

Lee Hoa, Gia Lam Ha Noi, 08:43, 03/01/2010

Các nhà mạng giờ cũng độc quyền như điện lực thôi. Có 1 đường dây nên thích căt lúc nào thì cắt. Khách hàng chưa đóng cước thì đe doạ cắt trong khi nhà mạng mắc lỗi thì chẳng bị sao. Ở Việt Nam người tiêu dùng chỉ biết kêu trời mà thôi.

Tin liên quan

Các tin khác