,
221
9082
Blog Radio
blogradio
/blogviet/blogradio/
1298044
Dấu Chân Online 23: Có một Tibet khác
1
Photo
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
,

Dấu Chân Online 23: Có một Tibet khác

Cập nhật lúc 10:26, Thứ Năm, 30/09/2010 (GMT+7)
,
Dấu chân online
 
 
 
"Hôm nay bầu trời Hà nội xanh ngắt không một gợn mây. Những ngày nắng nóng đã quay trở lại, tuy nhiên còn có vẻ dễ chịu hơn không khí oi bức và tù túng bởi bụi đường, khói xe. Hà nội giờ cao điểm theo miêu tả của vov giao thông: Như một bức tranh tĩnh vật, tất cả mọi phương tiện dồn ứ, ùn tắc không thể di chuyển được. Còi và xe hỗn độn. Đường phố nhếch nhác như chưa từng có một thủ đô ngàn năm như thế.

Tôi lại nhớ tới thảo nguyên bao la. Có những lúc dừng xe lại, ngồi một chỗ và lặng yên ngắm trời mây cả tiếng đồng hồ không muốn dời đi, dù đường vẫn còn dài và xa tít tắp. Khoảnh khắc đó lúc nào quay trở lại, dẫu chỉ trong giấc mơ..." (Lời tác giả)

Tháng 6 là thời tiết lý tưởng để đến Tây tạng trong suốt cả năm, không mưa, không nóng, nhiệt độ trung bình 15 - 30 độ. Bầu trời xanh ngắt và hoa vàng đón chúng tôi suốt hành trình 60km từ sân bay về thành phố

Đôi khi may mắn được ngửi hương hoa hồng trên độ cao 3500m

Quả thật trước khi đến Tibet, tôi đã hình dung một thế giới khác so với tôi đã từng chứng kiến. Potala đối với tôi nằm trên một ngọn đồi cao vút, nơi có những vị Đạt Lai Lạt ma đáng kính và uy nghiêm, nơi từng dòng người hành hương nối dài cầu nguyện đến chân đền. Nhưng nay một thế giới khác hoàn toàn so với những gì tôi đã tưởng tượng.

Và thành phố Lhasa nay còn đâu vẻ cổ kính, tràn ngập những siêu thị, nhà hàng, sàn nhảy và quân cảnh khắp mọi nơi, trên nóc nhà, ngoài đường phố... Đập vào mắt ngay khi người ta vừa đặt chân tới sân bay là một tiểu đội máy bay tiêm kích - biểu dương cho sức mạnh quân sự của người Trung quốc: Chúng tôi bị cấm chụp ảnh với tất cả những gì liên quan tới quân đội, cảnh sát vì lý do an ninh và tránh gây hình ảnh xấu tới chính quyền tự trị.

Đến Tibet thời gian này, đương nhiên rồi, bạn bắt buộc phải có Tibet permit và thông qua một công ty du lịch với lịch trình được lập sẵn từ đầu tới cuối, với những thông tin được nhà nước Trung quốc kiểm soát chặt chẽ kể cả điểm tham quan và những gì hướng dẫn viên được phép dẫn đi. Cứ trung bình 100km di chuyển lại có một trạm kiểm soát giấy tờ, hộ chiếu. Giá mà... chúng tôi được đi Tibet trước đó 3 năm, có lẽ sẽ rõ hơn rất nhiều.

Đến Tibet thời gian này, bạn bắt buộc phải có Tibet permit


Phải nói thêm là tại Tibet thời điểm này đang hạn chế người nước ngoài vào tham quan. Chủ yếu đi du lịch là người Trung quốc, tuy nhiên điểm kiểm soát tại sân bay cũng rất gắt gao hơn hẳn những chuyến bay nội địa thông thường.

Nhưng than ôi - Potala nay còn đâu cái linh hồn đích thực. Vẫn còn đó những dòng người hành hương thành kính, vẫn còn đó những cung điện với hai sắc màu đỏ và trắng. Trong cái vỏ bọc hoành tráng ấy, chúng tôi được (hay bắt buộc) đi theo người hướng dẫn viên đi qua lần lượt hai mươi mốt điểm tham quan được đánh số thứ tự từ trên xuống dưới, để xem và nhìn ngắm các vị Lạt ma trong truyện cổ tích, đúng là một viện bảo tàng đích thực, mà văng vẳng treo lủng lẳng trên đầu là bức phù điêu của Mao chủ tịch: Gìn giữ bản sắc văn hoá Trung hoa.

 

Một dấu lặng cho biểu tượng của nền văn hoá và quyền lực vùng Tây Tạng - nơi chỉ vài thập kỷ trước nơi đây vẫn là trung tâm văn hoá chính trị bậc nhất trong vùng....

Tôi có hỏi bác hướng dẫn viên: Tại sao hầu hết người Tibet đi hành hương lại đeo khẩu trang? Nhận được câu trả lời vì lý do an toàn cho sức khoẻ, giữ vệ sinh. Theo tôi không hẳn hoàn toàn là như vậy. Họ đeo khẩu trang một phần vì tránh tiếp xúc trực diện với thế giới bên ngoài.

Ai cũng biết là tầm hai năm về trước nơi đây có sự xung đột sắc tộc giữa người bản địa (Tibet) và người Trung quốc di cư tới đây làm ăn. Sau đó chính quyền Trung quốc triển khai một lực lượng đông đảo quân đội, cảnh sát tới đây để ổn định tình hình. Một điều rất dễ nhận thấy trên các con đường và khu dân cư của người Hán thì rộng thênh thang, còn lại các khu phố có người Tibet sinh sống bao giờ cũng lụp xụp, và án ngữ trước cổng vào bao giờ cũng là trạm lính gác 24/24h với barie bằng chông sắt chờ sẵn. Chỉ có một điều, khách nước ngoài cấm được chụp ảnh, nếu chẳng may giơ máy lên là sẽ bị tịch thu ngay.
 

Tôi đã từng chứng kiến sự kiểm soát gắt gao của quân đội Trung quốc với người Tibet, mỗi khi có ai đó vác bao tải hay đại loại cái gì đó đi ngang qua trạm. Đều phải đứng lại, khép nép... y như một cái gì đó khiến ta nghèn nghẹn ở cổ không thoát ra được. Rồi lại nhắm mắt, bước đi như chưa từng mơ tới Potala...

Lhasa không phải là một thành phố lớn hẳn, nhưng cũng không đến nỗi quá nhỏ. Từ trên máy bay có thể nhìn thấy cứ cách một dải núi là một thung lũng bằng phẳng trên cao nguyên hình quả trám, cứ liên tiếp tầm 4 - 5 thung lũng vậy người ta lập nên các khu dân cư cho người Hán ở, và liên kết với nhau bằng đường hầm hay những con đường nhỏ vắt vẻo bám theo triền núi. Lhasa không nằm ngoài trong số đó, chỉ có khác, nơi đây là thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng - Trung quốc, nơi đây trước năm 1961 là một đất nước hoàn toàn độc lập kể cả kinh tế, chính trị, văn hoá.

 

Nói về địa lý và lịch sử, phân khúc từng vùng miền... ở đây trong một bài viết thiên về ký sự ảnh tôi không trình bày nhiều, chỉ viết theo những gì mình chứng kiến. Kể cả trong phần thuyết minh của bác hướng dẫn viên cũng có những kiến thức sai lệch không rõ ràng, tôi cũng chấp nhận theo kiểu: Được đâu hay đó, chính phủ chỉ đạo như thế nào ta hiểu vậy. Nguồn thông tin có được tương đối rõ ràng có thể dùng google tra về lịch sử Tibet trên một số kênh BBC, LP... hay wikipedia...

6 h chiều, đã hết giờ tham quan, chúng tôi bắt taxi đến Sera monastery cách Lhasa chừng 5km. Tất cả nằm ngoài chương trình dự kiến. Đường vào tu viện vắng tanh không một bóng người. Chỉ có tiếng quạ kêu và chắc đó là một trong những giờ phút tuyệt vời nhất của tôi tại Lhasa. Sera monastery nổi tiếng với những bài giáo lý bằng hình ảnh trực quan, nghĩa là các vị Lạt ma truyền chân kinh cho học trò qua một ngôn ngữ khác rất đặc biệt. Chúng tôi đến khi đã quá giờ giảng bài, tuy nhiên đó cũng là một sự may mắn. Không khách du lịch, không quân đội kiểm soát,không người thu vé vào cổng... tất cả chìm trong im lặng của một tu viện ráng chiều.

 

Tĩnh tâm một chút, nghe đâu đó văng vẳng tiếng đọc kinh rì rầm. Chúng tôi lần theo một ngõ nhỏ sâu hun hút và bất chợt gặp các thầy Lạt ma đang miệt mài kinh sử:

Để có được những bức hình chụp các vị Lạt ma đang học kinh Phật trên, tôi cũng phải nhờ đến sự may mắn mà không lý giải nổi. Nơi các ngài tu luyện nằm trong một ngõ hẻm nhỏ sâu hun hút, nếu đi vào giờ tham quan chắc không có cơ hội vào đây được, và may mắn hơn khi chính ngài, bằng ngôn ngữ biểu cảm đã cho phép duy nhất tôi được tham dự buổi lễ cầu kinh hôm đó. Vì không có ai soát vé nên cứ lặng lẽ theo một tốp người đi lễ muộn tiến vào. Từng bước từng bước chân nhè nhẹ, đến nỗi không dám ho he một tiếng nào sợ phá vỡ cái không khí tĩnh mịch của buổi chiều trong tu viện. Chính tại nơi đây, Sera monastery, có lẽ tôi mới cảm nhận được một phần nào đó không khí của vùng đất thiêng....

 

Còn gì tuyệt vời hơn khi có những người hiện thực hóa giấc mơ đó cụ thể hơn? Ngay từ lúc đặt chân lên Tibet, tôi đã nảy ra ý nghĩ có ngày quay trở lại trên lưng xe đạp ngao du trên độ cao 3500m. Ý nghĩ đó có quá hâm hâm không nhỉ? Thực tế đã có những con người như vậy, chỉ tiếc là xe ô tô đi quá nhanh... Chúng tôi nghỉ chân trên một thị trấn nhỏ dọc đường. Không thể ăn được bất cứ món gì của người Trung quốc, đặc biệt là món lẩu vì toàn cay và đầy dầu. Duy nhất có một món ăn thường trực là cơm rang trứng, giá 15 Tệ/suất
 
 
Bạn tôi hỏi: Thế mày ấn tượng và cảm xúc gì nhất? - Những đỉnh đèo, bầu trời và không khí trong vắt. Nơi đây tao không phải nghĩ gì về Hà nội ngột ngạt nóng bức, được thoả đôi mắt ngắm phong cảnh xa ngút chân trời.
 

 

Con đường tôi đã đi, xa tít tắp, lên và xuống như một sợi chỉ suốt..


Dấu Chân Online 23 chuyển thể từ ký sự: Có một Tibet khác của tác giả Trung Hiếu
 
  • Blog Việt - Nhacvietplus thực hiện

Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn

Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet
a
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
,
,
,
,